Chồng chéo luật làm khó nhà đầu tư

00:00 12/10/2020

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở hoặc thực hiện các dự án BT đến nay còn rất nhiều quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, xung đột nhau, không những làm khó cho giới doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn có thể gây thất thoát tài sản công.

Chia sẻ với doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM mới đây để bàn về việc tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ sự băn khoăn khi càng tìm hiểu pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai thì càng cảm nhận sự e ngại vì “quá phức tạp, quá rối rắm và như một ma trận”.

Như một ma trận

“Hãy thử tìm hiểu xem, cũng là sự lặp lại từ các quy định của luật, của nghị định, rồi các thông tư, rồi là thông lệ áp dụng tại các địa phương... Sự chồng chéo giữa các luật không khác gì một đàn gà với một rổ trứng chứ không mạch lạc như một con gà với một quả trứng”, ông Tuấn bộc bạch.

Từ những chồng chéo về luật như thế mới thấy các DN phải rất “dũng cảm”, kiên nhẫn, rất am hiểu và nhiệt tình thì mới có thể theo đuổi các dự án đầu tư của mình. Đặc biệt là khi có những quy trình, thủ tục mà DN phải mất thời gian đến 4 - 5 năm.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn lại một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từ năm 2016 mà cho đến nay vẫn không có sự thay đổi nhiều.

Theo đó, liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở có rất nhiều quy định pháp luật đang điều chỉnh, thống kê sơ bộ có tới 9 Luật là: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Bảo vệ môi trường, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu, Phòng cháy chữa cháy và hơn 20 thủ tục hành chính lớn, chưa kể vô số những thủ tục nhỏ khác.

Những Luật này mang tiếng là do Quốc hội ban hành, nhưng thực ra, như lưu ý của Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, là do một cơ quan Bộ chủ trì soạn thảo, và dưới Bộ là các cấp tổng cục phụ trách. Mà ở đó, tư duy, quan điểm, cách thức, cách nghĩ hoàn toàn khác biệt nhau.

Ông Võ cho rằng nên thay đổi cách thức xây dựng pháp luật, cần phải có sự tham gia của những tư duy ngoài khu vực nhà nước, của những chuyên gia. Hiện có thể thấy nhiều luật xây dựng thậm chí chi tiết pháp luật còn rất yếu.

“Chi tiết pháp luật còn rất yếu trong khi chúng ta lại có rất nhiều luật sư trong DN, của hội luật gia, của đoàn luật sư ở các tỉnh. Đấy chính là lực lượng có thể đưa ra những kiến thức pháp luật để chúng ta lấp kín được, không còn khoảng trống và làm cho các luật không xung đột”, ông Võ gợi ý.

Có thể nêu một trường hợp cụ thể như Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) có hiệu lực từ ngày 1/10/2019.

Chong-cheo-luat-lam-kho-nha-da-9847-9529

Chưa hết bất cập về luật trong thực hiện các dự án BT

Chưa hết bất cập

Kỳ vọng ban đầu của nghị định này là sẽ tạo khuôn khổ pháp luật để tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án BT theo phương thức Nhà nước sử dụng tài sản công, trong đó có “quỹ đất, trụ sở làm việc”, để thanh toán cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Nghị định 69/2019/NĐ-CP và đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho biết nội dung một số quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có thể bị vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyên nhân là chưa có khung pháp lý cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” thanh toán dự án BT. Có sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa quy định về khai thác “quỹ đất” để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai) và quy định sử dụng “quỹ đất” để thanh toán dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

Theo ông Châu, bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay là Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định các trường hợp vừa đấu thầu “mua” công trình BT, vừa đồng thời đấu thầu dự án có sử dụng đất (“bán” dự án khác). Hoặc trường hợp vừa đấu thầu “mua” công trình BT, vừa đồng thời đấu giá (“bán”) quỹ đất, trụ sở làm việc để lấy “tiền” thanh toán dự án BT.

“Pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, nhưng lại không quy định đồng thời thực hiện đấu giá “quỹ đất” hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà lại sử dụng “quỹ đất” thanh toán dự án BT”, ông Châu lưu ý.

Có thể thấy, quy định này đã trái với quy định đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở.

Với cách làm như vậy thực chất là chỉ định nhà đầu tư thực hiện “dự án khác” không qua đấu giá, đấu thầu, có thể dẫn đến làm thất thoát tài sản công và giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thế Vinh