Chỉ thị ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan

06:13 13/04/2021

Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021...

Thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường

Động thái này đến từ Bộ Công Thương là nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, tháng 4/2021 sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ nhận định, tháng 4/2021 sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. (Ảnh: minh họa)

Những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong bối cảnh đó, chủ động phòng ngừa là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, biến đổi khí hậu còn khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn.

Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao. Tính riêng trong 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Đồng thời, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm hoạ từ thiên tai.

Đánh giá và nhiều nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia cho biết, năm 2021 được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn.

Dự báo cho biết, mùa mưa bão năm nay sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6-8 tập trung tại khu vực Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Từ tháng 9 trở đi, bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ kéo dài xuống phía Nam. Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các chuyên gia cho hay mưa lớn sẽ tập trung ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 8-9, từ tháng 9-11 tập trung ở khu vực Trung Bộ.

Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng Công ty Đông Bắc (gọi tắt là các đơn vị) tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. (Ảnh: minh họa)

Kiện toàn tổ chức, lực lượng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.

Chỉ đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, nhất là các hồ thủy điện và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm: Kiểm tra, chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, kiên quyết không để tăng giá hàng hóa khi có thiên tai xảy ra.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.

Đồng thời triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt; phối hơp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ, phương án bình ổn thị trường khi thiên tai xảy ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện trực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra, phát quang hành lang tuyến, chặt tỉa cây ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào công trình điện theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra, cung cấp điện kịp thời, an toàn sau thiên tai.

Đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện: Cần tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước… các thiết bị cơ khí và thiết bị điện; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ.

T. Linh