CEO Biti's Vưu Lệ Quyên: Thành công thực sự trong kinh doanh không chỉ nằm ở doanh thu mà còn là những giá trị về hạnh phúc và lòng trắc ẩn

15:29 26/04/2021

Là một nước Á Đông với nền văn hoá nho giáo còn tồn đọng nhưng thương trường Việt Nam vẫn ghi nhận các ái nữ kế nghiệp công ty. Nổi bật trong đó, phải kể đến là nữ doanh nhân 8X Vưu Lệ Quyên của ông Vưu Khải Thành với “đế chế” Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s).

Doanh nhân Vưu Lệ Quyên. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Vưu Lệ Quyên. Nguồn ảnh: Internet.

Vưu Lệ Quyên (Cindy Vưu) sinh năm 1980. Hoàn tất việc học ở Canada, năm 2004, Vưu Lệ Quyên trở về nước, đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Công ty Biti’s do cha mẹ cô sáng lập.

Ngay những ngày đầu bắt tay vào công việc, Quyên đã mạnh dạn áp dụng nhiều kiến thức đã học vào việc quản lý, mở kênh bán hàng và xây dựng hình ảnh mới cho Biti’s. Quyên chia sẻ:

“Thời ba mẹ kinh doanh khác với thế hệ tôi sau này, nên ngoài những điều học được từ ba mẹ, tôi phải có thêm nhiều kiến thức mới, ngay cả cách quản lý cũng phải khác thì mới theo kịp xu hướng kinh doanh toàn cầu hóa”.

Những năm học ở nước ngoài, Quyên không chỉ học trong sách vở, mà còn mày mò tìm hiểu cách kinh doanh của những thương hiệu giày nổi tiếng.

Quan sát mô hình kinh doanh cửa hàng tiếp thị (cửa hàng bán hàng trực tiếp do công ty quản lý, không qua đại lý) của thương hiệu giày Clarks, Quyên nhận ra với mô hình này họ có thể dự đoán doanh thu trong một năm. Người quản lý thương hiệu Clarks cho biết:

“Clarks có 500 cửa hàng bán trực tiếp nên chúng tôi có thể nắm được con số kinh doanh chính xác tới 80%. Ngoài ra, khi bán hàng trực tiếp, Clarks sẽ phục vụ khách hàng chu đáo hơn, tất cả sản phẩm đều được trưng bày nên dễ nắm bắt xu hướng, thị hiếu và số lượng tiêu thụ”.

Vì thế, khi về nước, Quyên đề nghị mẹ thay đổi hình thức bán hàng qua kênh đại lý bằng mô hình cửa hàng tiếp thị này, nhưng mẹ cô phản đối:

“Mở cửa hàng tiếp thị phải có vốn nhiều, hơn nữa các đại lý đang làm tốt thì lý do gì mình không cho họ bán nữa?”. Thế nhưng cô gái trẻ đã thắng bằng những kết quả thuyết phục của mình.

Đến nay Biti’s đã có 45 cửa hàng bán hàng tiếp thị và tất nhiên hình ảnh của Biti’s cũng mới mẻ hơn nhờ mô hình bán hàng hiện đại này.

Tiếp theo đó là hàng loạt cải cách do Quyên khởi xướng và thực hiện triệt để: từ áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.

Không phải là một cuộc "lột xác", nhưng hình ảnh Biti’s đã được làm cho mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều. Vì thế, trong khi không ít doanh nghiệp da giày gặp khó khăn do thị trường truyền thống đã mất, thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc, cạnh tranh trong nước gay gắt, thì doanh thu hằng năm của Biti’s vẫn tăng từ 20 - 30%.

Biti’s thời ông Vưu Khải Thành đã nhanh chóng trở thành thương hiệu giày dép hàng đầu của Việt Nam khi ông mạnh dạn qua Đài Loan học công nghệ mới. Người của Biti’s giờ cũng hy vọng “cô Quyên” sẽ làm nên chuyện cho thương hiệu nổi tiếng này.

“Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này”, Quyên tâm sự.

Đứng trước nền kinh tế hội nhập nhiều thách thức, Quyên xác định: Không chỉ nỗ lực làm mới mình, mà còn phải tạo nội lực để vươn lên khẳng định mình ở thị trường thế giới.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.

