CEO Đặng Thùy Trang: startup phải đủ tỉnh táo để tìm ra mô hình kinh doanh hợp lý, phải đủ quyết tâm, giải pháp cần có để nuôi lớn dự định của mình

09:36 06/09/2021

Đặng Thùy Trang đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ru9 là người từng người đã giành chiến thắng ở hạng mục Bản lĩnh đương đầu tại giải thưởng WeChoice Awards 2021 với câu chuyện ngược dòng khởi nghiệp và chiến dịch cộng đồng chống dịch Covid-19 đầy ấn tượng.

CEO 9X Đặng Thùy Trang. Nguồn: Internet
CEO 9X Đặng Thùy Trang. Nguồn: Internet.

Sinh ra ở Hà Nội, nhưng hồi 5 tuổi Thùy Trang đã theo bố mẹ sang Nga định cư. Lúc đó, cô mới biết bập bõm mấy chữ cái, chưa từng học đánh vần. Đến khi Trang đi học lớp 1 trường Nga cũng là lúc mẹ đặt mua sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam về tự dạy. Cứ thế, sáng đi học tiếng Nga, chiều về lại bị “ốp” học vần, viết chữ Việt, mà bố mẹ bắt học một cách nghiêm túc chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa. 

“Hồi ấy mình ức chế ghê, thấy bố mẹ quá nghiêm khắc, vì các bạn Việt Nam cùng lứa sống trong khu nhà chỉ cần biết nói tiếng mẹ đẻ, các bạn Nga cũng chỉ phải học một buổi, một buổi chơi. Sau này mình mới thấy may mắn, vì ngoài việc sống ở nước ngoài, ảnh hưởng tư duy, văn hóa nước ngoài, các kỹ năng ngôn ngữ của mình không khác nhiều so với người Việt trong nước, nên khi về làm việc ở đây khá thuận lợi”.

17 tuổi, Trang sang Úc du học ngành Tài chính - Marketing. Khoảng thời gian đại học, mỗi mùa hè cô chọn thực tập một chuyên ngành để tích lũy kinh nghiệm cũng như đi du lịch đó đây. Năm thứ nhất, Trang xin thực tập ở City Bank Hà Nội. Năm thứ hai, cô đi thực tập ở Ấn Độ. Năm thứ ba, điểm đến là TP. Hồ Chí Minh. Chuyến đi này đã giúp cô đưa ra lựa chọn quan trọng cho tương lai: Tốt nghiệp xong sẽ về Việt Nam làm việc.

Năm 2014, bất chấp khuyên nhủ của bố mẹ, Thùy Trang về phương Nam làm việc, gia nhập một công ty truyền thông ở Sài Gòn. Cô “thú nhận”, thực ra cô không nghĩ là mình sẽ ở Việt Nam được 6 năm, vì thói quen của Trang là di chuyển liên tục, cứ 2 - 3 năm là phải thay đổi thành phố và châu lục cho mới mẻ. 

Và có lẽ giờ này, Trang đang vi vu ở một vùng đất nào đó không phải Việt Nam, nếu như không có một bước ngoặt mới cho sự nghiệp: Gia nhập cộng đồng khởi nghiệp đang bùng nổ tại Việt Nam. Chuyện là, trong khi tham gia một giải marathon từ thiện, Trang bị chấn thương đĩa đệm, bác sĩ yêu cầu cô phải nghỉ ngơi nhiều hơn và cần mua một tấm nệm có thể hỗ trợ tình trạng sức khỏe của cô. Trước đó, cô “đặt lưng là ngủ”, nhưng chấn thương đã “báo động” rằng cô đang ngủ trên một tấm nệm quá cứng, khi những cơn đau khủng khiếp đã khiến cô không thể ngủ ngon.

Tại Việt Nam, khi mua nệm ngủ, người tiêu dùng thường nghĩ đến các thương hiệu đã tồn tại vài thập kỷ trên thị trường như Vạn Thành, Kymdan, Liên Á… Nhưng trong hàng chục thương hiệu thường được nhắc đến, cô gái thuộc thế hệ 9x đời đầu như Trang cảm thấy mệt mỏi khi quá trình tìm kiếm một chiếc nệm chất lượng với giá thành hợp lý quá khó khăn.

Nhớ về chiếc nệm foam từng nằm ở Australia, Trang muốn tìm kiếm một chiếc nệm tương tự ở Việt Nam. Nhưng thời điểm ấy, thị trường không hề có sản phẩm và cũng không có nhiều thông tin. Nếu đặt hàng nhập nguyên chiếc, cô có thể phải chi gần 100 triệu đồng. Cuối cùng, Trang chọn tạm một chiếc nệm lò xo và không ngừng suy nghĩ về kế hoạch tự sản xuất những chiếc nệm foam ngay tại quê hương.

Trang cho rằng, thị trường nệm tại Việt Nam dường như đã “ngủ đông” quá lâu, trong khi không ít ngành nghề liên tục thay đổi, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao hơn của khách hàng. Tìm hiểu sâu hơn, Trang thấy rằng, vấn đề còn nhiều hơn thế nữa. Công nghệ sản xuất nệm đã quá lỗi thời đi kèm với việc đội giá khi sản phẩm qua nhiều trung gian và đại lý.

