Chân dung Henry Ford - cha đẻ hãng Ford nổi tiếng

14:57 07/05/2021

Nói đến xe Ford, là phải nói đến Henry Ford, cha đẻ của hãng xe hơi nỗi tiếng này. Chính ông chứ không ai khác, là người đã đưa ra khái niệm “dây chuyền sản xuất” xe hơi đầu tiên. Điều này đối với Henry Ford chỉ là một bước cải tiến bình thường. Nhưng với ngành công nghiệp ô tô (và nhiều ngành công nghiệp khác nữa), đây là một cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất đã tồn tại từ trước đó khá lâu.

Henry Ford. Nguồn ảnh: Internet
Henry Ford. Nguồn ảnh: Internet.

Đi lên từ thất bại

Henry Ford sinh ngày 30/7/1863 tại quận Wayne, Michigan. Henry Ford là con trai cả của một nông dân có nguồn gốc từ Aixơlen sang nhập cư ở Mỹ từ những năm đầu của thế kỷ 19. Thuở nhỏ, ngoài thời gian đi học, ông giúp bố mẹ làm việc trong trang trại. Henry thích máy móc từ nhỏ và thường xuyên có những cuộc “thử nghiệm” để xem cách máy móc hoạt động. Ông từng tháo tung chiếc đồng hồ ra ngắm nghía rồi lắp lại như cũ chỉ với những dụng cụ tự chế, ví dụ dùng ốc vít thay cho tua vít vì đồng hồ quá nhỏ. Năm 1876, ông vô cùng hào hứng khi lần đầu tiên được nhìn thấy một chiếc đầu máy hơi nước.

Cũng năm đó mẹ ông mất. Không còn động lực tiếp tục công việc đồng áng vất vả, Henry dành hết thời gian nghiên cứu sách vở về cơ học. Năm 16 tuổi (1879), ông được nhận vào làm thợ máy học việc tại một xưởng đóng tàu ở Detroit. Đến năm 1882, ông trở về nhà và vận hành máy kéo hơi nước cho hàng xóm và kết hôn năm 1888. Những tưởng chàng thanh niên chịu bằng lòng làm việc ở trang trại nhưng đến năm 1891, vợ Ford rất sốc khi biết chồng nhận vị trí kỹ sư trực đêm tại công ty Edison Illuminating ở Detroit với mức lương 40 USD một tháng.

Nhờ chăm chỉ, Henry Ford được thăng chức thành kỹ sư trưởng sau 2 năm làm việc. Tuy nhiên, công việc giám sát điện lưới đòi hỏi ông phải túc trực 24/7, không còn nhiều thời gian để thực hiện mơ ước sáng chế một loại xe chạy bằng xăng.

Ford từng viết trong cuốn hồi ký My Life and Work: “Tôi buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp đang lên và niềm đam mê ô tô. Cuối cùng, tôi đã chọn ô tô và từ bỏ công việc - thật sự chẳng còn lựa chọn nào khác. Bởi lẽ, tôi đã sớm biết chỉ ô tô mới đem đến thành công cho mình”.

Thời điểm đó, môi trường cạnh tranh rất khốc liệt vì có nhiều công ty chế tạo xe chạy động cơ xăng dầu. Quadricycle có thể coi là thất bại đầu tiên của Ford vì thiết kế quá nhỏ và chưa hoàn thiện để sản xuất trên quy mô lớn. Cùng năm đó, khi tham dự một cuộc họp của ban lãnh đạo công ty tại New York, ông có cơ hội nói chuyện với Thomas Edison và thật bất ngờ khi nhà phát minh đại tài ủng hộ ý tưởng xe chạy bằng xăng của Ford. Có động lực, năm 1898, ông chế tạo ra mẫu xe thứ 2 và bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư với mong muốn mở một công ty sản xuất xe ô tô.

Năm 1899, ông thuyết phục được một ông trùm cao su trong vùng tên William H. Murphy chạy thử quãng đường 96 km đến Farmington, Pontiac và quay lại Detroit trên chiếc xe của mình. Henry Ford tìm được nhà đầu tư đầu tiên và mở công ty Detroit Automobile vào tháng 8/1899, làm việc ở vị trí giám thị với mức lương 150 USD một tháng. Tháng 1-1900, mẫu xe đầu tiên của Công ty Detroit đã xuất hiện trên đường phố ở Detroit với thành công đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, các cổ đông chính của Detroit bắt đầu muốn sản xuất nhiều ô tô để gia tăng lợi nhuận, trong khi Henry vẫn còn hạn chế về kỹ thuật. Kinh nghiệm của ông lúc đó chỉ cho phép ông sản xuất 1 xe 1 lần. Sau đó, Detroit sản xuất thêm vài chiếc xe nữa nhưng chi phí quá đắt khiến giá thành quá cao, xe không bán được. Cuối cùng, các cổ đông trả Henry 75USD và công ty phá sản vào tháng 1-1901.

Dù vậy, nhiều bạn bè cũ ở Detroit vẫn tin tưởng Henry. Thậm chí, một số cổ đông cũ của Công ty Detroit đã giữ lại một phần của nhà máy Cass Avenue (nhà máy cũ của Detroit) để Henry có thể sản xuất loại ô tô ông thích. Lúc này, Henry chú ý đến mảng xe đua, vì loại xe này mới thể hiện hết những vượt trội của động cơ, thế mạnh của ông.

Với sự giúp đỡ của những người bạn, Henry cho ra đời chiếc xe đua 2 xi lanh 26 mã lực đầu tiên vào giữa năm 1901, với chi phí 5.000USD. Ông đã chiến thắng cùng chiếc xe này trong cuộc đua với chiếc xe 40 mã lực của tay đua nổi tiếng Alexander Winton vào tháng 10-1901, đạt giải thưởng 1.000USD và trở nên nổi tiếng.