Thời gian làm việc ở bộ phận xuất khẩu của Công ty Biti’s, tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, cô nhận ra Biti’s đang phục vụ cho số đông khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Nhìn lại ngành da giày trong nước, cô tự hỏi:

“Tại sao hầu hết các doanh nghiệp da giày chỉ nhận gia công hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài? Cứ làm như vậy thì biết đến bao giờ ngành giày dép Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế?".

Đáng buồn hơn là nhiều người nước ngoài còn cho rằng người Việt Nam không thể làm được hàng hiệu cao cấp. Vì vậy, Quyên quyết tâm xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp Gosto, gồm các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách.

Nói Vưu Lệ Quyên là hình mẫu cho người trẻ trong xu hướng “đi để trở về” không hề sai, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trẻ người, lại được tiếp thu kiến thức từ nền văn minh phương Tây, khi về nước, cô nàng gặp không ít trắc trở khi xung đột với chính cha của mình.

Quyên cho biết, cô và cha có “độ chênh về quan điểm quản trị”. Trong khi ông Vưu Khải Thành nổi tiếng nghiêm khắc, “rèn nhân viên như rèn sắt”, cô con gái cả lại quản trị dựa trên sự hiệu quả, thấu hiểu và yêu thương. Tuy đi ngược lại cách quản trị của cha nhưng cô vẫn hiểu và cảm thông cho cách làm cũ, mà theo Quyên là “sâu thẳm ông rất thương nhân viên”.

Quyên cũng từng tâm sự: “Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này”.

Có thể nói, nữ CEO Biti’s đã quán triệt tinh thần trên qua chiến lược marketing đình đám làm sống dậy thương hiệu một thời. Biti’s lấy lại vị thế ngày hôm nay là nhờ dòng giày thể thao Hunter.

Quyên giải thích: “Hunter có nghĩa là thợ săn, chúng tôi muốn khuyến khích giới trẻ về một mục tiêu nhất định trong cuộc sống và theo đuổi nó. Hãy di chuyển nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để học hỏi và ‘đi để trở về’, năng động hơn để hội nhập, sử dụng công nghệ hiện đại hơn làm nền tảng, học hỏi tinh hoa của các nền văn hóa khác để trở về có cách đóng góp tích cực hơn”.

Nói về những bước tiến của Biti’s trong vài năm trở lại đây cả trên phương diện thương hiệu lẫn hiệu quả kinh doanh, nữ CEO khả ái cho hay những gì cô đã, đang và sẽ làm là sự tiếp nối giữa 2 thế hệ trong gia đình. Xã hội luôn vận hành, luôn thay đổi. Biti’s bắt buộc phải thay đổi. Thay đổi không phải là mất chất mà luôn giữ vững giá trị cốt lõi, nuôi dưỡng những gì tinh túy nhất của một thương hiệu nhưng vẫn phù hợp với tinh thần của thời đại.

Mười năm trước, người tiêu dùng biết đến Biti’s với duy nhất dòng sản phẩm xốp, dòng sản phẩm trẻ con. Ba năm gần đây, dù Biti’s đã thay đổi nhưng người tiêu dùng vẫn giữ nguyên cách nhìn ấy. "Chúng tôi may mắn vì đã thành công với chiến dịch "Đi để trở về" đầu năm 2017. Kể từ đó, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, thật sự nhìn nhận Biti’s theo cách rất khác. Cú hích đó giúp Biti’s có được "spotlight" mà mình mong muốn, để từ đó những gì thay đổi từ bên trong được nhìn nhận theo đúng cách mà nó có. Một thương hiệu 38 năm muốn làm mới mình là không hề dễ. Điều này cũng minh chứng cho việc cứ làm tốt công việc của mình đã, khi thời cơ đến, ắt việc sẽ thành. Và trên hết, đó là sự tiếp nối - cha mẹ chúng tôi đã gầy dựng, thế hệ trẻ của chị em tôi mang sứ mệnh phát triển Biti’s trong giai đoạn mới" - CEO nổi tiếng của ngành giày dép Việt Nam thổ lộ.

Cũng theo chia sẻ của Vưu Lệ Quyên, để thành công thực sự trong kinh doanh không thể chỉ chú trọng vào mỗi doanh thu. Nó còn đòi hỏi người lãnh đạo phải biết cách chăm sóc bản thân cũng như chú ý tới nhân viên bằng tất cả sự quan tâm, lòng nhân ái và niềm hạnh phúc chân thành.

TH