Cùng với đó, trải nghiệm mua hàng của khách hàng không hề thực tế. Ở các cửa hàng, nệm được xếp chồng lên nhau như những cuốn sách, rất khó cho người mua tự chạm tay vào, chứ đừng nói đến việc ngồi thử hay nằm thử. Điều này khiến người dùng chẳng thể chọn cho mình chiếc nệm phù hợp, cho dù có bỏ công đi đến tận cửa hàng. 

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Do đó, Trang bắt tay tìm hiểu về sản xuất nệm foam - một loại nệm mà cô ưng ý khi từng dùng ở Australia và đề ra chiến lược kinh doanh, tiếp thị riêng. Trang và cộng sự kết nối được một kỹ sư hóa học người Anh chuyên về foam để phát triển công thức và đặt một đối tác ở TP HCM gia công.

Sau 9 tháng làm sản phẩm, tháng 3/2018, cô bắt đầu rao bán trực tuyến với chính sách nằm thử 100 đêm. Nếu khách hàng không hài lòng có thể mang trả và hoàn lại toàn bộ số tiền trong 7 ngày, miễn phí cả vận chuyển.

"Vài chục phút ngồi thử, nằm thử trên nệm không giải quyết được câu chuyện trải nghiệm. Bởi khi đó nó không giúp bạn hiểu được chiếc nệm này có phù hợp, có ngủ ngon cả đêm, thậm chí là gần 10 năm nữa hay không", Trang nói và khẳng định startup của mình là "công ty về giấc ngủ đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chính sách này cho các khách hàng mua nệm", dù nó không mới ở phương Tây.

Ru9 được thành lập giữa năm 2018 và đã có khách hàng tại 63 tỉnh, thành phố. Theo Trang, việc giữ lời hứa bán sản phẩm chất lượng cùng trải nghiệm chân thật và xuyên suốt là giá trị cốt lõi giúp Ru9 có lãi ngay trong năm đầu thành lập, vượt qua muôn vàn khó khăn về kho bãi, vận chuyển, đối tác sản xuất trong năm 2019 và tăng trưởng 3 chữ số về doanh thu trong năm 2020.

Hai tháng sau khi thành lập Ru9, Trang bị các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam từ chối rót vốn phần vì công ty này còn non trẻ, phần vì ưu tiên trong kinh doanh của hai phía đều khác nhau.

Startup của Trang dần phát triển lên 7 thành viên và trong vòng một năm đã có 20 người. Đến năm ngoái, Ru9 bước ra từ không gian mạng và sở hữu 4 showroom trải nghiệm trực tiếp tại Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Đà Nẵng.

Với nỗ lực không ngừng, sự nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng trẻ và tận dụng lợi thế bán hàng online, 2020 trở thành một năm đáng nhớ của Trang và thương hiệu của mình khi công ty tăng trưởng ấn tượng ở mức 300%.

Thương hiệu Ru9 trong năm 2020 đã gây tiếng vang lớn với chiến dịch "Đến cả anh hùng cũng cần ngủ ngon" khi dành tặng 1.500 chiếc nệm đến các nhân viên y tế và tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Đặng Thùy Trang được bình chọn trao giải Wechoice Awards 2020 với những thành công của mình. Chiến thắng này là một bất ngờ và là một trải nghiệm khó quên của Trang. Xuyên suốt thời gian bầu chọn, cô cũng thường xuyên lan tỏa thông tin về WeChoice trên trang cá nhân. Trang cũng may mắn nhận được sự ủng hộ của mọi người, rất nhiều bạn bè đã cùng chia sẻ đề cử của Trang trên Facebook, giúp Trang chiến thắng tại hạng mục của mình.

Sau gần nhều năm lăn lộn làm startup, Trang đúc kết, ý tưởng hay là phần quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công. "Quan trọng nhất là bạn phải đủ tỉnh táo để tìm ra mô hình kinh doanh hợp lý, phải đủ quyết tâm để tìm cho bằng được câu trả lời, giải pháp cần có để nuôi lớn dự định của mình", cô chia sẻ.

Ngoài ra, theo Trang, nghỉ việc để khởi nghiệp là phải chấp nhận rằng mình khá "cô độc". Hầu hết thời gian, cô là người đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. "Tiền bạc cũng vậy, làm được đồng nào phải đổ ngược vào công ty đồng đó để nó phát triển không ngừng. Đây là một nếp sống rất khác so với việc bạn đi làm trước đây - bạn có đồng nghiệp, có nhịp sống, giờ làm việc ổn định, được trả tiền hàng tháng", cô nói.

Suốt 2 năm đầu khởi nghiệp, Trang cho biết mình không dám chi tiêu thoải mái, làm gì cũng phải tính toán, tự nấu ăn trưa mang đi làm, dọn về ở cùng với mẹ thay vì ở riêng. Cô duy trì làm 2 công việc suốt gần 1 năm, "tuy mệt nhưng mình vẫn phải cố gắng".

Theo cô, bất kỳ ai đang muốn đi theo 'mô-típ' bỏ việc để khởi nghiệp nên chuẩn bị tinh thần và tài chính thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Vì cuộc sống sau khi nghỉ việc và toàn tâm toàn ý cho doanh nghiệp của mình thật ra khác với mường tượng rất nhiều. "Các bạn đừng nên nghỉ việc ngay, rất dễ bị sốc và hụt hẫng", cô nói.

Minh Anh (tổng hợp)