'Chìa khóa' cho doanh nghiệp gỗ nâng cao giá trị

00:00 12/10/2020

Việc thiếu đầu tư nguồn nhân lực cho khâu thiết kế đang là điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) gỗ Việt. Thời gian tới, nếu các DN ngành này không có sự đổi mới trong khâu thiết kế sẽ rất khó cạnh tranh và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Đa số DN chưa quan tâm khâu thiết kế

Theo giới chuyên gia, lâu nay, các DN chế biến gỗ Việt Nam thiếu đầu tư nguồn nhân lực cho khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm. Do đó, mẫu mã sản phẩm gỗ thường đơn điệu nên giá trị không cao, chưa kể phần nhiều trong đó là sản phẩm gia công cho các tập đoàn nước ngoài. Rất ít công ty có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao.

Đa số các doanh nghiệp gỗ vẫn chưa quan tâm khâu thiết kế

Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, không chỉ riêng ngành nội thất mà rất nhiều ngành nghề khác đều quan tâm đến việc thiết kế và cho ra sản phẩm mới hàng năm, vì mẫu mã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất cao và giá trị rất lớn. Đơn cử như trong sản xuất xe máy, đều đặn hàng năm công ty Honda cho ra đời vài mẫu xe mới để tăng tính thu hút khách hàng. Tuy nhiên hầu hết các DN Việt nói chung và DN gỗ nói lại lại không chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Nga, Tổng giám đốc Công ty Koda Sài Gòn phân tích: Có 3 lý do chính mà DN chưa mặn mà tới việc thiết kế mẫu cho ngành nội thất. Thứ nhất là DN chưa nhận biết được tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã sản phẩm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường và mang lại giá trị rất cao cho sản phẩm khi bán ra? Thứ hai DN biết tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã nhưng chưa dám làm, sợ rủi ro, vì vậy vẫn làm theo cách cũ? Và cuối cùng là có thể DN biết, muốn làm mà không biết làm, không đủ năng lực để làm và không biết bắt đầu từ đâu.

Ông Nga nêu quan điểm: Làm đẹp cho căn nhà và không gian sống đang được người tiêu dùng hướng tới nên đồ gỗ nội thất không chỉ là cái ghế để ngồi mà là một tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy nếu DN nào không quan tâm điều này mà vẫn làm theo cách cũ sẽ bị một sức ép cạnh tranh rất lớn, đó là "sức ép của sự đào thải" vì không thể thích nghi với môi trường kinh doanh mới.

Cần hình thành những trung tâm sáng tạo thiết kế mẫu

Theo các chuyên gia, DN ngành chế biến gỗ phải thay đổi suy nghĩ: Đừng đi bán cái bàn, cái ghế nữa mà phải bán cái đẹp, bán không gian nội thất và đặc biệt là bán giải pháp cho khách hàng. Phải tạo được một thương hiệu đủ mạnh cho công ty mình và làm sao phải tạo ra đươc sự khác biệt, trong phân khúc đó, trong loại sản phẩm đó công ty mình là số 1.

Để có thể tồn tại và không bị đào thải, cùng với sự nỗ lực của chính các DN, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần xây dựng những chương trình và chiến lược cụ thể và dài hạn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, như tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, mở các cơ sở đào tạo và dạy nghề cho ngành gỗ, mở ra các trung tâm đào tạo chuyên về thiết kế nội thất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chương trình để khuyến khích và hấp dẫn các bạn trẻ tham gia vào ngành công nghiệp chế biến gỗ; đồng thời có những chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá cho hình ảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, nâng cao thương hiệu gỗ Việt ra thế giới.

Minh Long