Chống gian lận xuất xứ hàng hoá: Vẫn chờ trám kẽ hở chính sách

00:00 12/10/2020

Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật, có hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các chiêu thức gian lận thương mại cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, nổi lên tình trạng gia công hàng hóa, “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm mục tiêu hưởng lợi về thuế và lẩn tránh các “đòn trừng phạt” từ rào cản kỹ thuật khi các nước tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước.

Đủ phương thức, thủ đoạn gian lận

Theo ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan, thời gian qua, toàn ngành Hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc và phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa; đặc biệt, đã phát hiện một doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh tại TP.HCM cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả cho khoảng 30 DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Doanh nghiệp cấp C/O giả này tự xưng là hội viên của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng giá trị hàng hóa đã được DN vi phạm cấp C/O giả lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng, với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: Thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5 - 285% tùy theo mặt hàng đã dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

“Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ”, đại diện Cục KTSTQ cho hay.

chong gian lan xuat xu hang hoa: van cho tram ke ho chinh sach hinh 2

Container chứa nhiều linh kiện, phụ kiện điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam.

Đáng chú ý, trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

 

Lãnh đại Cục KTSTQ cho biết, kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan cho thấy, nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như: DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất quy định tại Điều 9, Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Thủ đoạn khác là, DN giai đoạn đầu chưa hoàn thành đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu. Thực chất, DN đã thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm và chỉ đưa về thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác.

Còn nhiều bất cập trong chính sách

Chia sẻ trên báo Hải quan, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua quá trình thực thi chính sách quản lý liên quan đến lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã phát hiện các bất cập liên quan đến ghi xuất xứ trên hàng hóa/bao bì hàng hóa và khai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng quy tắc xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Cụ thể, việc xác định quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt hàng hóa xuất khẩu để được mang xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam) cần phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm phải đạt 30% trở lên hoặc thực hiện chuyển đổi mã số hàng hóa theo cấp độ 2 số, 04 số hoặc 06 số so với mã số HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ. Như vậy, cần phải căn cứ theo hoạt động sản xuất, gia công, chế biến cụ thể tại DN.

chong gian lan xuat xu hang hoa: van cho tram ke ho chinh sach hinh 3

Nhà xưởng gần như trống không nhưng DN vẫn cho ra lò hàng loạt sản phẩm xe đạp Made in Vietnam.

“DN nhập khẩu cá hồi, cá saba nguyên con có xuất xứ từ Na Uy, Chile, Đan Mạch... và sản xuất sản phẩm là cá hồi, cá basa cắt lát, cắt miếng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan…Hay DN nhập khẩu bán thành phẩm (ví dụ áo đã cắt sẵn), sau đó may thành áo thành phẩm xuất khẩu. Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, các trường hợp nêu trên là gia công đơn giản theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Do đó, khi xuất khẩu DN không được khai hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, ông Âu Anh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đang xây dựng văn bản hướng dẫn về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hiện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã gửi ý kiến góp ý cho văn bản này. Theo đó, trường hợp hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa hoặc xác định trước xuất xứ hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ Việt Nam thì trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu ghi các cụm từ “Origin: Vietnam”; “Made in Vietnam”; “Produced in Vietnam”; “Product of Vietnam”.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT hoặc xác định trước xuất xứ không đáp ứng quy tắc xuất xứ Việt Nam thì trên hàng hóa, bao bì không được ghi các cụm từ nêu trên “Origin Vietnam”; “Made in Vietnam”; “Producted in Vietnam”; “Products of Vietnam”. Trường hợp này, thương nhân mà phải ghi các cụm từ như “Lắp ráp tại Việt Nam”; “Hoàn tất tại Việt Nam” hoặc “Lắp ráp bởi tên Công ty/Tập đoàn” hoặc “Chế biến bởi Công ty/Tập đoàn” hoặc “Sản phẩm của Công ty/Tập đoàn.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề xuất xứ hàng hóa để việc áp dụng trong thực tiễn được thuận lợi, hiệu quả tránh việc hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã và đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới với những quy định rất chặt chẽ về vấn đề xuất xứ hàng hóa”, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan nhấn mạnh./.