Chủ động chống gian lận xuất xứ, chặn hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

00:00 12/10/2020

Chủ động chống gian lận xuất xứ, chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung của nước nhập khẩu.

Việt Nam chủ động chống gian lận xuất xứ, chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa của Việt Nam “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 01 vụ/năm. Tuy nhiên, trong các năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có 03 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay đang gia tăng.

 

Lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Chủ động triển khai nhiều biện pháp

Tại Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” ngày 21/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; phối hợp, với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế; thường xuyên nghiên cứu, thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men...

Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có các kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra. 

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đề án đề ra 2 nhóm mục tiêu gồm: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã Ban hành Quyết định số 2094A/QĐ-BCT ngày 15/7/2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; Ban hành Quyết định số 2092/QĐ-BCT ngày 12/7/2019 thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; Yêu cầu các Cục quản lý thị trường tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh và gian lận xuất xứ…

 Lê Kim Liên