Chân dung Tiến sĩ Việt lọt từng top gương mặt trẻ ấn tượng nhất Thung lũng Silicon

19:28 17/04/2021

TS. Vũ Duy Thức từng là nhà đồng sáng lập mạng xã hội Katango - công ty phần mềm đầu tiên do người Việt đồng sáng lập được Google mua lại. Ông cũng từng đồng sáng lập ứng dụng trò chuyện Tappy, cũng được một công ty tại thung lũng Silicon mua lại là Weeby. Ngoài ra, TS. Thức còn là nhà đầu tư thiên thần cho nhiều dự án.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Vũ Duy Thức, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh là cựu học sinh chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ngay khi mới 10 tuổi, Vũ Duy Thức đã mê toán đến nỗi có thể ngồi nguyên một ngày để giải cho ra đúng một bài. Anh từng kể rằng thứ thực sự thu hút anh không phải là đáp số, mà chính là quá trình đi tìm lời giải ngắn nhất từ hàng chục cách khác nhau.

Niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh theo học cùng lúc hai ngành Toán – Tin tại Đại học Carnegie Mellon (CMU) thay vì học y khoa như kỳ vọng của cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ).  Anh cũng đồng thời đoạt giải thưởng "Sinh viên ưu tú nhất" của Hiệp hội Nghiên cứu Tin học Mỹ (CRA), được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại 7 đại học hàng đầu của Mỹ. Cuối cùng sự lựa chọn của Thức là Stanford – cái nôi của rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như Lê Viết Quốc, Lương Minh Thắng,..

Vũ Duy Thức lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin (Chuyên ngành trí tuệ nhân tạo - AI) tại Đại học Stanford năm 2010, khi anh 28 tuổi. Thức đã thực hiện nhiều dự án kinh doanh, từng là người đồng sáng lập hai công ty là Katango và Tappy (được Google và Weeby.co mua lại).

Du học rồi ở lại sinh sống, làm việc tại Mỹ đã lâu, Duy Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi bên Mỹ phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này không thoát được sự cô đơn và luôn cần sự giúp đỡ trong nhiều việc.

Bên cạnh đó là những người con sống xa nhà, Duy Thức cũng như sáng lập viên có nhu cầu tương tác thường xuyên với các thành viên gia đình tại quê hương. Đó là lý do anh nảy ra ý tưởng về robot Ohmni.

Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (để thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa…

Robot này rất linh hoạt, có thể cùng đi dạo, xem phim với người già, không gây gián đoạn việc riêng. 

Người điều khiển có thể kiểm soát robot từ xa thông qua phần mềm. Robot có gắn máy tính bảng và có khả năng di chuyển, 2 bên có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau và trò chuyện trực tiếp thông qua webcam.

“Robot tương tác từ xa Ohmni được tạo ra như một robot gia đình, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi. Đây là nhóm người dùng chủ yếu sống một mình, họ không thoải mái khi sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại phức tạp, nhưng họ lại có nhu cầu thường xuyên liên hệ với các thành viên trong gia đình”, CEO của OhmniLabs Inc nói. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Theo TS Vũ Duy Thức, thị trường startup tại Hoa Kỳ và Việt Nam những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc ở mảng software startups (ứng dụng mềm) với nhiều xu hướng như phát triển trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo.

Tuy nhiên để ứng dụng được những phát triển công nghệ đó đối với một startups chuyên về hardware (phần cứng) và robotics đòi hỏi đội ngũ nhà sáng lập và team phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mảng khác như Kỹ thuật điện (Electrical engineering), Kỹ thuật cơ khí (Mechanical engineering) và Thiết kế công nghiệp (Industrial Design).

Để khắc phục những khó khăn đó, chàng trai Việt nhấn mạnh vào việc người sáng lập phải thật sự tin tưởng vào giá trị bền vững mà sản phẩm của mình mang lại cho người sử dụng và cộng đồng.

Anh Thức kể lại câu chuyện một người con phải đi công tác xa trở nên lo lắng sau nhiều cuộc gọi nhỡ, vì vậy đã gọi điện qua Ohmni. Cậu con trai đã tìm thấy mẹ đang nằm liệt giường, không thể di chuyển do nhiễm khuẩn nặng, nhờ vậy người này nhanh chóng sắp xếp được xe cứu thương cho mẹ mình tới bệnh viện. 

"Chúng tôi đã thấy những tác động tích cực to lớn trực tiếp đến người dùng. Đối với những người cao tuổi bắt đầu sử dụng robot, có một sự cải thiện đáng kể về hạnh phúc của họ. Chúng tôi thấy họ ngày càng trở nên tích cực hơn và cảm thấy thoải mái hơn, họ cảm nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, đó là điều họ thiếu vì họ sống một mình", TS Vũ Duy Thức chia sẻ.

Tiến sĩ Việt cho biết, dự định sắp tới sẽ phát triển một nền tảng robot mở để các nhà nghiên cứu, lập trình viên có thể phát triển nhiều ứng dụng khác nhau với thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Anh hi vọng có thể góp phần tăng tốc cuộc cách mạng robotic trong tương lai gần.

Gương mặt trẻ thành công tại thung lũng công nghệ số 1 thế giới cho “bật mí”, việc xây dựng một đội ngũ thành viên nòng cốt tốt trong giai đoạn đầu là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công của dự án. “Người ta hay thường bảo việc chọn người đồng sáng lập còn khó hơn cả việc chọn bạn đời, và tôi thấy điều đó rất đúng”, TS Thức nhấn mạnh.

TH