"Chỉ khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng"

00:00 12/10/2020

Thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính,... nên hiện nay doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp. Theo giới chuyên gia, hiện chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất.

Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng (Ảnh: IT)

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian qua, Việt Nam vẫn xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp, các DN Việt cần phải nỗ lực để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, để có thể tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn. Cái khó của Việt Nam hiện nay, theo vị chuyên gia này, là hiện chúng ta mới chỉ có khoảng 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.

“Vấn đề chính của DN là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan tỏa từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước và rất ít DN kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu” – chuyên gia Phạm Chi Lan nêu rõ.

Thời gian qua, Chính phủ rất chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi, chỉ có phát triển lĩnh vực này, mới có thể giúp DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia... Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực này đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này cũng đang được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, năng lực cạnh tranh hiện nay của các DN cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng của Việt Nam vẫn còn yếu, số lượng DN đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.

Là một trong những doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng rất chú trọng đẩy mạnh việc đưa các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn này. Theo đó, Samsung cũng đang thực hiện chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung.

Theo chia sẻ của Tập đoàn này, đến nay tổng số nhà cung ứng của Samsung đã lên tới 308 DN đã có 308 doanh nghiệp, trong đó con số các DN Việt Nam là nhà cung cứng cấp 1 đã tăng lên, từ 4 DN năm 2014 lên tới 29 DN vào năm 2017 và tiến tới 50 DN vào năm 2020.

Các DN hiện đang tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam có thể kể đến Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Tổ hợp SEHC (TP. HCM), Samsung Display Vietnam (Bắc Ninh), Samsung SDI Việt Nam (Bắc Ninh) và Samsung Điện cơ Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên)...

Nhận định về khả năng tham gia của cộng đồng DN Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện là động lực để ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Và sự có mặt của các tập đoàn nước ngoài lớn đang tạo thêm nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam bước chân vào chuỗi sản xuất của họ.

“Chúng ta có nguồn nhân lực tốt, và chúng ta phải tranh thủ cơ hội này để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu không tranh thủ được, chúng ta sẽ mất thêm nhiều năm nữa mới có thể đuổi kịp các nước ASEAN”, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Phi Long