Cuối năm 1901, công ty Henry Ford được thành lập và Henry Ford sở hữu 1/6 cổ phần – trị giá 100.000 USD. Lần này, để bảo đảm Ford làm việc đúng tiến độ, ban giám đốc thuê một kỹ sư dày dặn kinh nghiệm (Henry M. Leland) để giám sát ông. Không phục, Ford rời công ty chỉ sau chưa đầy một năm với 900 USD trong túi và mất quyền sử dụng chính cái tên của mình. (Công ty này sau đổi tên thành Cadillac).

2 lần thất bại tưởng chừng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của kỹ sư 38 tuổi. Nhưng Ford không chấp nhận số phận. Với ông, “thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại, một cách thông minh hơn”. Ông tiếp tục tìm tòi nghiên cứu và vào năm 1903, tìm được một nhà đầu tư khác tên Alexander Malcomson, người đồng ý bỏ tiền để ông mở công ty Ford Motor.

Người viết nên huyền thoại ngành công nghiệp xe hơi

Thời điểm đó, có lẽ sẽ không ai tin được rằng ô tô sẽ thay thế ngựa để trở thành phương tiện di chuyển phổ biến nhất thế giới. Thế nhưng, bằng sự học hỏi và kiên trì của mình, Henry Ford đã chứng minh cho cả thế giới thấy chẳng có gì là không thể. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Henry Ford không phải là người đã phát minh ra ô tô, nhưng ông đã đóng góp rất nhiều nhằm thay đổi bộ mặt giao thông vận tải của thế giới vào đầu giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Khi ấy, xe ngựa vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, còn xe hơi là một thứ gì đó quá xa xỉ mà chỉ giới thượng lưu mới có thể sở hữu. Không bằng lòng với thực tế đó, nhà sáng lập thương hiệu ô tô Ford danh tiếng khẳng định đầy quyết tâm: “Tôi sẽ tạo nên một chiếc xe dành cho số đông dân chúng”.

Tom Cooper, một nhà vô địch xe đạp nổi tiếng và giàu có, liên hệ với Henry, đề nghị ông sản xuất cho 2 chiếc xe đua cỡ lớn. 2 người đã thuê một nhà xưởng để đóng 2 chiếc xe đua, chiếc 999 cho Henry và chiếc Arrow cho Cooper. Mục tiêu của họ là tham gia giải đua Challenge Cup của các nhà sản xuất vào tháng 10-1902.

Khi ráp xong chiếc 999, Ford và Cooper cùng chạy thử, nhưng không ai dám lái nó đi chạy đua, vì nó có động cơ 80-100 mã lực. Cuối cùng, Cooper mời bạn của mình là Barney Oldfield về lái chiếc 999. Barney chiến thắng cuộc đua, tên tuổi của Henry càng trở nên vang dội.

Với danh tiếng của mình, Henry tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư, một trong số đó là Alexander Y. Malcomson, một lái buôn than đá. Họ thành lập Ford & Malcomson, Ltd. để sản xuất xe hơi nhỏ giá rẻ. Cả 2 thuê 1 nhà máy và ký hợp đồng với xưởng cơ khí của John và Horace E. Dodge để mua linh kiện.

Doanh số của nhà máy chậm, trong khi anh em nhà Dodge đòi tiền cho đợt hàng đầu tiên. Không có tiền xoay sở, Malcomson mời thêm một nhóm nhà đầu tư và thuyết phục anh em nhà Dodge nhận cổ phần trong công ty mới, Công ty Ford Motor. Henry sau đó thiết kế một chiếc xe mới, đã chạy qua hồ băng St. Clair và lập kỷ lục về tốc độ với 147km/giờ.

Tay đua Barney Oldfield rất hào hứng với chiếc xe này nên đã lái nó đi khắp Hoa Kỳ, khiến tên tuổi của Ford Motor được cả nước biết đến. Ford Motor bắt đầu đi vào huyền thoại ngành công nghiệp xe hơi cũng từ đó...

Ở tuổi 64, nhẽ ra Henry Ford đã có thể nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ cống hiến không biết mệt mỏi. Thế nhưng, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ đối thủ Chevrolet với hàng loạt mẫu xe mới mỗi năm khiến hãng xe Ford lao đao vì doanh thu giảm. Lúc này, người sáng lập già buộc phải trở về điểm xuất phát: chế tạo một chiếc xe hơi mới. Lần lượt mẫu xe Model A và V8 với nhiều cải tiến mới được ra đời, đem lại thành công cho Ford và vực dậy công ty hai lần liên tiếp. 

Tuy nhiên, vận xui vẫn không ngừng đeo bám Henry Ford cho đến tận những năm cuối đời. Ở tuổi 80, ông chứng kiến người con trai Edsel ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Henry Ford - lúc này đã già yếu và đầy bệnh tật - đành phải thay con lên làm chủ tịch của công ty Ford. Sau này, ông nghỉ hưu và trao quyền điều hành công ty cho cháu trai Henry Ford III vào năm 1945. 

Hai năm sau đó, Henry Ford qua đời do xuất huyết não, hưởng thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương trong lòng người dân nước Mỹ. Cứ mỗi giờ, có hơn 5.000 người tới đám tang để tiễn biệt ông - người đã giúp thế giới chuyển từ ngựa sang ô tô - lần cuối.

“Khi bạn cảm thấy mọi thứ như đang chống lại mình, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió, không phải xuôi chiều gió.” - Henry Ford

TH