Chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại trong chương trình đưa thực tập sinh và lao động sang Nhật làm việc

23:55 28/11/2021

Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh (TTS) kỹ năng và lao động (LĐ) Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản.

Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS nhìn nhận, Bản ghi nhớ này nhằm cũng cố và điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại trong chương trình TTS và LĐ sang Nhật thực tập và làm việc mà VAMAS và NAGOMi ghi nhận thời gian qua.

Đó là sự cạnh tranh không công bằng giữa các công ty phái cử, chi phí vé máy bay cho TTS, tai nạn lao động, thai sản, nghiệp đoàn tuyển dụng không tốt, chi phí tiếp khách quá mức, phí quản lý TTS, phân biệt đối xử với TTS...

Trong đó, VAMAS tiếp tục triển khai Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc nước ngoài (Code of Conduct- CoC) cho các thành viên của mình.

Chấn chỉnh 'thết đãi quá mức' trong xuất khẩu lao động - ảnh 1
Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chương trình phái cử. Ảnh: CTV

Cùng đó, triển khai các hoạt động phù hợp nhằm vận động các thành viên của VAMAS tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và quy định pháp luật của Nhật Bản về việc phái cử và tiếp nhận, sử dụng LĐ.

Trong đó đặc biệt là đảm bảo tuân thủ các quy định về tuyển chọn công bằng; đào tạo phù hợp; thu tiền dịch vụ đúng quy định; hỗ trợ TTS và LĐ kịp thời, thỏa đáng; không sử dụng các biện pháp không lành mạnh như thiết đãi quá mức, thỏa thuận bí mật trái phép, giảm trừ các khoản phí phải trả từ phía nghiệp đoàn và tổ chức tiếp nhận... 

Phía NAGOMi, vì mục tiêu “Bảo vệ Thực tập sinh kỹ năng và Lao động kỹ năng đặc định tránh khỏi vi phạm nhân quyền bởi các cá nhân, công ty và tổ chức môi giới xấu, ổn định hệ thống, môi trường làm việc lành mạnh”, sẽ tiếp tục đưa ra các đề xuất chính sách tới chính phủ, các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương, các đoàn thể kinh tế và tiến hành hiện thực hóa các đề xuất này.

Hiện NAGOMi đang thực hiện "Chiến dịch loại bỏ hành vi bất hợp pháp" (cho đến tháng 3 năm 2022), trong đó yêu cầu Tổ chức giám sát và Công ty tiếp nhận không được đòi hỏi thiết đãi quá mức, đòi hỏi hồi tiền không hợp pháp, cũng như có các hành vi bạo lực hay nợ tiền lương.

Đồng thời, kêu gọi các bên liên quan không đối xử gây bất lợi cho Thực tập sinh kỹ năng trong trường hợp xảy ra vấn đề như tai nạn lao động, bệnh tật hoặc mang thai. Chiến dịch này đang được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Ngoại giao.

PV