Chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới

00:00 12/10/2020

Sáng 9/8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động, tích cực trong việc tham gia cũng như triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: Từ các Công ước quốc tế về nhân quyền nói chung như Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), đến các Công ước quốc tế cụ thể trong lĩnh vực này như Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước Quyền Trẻ em (CRC), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Công ước số 100 của ILO về trả lương bình đẳng, Công ước số 111 của ILO về phân biệt đối xử (trong việc làm và nghề nghiệp).

Bà Caitlin Wiesen Đại diện thường trú UDNP tại Việt Nam

Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.diễn ra trong 2 phiên xoay quanh nội dung chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật về chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật, đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Tại phiên thảo luận, bà Caitlin chia sẻ Thông điệp: "Điều then chốt để phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới là phá vỡ văn hoá im lặng đang cản trợ nữ giới và trẻ em gái, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trong việc tố cáo các trường hợp bạo lực. Khi nạn nhân tố cáo vụ việc với các cơ quan chức năng, cần đảm bảo rằng họ nhận được sự bảo vệ cần thiết thông qua các biện pháp khắc phục hiệu quả."

Toàn cảnh phiên thảo luận

Có thể nói chống phân biệt đối xử và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi trách nhiệm chung và cam kết mạnh mẽ của tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan pháp luật, tư pháp, quản lý Nhà nước đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu trong nước và quốc tế nhằm giúp Chính phủ Việt Nam hành động hiệu quả hơn trong việc chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Gia Gia