Chính quyền Hồng Kông chi 5 tỷ USD giải cứu Cathay Pacific Airways

00:00 12/10/2020

Mỗi tháng Cathay Pacific thiệt hại tới 320 - 390 triệu USD, tính từ tháng Hai tới nay.

Đại diện Cathay Pacific Airways vừa xác nhận, chính quyền Hồng Kông sẽ thực hiện kế hoạch tái cấp vốn trị giá 5 tỷ USD để giúp hãng hàng không này vượt qua khủng hoảng.

Nhiều chính phủ trên thế giới đã phải ra tay trợ giúp các hãng hàng không trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm sút đáng kể, và trong một số trường hợp đặc biệt như Lufthansa, Chính phủ Đức đã thỏa thuận để nắm giữ 20% cổ phần và hai ghế trong ban giám đốc của hãng, dù chỉ là tạm thời.

Với Cathay Pacific, sự can thiệp của chính quyền được xem là vô cùng cần thiết, nhất là khi hãng bay này dính liên tiếp hai “cú đấm” nặng nề là bất ổn chính trị tại Hồng Kông năm ngoái và đại dịch Covid-19 đầu năm nay.

Báo cáo cho biết, số lượng hành khách chỉ còn 1% so với cùng kỳ năm ngoái, nghĩa là mỗi tháng Cathay Pacific thiệt hại tới 320 – 390 triệu USD, tính từ tháng Hai tới nay.

Hầu hết máy bay của Cathay Pacific đang trong tình trạng “nằm chờ”, chỉ duy trì hạn chế các đường bay quan trọng nhất tới Bắc Kinh, Los Angeles, Sydney và Tokyo.

Cũng như Singapore Airlines, Cathay Pacific không có thị trường nội địa để chống đỡ cho sự sụt giảm của du lịch quốc tế. Và hãng hàng không của đảo quốc sư tử cũng đã nhận gói cứu trợ lên đến 10,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư thuộc chính phủ, do Temasek Holdings dẫn đầu.

“Hồng Kông cần bảo vệ vị trí của mình như một trung tâm đầu tư lớn tại châu Á, bằng việc mở rộng sân bay quốc tế, nhất là sau những động thái cạnh tranh rõ rệt của Singapore trong khoảng hai tháng trở lại đây”, Reuters dẫn lời Brenda Sobie, nhà phân tích hàng không độc lập của Hồng Kông.

Theo kế hoạch giải cứu do Cathay công bố hôm 9/6, chính quyền Hồng Kông sẽ được phát hành số cổ phần ưu đãi trị giá 2,05 tỷ USD với lợi nhuận 6% và 250 triệu USD tiền bảo đảm.

Kế hoạch này cũng mang đến khoản vay bắc cầu trị giá 1 tỷ USD và chính quyền Hồng Kông được giữ hai ghế trong hội đồng quản trị.

Thỏa thuận này bao gồm cả quyền phát hành 1,5 tỷ USD cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu của Cathay Pacific, dẫn đầu là Swire Pacific và Air China - đã tạm dừng giao dịch sáng ngày 9/6 để đợi thông báo chính thức.

Hiện Swire Pacific nắm 45%, Air China nắm giữ 30% và Qatar Airlines nắm giữ 10% cổ phần của Cathay Pacific. Sau khi mọi điều khoản được thông qua, các con số sẽ thay đổi thành 42%, 28% và 9,4%.

“Kế hoạch tái cấu trúc ở mức độ này là dấu hiệu tốt cho tương lai lâu dài của Cathay Pacific”, nhà phân tích Loya You của BOCOM International nhận định. “Các hãng hàng không lớn đủ vốn có thể giành được thị phần đáng kể ngay sau khi cơn bão Covid-19 qua đi”.

Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn chưa công bố một đợt sa thải nhân viên quy mô lớn, chỉ mới đưa ra kế hoạch cắt giảm lương của đội ngũ quản lý cùng lựa chọn nghỉ phép tự nguyện cho nhân viên, với mục đích tối ưu quy mô hoạt động trong tương lai.

“Hôm nay chúng tôi thông báo về việc được rót vốn không có nghĩa là chúng tôi có thể thư giãn. Mọi thứ hoàn toàn ngược lại”, ông Patrick Healy, Chủ tịch Cathay Pacific nói. “Chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh để trở nên nhạy bén và cạnh tranh hơn”.

Hoài Điệp