Chính sách công nghiệp 4.0: Việt Nam phải chủ động tìm đường

00:00 12/10/2020

Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia từ CHLB Đức nhấn mạnh, chính sách công nghiệp là vô cùng cấp thiết mà nếu không có thì các quốc gia không thể phát triển bền vững được...

Ảnh minh họa

Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tại Việt Nam đã phổ biến ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhưng lại chưa được cụ thể hoá thành những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2030 và cũng chưa có một lộ trình rõ ràng để đi tới mục tiêu đó.

Điều này khiến cho xã hội băn khoăn và đặt câu hỏi liệu các nhiệm vụ của kế hoạch 2016-2020 và mục tiêu tới năm 2030 có thực sự hướng tới đích đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hay không. Những câu hỏi trên đã được chia sẻ tại Hội thảo “Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp – Kinh nghiệm từ CHLB Đức và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 12/7.

Cần mục tiêu cụ thể, ngành mũi nhọn

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội đặt vấn đề, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển dưới tiềm năng. Do vậy cần xác định mức độ đóng góp của các tiềm năng hiện tại của nền kinh tế mà chúng ta chưa tận dụng được; đồng thời mức độ đóng góp khi ứng dụng tri thức thông qua CMCN 4.0 đối với tăng trưởng KTXH như thế nào?

Với hướng đó, phương thức thực hiện có phải là dựa vào tri thức, lấy bám đuổi tri thức, bám đuổi công nghệ cao, chủ động hội nhập sâu và mạnh vào nền kinh tế thế giới làm cốt lõi hay không?

Mặt khác, với cơ cấu và mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam như hiện nay, có thể dự báo rằng đến năm 2020 nước ta mới bắt đầu thời kỳ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đối với một số ngành công nghiệp mà DN trong nước là chủ đạo. Đó là chưa kể trong các chiến lược phát triển công nghiệp vẫn đưa ra một số lượng quá lớn các ngành công nghiệp cần được ưu tiên.

Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ cần phải được nghiên cứu và thể hiện trong Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Thứ nhất, hoạch định rõ các mục tiêu cụ thể đảm bảo phát triển kinh tế nước ta theo định hướng XHCN.

Thứ hai, xác định mô hình KTXH của Việt Nam vào giai đoạn 2030-2045 với các tiêu chí cụ thể.

Thứ ba, lựa chọn một số ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung phát triển, trong đó phân định rõ lĩnh vực nào DNNN phải thực hiện, sau đó tiến hành cổ phần hoá, thoái vốn; lĩnh vực nào ưu tiên cho kinh tế tư nhân tập trung phát triển để nhanh chóng đạt được mục tiêu Việt Nam là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cuối cùng là xác định lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trên theo từng kế hoạch 5 năm và các điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu đó, từ đó sớm hoạch định chính sách vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế vi mô, từng bước phát triển đảm đương được nhiệm vụ thời đại đặt ra.

Tránh mắc kẹt vì FDI

Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia từ CHLB Đức nhấn mạnh, chính sách công nghiệp là vô cùng cấp thiết mà nếu không có thì các quốc gia không thể phát triển bền vững được. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách công nghiệp cũng cực kỳ khó và nhiều nước trên thực tế không thể làm được chính sách công nghiệp tốt, từ đó tiếp tục đi vào con đường kém phát triển.

GS. TS. Hansjorg Herr - Đại học Kinh tế và Luật Berlin lưu ý thêm rằng nếu không có chính sách công nghiệp chủ động thì quốc gia sẽ mắc kẹt trong những ngành sản xuất đơn giản. Hội nhập vào thị trường thế giới và thu hút vốn FDI cũng không thể làm thay đổi được điều đó. Bởi cơ chế thị trường dẫn đến các nền sản xuất công nghệ cao cần nhân công trình độ cao thì tập trung ở các nước phát triển, còn các nước kém phát triển đảm nhận các công đoạn sản xuất công nghệ thấp, cần nhiều nhân công.

“Vậy liệu FDI có bù đắp được các bất lợi đó của các nước kém phát triển hay không?”, ông đặt câu hỏi và cho rằng đây không chỉ là băn khoăn của riêng Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng FDI có thể đóng góp vào chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên theo các chuyên gia Đức, FDI đến Việt Nam vì ở đây nhân công rẻ. Họ không đến Việt Nam vì ở đây có lực lượng lao động trình độ cao, vì vậy họ chuyển giao các công đoạn sản xuất đơn giản sang Việt Nam chứ không phải các công đoạn công nghệ cao. Rõ ràng, các quốc gia phải tạo ra những doanh nghiệp vươn lên bằng công nghệ của chính mình.

“Các nước đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn cần FDI, vì FDI tạo ra đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực ở mức độ nhất định. Nhưng nếu nghĩ rằng nhờ có FDI mà vươn lên đuổi kịp các nước khác thì đó là một ảo tưởng. Với FDI thì có thể quá trình vươn lên sẽ có bước nhất định nhưng đến lúc nào đó nó sẽ chững lại và lúc đó chúng ta cần nỗ lực của chính mình mới vươn lên tiếp được”, GS. TS. Hansjorg Herr đưa ra lời khuyên.

Để có chính sách công nghiệp chủ động, các chuyên gia Đức cho rằng  điều quan trọng là phải tận dụng được các hiệu ứng tích cực từ FDI và từ các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời hạn chế hiệu ứng tiêu cực trong quá trình đó bằng các chính sách của nhà nước. Để làm tất cả những việc đó, Việt Nam cần có chính sách công nghiệp tổng thể. Và như vậy thu hút FDI cũng phải được tích hợp vào chính sách công nghiệp, trong đó phải lựa chọn FDI giúp kết nối phát triển các doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo ra hiệu ứng lan toả.

Một kinh nghiệm thực tế khác được các chuyên gia Đức chia sẻ là chính sách công nghiệp bao giờ cũng cần giải pháp trọn gói. Ví dụ doanh nghiệp và rộng hơn ở tầm quốc gia cần quyết định sẽ tham gia công đoạn nào trong chuỗi giá trị hoặc đưa bước sản xuất nào vào triển khai. Như vậy phải có các giải pháp đồng bộ, cụ thể hoá thành các chính sách về cơ cấu hạ tầng, đào tạo… Một yếu tố quan trọng nữa là phải tạo ra cầu đối với các sản phẩm công nghiệp, chẳng hạn đẩy mạnh mua sắm của Nhà nước là một giải pháp.

Ngoài ra cần có chính sách nâng cấp về xã hội trong chính sách công nghiệp, vì đó cũng là nguồn tăng năng suất lao động. Chính sách công nghiệp, ngay từ đầu cần được gắn với phát triển xã hội, bởi không có sự phát triển xã hội thì phát triển kinh tế sẽ bị đình trệ.

Tuy nhiên theo GS. TS. Hansjorg Herr, việc khó nhất là xây dựng được những cơ quan tổ chức có trình độ, năng lực để lựa chọn các dự án tốt, không tiêu cực tham nhũng, như vậy mới vận hành được. Cùng với đó, trách nhiệm hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp cần được đặt ở cấp chính trị cao nhất.

Ngọc Khanh

Tags: