Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-14/12

00:00 12/10/2020

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018; đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội xuân 2019; bảo đảm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2018, tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2019; đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và đời sống nhân dân; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Phước; Điều chỉnh kế hoạch vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp học; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; bổ sung 5 tuyến Quốc lộ vào Quy hoạch phát triển giao thông; ... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-14/12/2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và kinh nghiệm rút ra để từng bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong năm 2019.

Nghị quyết nêu rõ: Để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà vững chắc cho năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo sâu sát, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, tập trung xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập của ngành, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm 2019.

Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết cổ truyền

Theo Nghị quyết, các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chuẩn bị các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết cổ truyền. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp Tết.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức chăm lo Tết cho người có công, các đối tượng chính sách, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chuẩn bị phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến tỷ giá, lãi suất, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nhu cầu của nền kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm soát, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.

Bảo đảm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2018

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế, rà soát kỹ các khoản thu, bảo đảm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2018. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá, thuế, phí, lệ phí, nhất là đối với với các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Siết chặt quản lý hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển các mặt hàng chủ lực, có nhiều tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ động triển khai giải pháp ứng phó với việc thay đổi chính sách thương mại của các nước.

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và đời sống nhân dân

Nghị quyết nêu rõ: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp. Nghiên cứu, phân tích quy luật xuất nhập khẩu dịp cuối năm, có giải pháp phù hợp bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành chế biến, chế tạo. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa vì lợi ích quốc gia, dân tộc với phương châm “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan thúc đẩy đàm phán để phấn đấu thông qua Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) trước tháng 5 năm 2019.

Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công, hoàn thiện các dự án, công trình trọng điểm của ngành, bảo đảm chất lượng. Nâng cao công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hàng hải, đường bộ, đường thủy nội địa. Tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xóa bỏ các điểm đen về mất an toàn giao thông.

Bộ Y tế chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; triển khai quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe đến từng người dân, thực hiện tốt y tế cơ sở; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn bộ dự án cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức để phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Chủ động giải pháp thực hiện hiệu quả việc liên thông khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế từ năm 2021 theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, nhất là đối với 2 Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện hiệu quả việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Phước

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Phước.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Bình Phước có 609.176 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,58%; đất phi nông nghiệp là 78.500 ha, chiếm 11,42%; đất khu kinh tế 28.364 ha, chiếm 4,12%; đất đô thị 27.680, chiếm 4,03%.

Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 463.142 ha, chiếm 67,35%; khu lâm nghiệp 142.982 ha, chiếm 20,79%; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 31.338 ha, chiếm 4,56%; khu phát triển công nghiệp 5.212 ha, chiếm 0,76%; khu đô thị có 8.068 ha, chiếm 1,17%; khu thương mại - dịch vụ 3.212, chiếm 0,47% ha; khu dân cư nông thôn có 33.722 ha, chiếm 4,90%.

Từ năm 2016-2020, 16.357 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 1.336 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước tăng cường điều tra đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều chỉnh kế hoạch vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp học

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tại 14 tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Gia Lai.

Trong đó, tỉnh Thanh Hóa được điều chỉnh từ 250.740 triệu đồng lên 272.056 triệu đồng (tăng 21.316 triệu đồng). 13 địa phương còn lại điều chỉnh giảm với tổng mức kế hoạch vốn giảm là 36.450 triệu đồng.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 dành cho 14 địa phương trên là 1.385.986 triệu đồng (giảm 15.134 triệu đồng so với mức quy định tại Quyết định số 1919/QĐ-TTg ngày 6/11/2015).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết danh mục dự án điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 cho các địa phương trên theo quy định tại Nghị quyết số 414/NQ-UBTVQH14 ngày 27/7/2017 và thực tế nhu cầu đầu tư của các phòng học trường mầm non (bao gồm các tỉnh có thay đổi tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 được giao ở trên và các tỉnh không có thay đổi tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 cho Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên nhưng được phép bổ sung đối tượng sử dụng vốn theo Nghị quyết 414/NQ-UBTVQH14).

Căn cứ điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 được giao, UBND các tỉnh giao hoặc thông báo điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 gồm danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án theo quy định cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện; báo cáo kết quả giao, thông báo điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/12/2018.

Đồng thời, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do địa phương quản lý. Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Quỹ) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.

Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ là xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.

Quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nguồn hợp pháp khác để triển khai các hoạt động của Quỹ; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá các nhiệm vụ do Quỹ bố trí kinh phí; thực hiện chế độ báo cáo, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm: Chủ tịch Quỹ; Giám đốc Quỹ và bộ máy giúp việc; Kiểm soát viên.

Vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng, được ngân sách trung ương cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập. Việc cấp vốn thực hiện sau khi Quỹ có các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền ban hành về tổ chức, bộ máy, chế độ kế toán.

Kinh phí hoạt động hằng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí thăm quan.

Bổ sung 5 tuyến Quốc lộ vào Quy hoạch phát triển giao thông

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung các tuyến Quốc lộ 47B, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 48E, Quốc lộ 49C, Quốc lộ 14H vào hệ thống quốc lộ khu vực miền Trung thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, Quốc lộ 47B có phạm vi từ thị trấn Kiểu đi cảng hàng không Thọ Xuân, dài khoảng 24,6 km, hoàn thiện nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 02 làn xe. Diện tích đất chiếm dụng theo quy hoạch dự kiến khoảng 206,1 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 602 tỷ đồng.

Quốc lộ 217B từ thị xã Bỉm Sơn đi Thạch Quảng, dài khoảng 49,7 km, hoàn thiện nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 02 làn xe. Diện tích đất chiếm dụng theo quy hoạch dự kiến khoảng 416,3 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.408 tỷ đồng.

Quốc lộ 48E từ cảng Lạch Cờn - thị xã Hoàng Mai đi xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, dài khoảng 214,261km (không bao gồm các đoạn đi trùng với quốc lộ hiện hữu), hoàn thiện nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị; riêng đoạn từ Quốc lộ 7 đến Quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn đường cấp III; đoạn từ thị trấn Quán Hành đi thị xã Cửa Lò đạt quy mô mặt đường rộng 15m, nền đường rộng 16m. Diện tích đất chiếm dụng theo quy hoạch dự kiến khoảng 339,71 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.430 tỷ đồng.

Quốc lộ 49C từ cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đi Điền Hương (Thừa Thiên Huế) dài khoảng 41,076km, hoàn thiện nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 02 làn xe, riêng đoạn từ thị xã Quảng Trị đến trung tâm khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đạt tiêu chuẩn đường cấp II với quy mô mặt đường rộng 15m, nền đường rộng 25m. Diện tích đất chiếm dụng theo quy hoạch dự kiến khoảng 267 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.591 tỷ đồng.

Quốc lộ 14H từ cảng Cửa Đại đi Quế Lâm, dài khoảng 73,41km (không bao gồm đoạn đi trùng Quốc lộ 1), hoàn thiện nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cấp IV. Diện tích đất chiếm dụng theo quy hoạch dự kiến khoảng 96,5 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng.

Theo tiến trình thực hiện, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện đầu tư xây dựng thay thế các cầu yếu trên quốc lộ (Làng Chiềng, Vàng trên Quốc lộ 47B; Bai Mường, Minh Hải trên Quốc lộ 217B; Tràn Dinh, Tràn Hiếu trên Quốc lộ 48E; An Tiêm trên Quốc lộ 49C; Cẩm Kim trên Quốc lộ 14H) thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và hai đoạn tuyến nối với đường dẫn cầu Duy Phước - Cẩm Kim, tỉnh Quảng Nam.

Giai đoạn sau năm 2020 thực hiện đầu tư theo quy mô Quy hoạch.

Trả lời chất vấn về bố trí vốn cho các ngân hàng chính sách

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về việc bố trí vốn cho các ngân hàng chính sách.

Vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có phiếu chất vấn gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với mong muốn Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn lớn hơn cho các ngân hàng chính sách để nâng mức vốn vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông dân tộc thiểu số..., nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng, hiệu quả của chương trình tín dụng rất có ý nghĩa này, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo xây dựng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ thực hiện xóa đói, giảm nghèo đối với các đối tượng chính sách. Ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.

Từ 03 Chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay NHCSXH đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện (như chương trình tín dụng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở,...).

Tính đến ngày 30/9/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 184.727 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với thời điểm thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã hỗ trợ cho hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động; hỗ trợ cho hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 11 triệu công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 690 nghìn căn nhà. Qua đó có thể thấy các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện có độ bao phủ lớn, rộng khắp theo địa bàn và phân nhóm đối tượng. Ngoài ra, một hộ có thể được vay nhiều chương trình khác nhau, do đó có thể tiếp cận được với nguồn vốn tương đối lớn.

Về bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, nguồn vốn của NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách bao gồm: vốn từ ngân sách nhà nước, vốn huy động; vốn đi vay; vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn khác. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ bố trí kế hoạch tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo kế hoạch hàng năm. Tính đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 195.970 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 15,94% tổng nguồn vốn của NHCSXH; nguồn vốn từ việc duy trì số dư tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước tại NHCSXH, vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh chiếm 60,8% (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn của NHCSXH); nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 11.364 tỷ đồng, chiếm 5,8%.

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách nêu trên, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc huy động và bố trí nguồn lực tài chính cho NHCSXH.

Cụ thể tính đến ngày 30/9/2018 đã bố trí ngân sách Trung ương cấp vốn điều lệ (13.893 tỷ đồng); cấp vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách (17.346 tỷ đồng); cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý (22.447 tỷ đồng); có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (tổng khối lượng huy động là 91.008 tỷ đồng); quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm (64.301 tỷ đồng); tạo điều kiện cho NHCSXH được vay một số nguồn vốn ưu đãi (như tạm ứng vốn tồn ngân của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2007-2016, vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...).

Riêng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cho NHCSXH là 21.978 tỷ đồng, trong đó cấp vốn điều lệ: 7.575 tỷ đồng; cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý là 13.290 tỷ đồng; cấp vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ là 1.062 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Về mức cho vay, thời gian qua, căn cứ vào khả năng cân đối, bố trí vốn của ngân sách nhà nước cũng như khả năng huy động vốn của NHCSXH, các chương trình tín dụng chính sách qua NHCSXH đã được Nhà nước xem xét, điều chỉnh cả về mức vốn vay và lãi suất để phù hợp với từng nhóm đối tượng, tình hình thực tế như: điều chỉnh mức cho vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên  từ mức ban đầu là 800.000 đồng/tháng, qua 6 lần điều chỉnh hiện nay mức cho vay là 1.500.000 đồng/tháng; điều chỉnh mức cho vay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ mức ban đầu là 4 triệu đồng/hộ, qua 2 lần điều chỉnh hiện nay mức cho vay là 10 triệu đồng/hộ...; trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại NHCSXH. Quyết định mới nhất là Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015, cụ thể: giảm lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm)...

Tuy nhiên, qua tiếp nhận ý kiến của các Đoàn công tác, kiến nghị của hộ vay, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội trên cả nước thì một số chương trình tín dụng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, NHCSXH nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp.

Kết quả nêu trên cho thấy trong những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm dành nguồn lực để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức giao tăng trưởng dư nợ bình quân cho NHCSXH là 10%/năm; ưu tiên cấp, bố trí nguồn vốn cấp bổ sung vốn điều lệ và vốn cấp các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH; chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tiếp tục bố trí nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

3 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Theo đó, danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.

Theo Quyết định 50/2018/QĐ-TTg, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải đáp ứng 4 tiêu chí sau:

1- Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

2- Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

3- Có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

4- Tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh với đối tượng thủy sản của quốc gia khác trên thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm.

Từ đó, quyết định nêu rõ danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm có: Tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798); tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931); cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước, xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong phạm vi cả nước; định hướng phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực để tích hợp vào hệ thống quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thông tin cập nhật về phát triển sản xuất các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy định về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước; xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại địa phương; định hướng phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh đối tượng thủy sản nuôi chủ lực thực hiện đăng ký nuôi thủy sản theo quy định hiện hành; được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật; được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về kết quả quan trắc cảnh báo môi trường, tình hình phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi có đề nghị.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/01/2019.

PV