Câu chuyện chọn thị trường ngách để sinh tồn của doanh nhân Mai Triều Nguyên

17:46 23/08/2021

Doanh nhân Mai Triều Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mai Nguyên được biết đến là một trong những người kinh doanh thiết bị di động đời đầu tại thị trường Việt Nam. Ông luôn tìm tòi, học hỏi và chọn cho mình một con đường ngách. Điều này đã giúp hệ thống Mai Nguyên có thể tồn tại, phát triển và ít chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những ông lớn trên thị trường di động.

Doanh nhân Mai Triều Nguyên khởi nghiệp từ những năm cuối khi đang học ngành công nghệ thông tin của Đại học Mở TP.HCM. Lúc đó, ông và một người bạn hùn vốn, bỏ ra khoảng gần 10 triệu đồng để mở cửa hàng nhỏ ở đường Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM chuyên bán đĩa trắng, chép nhạc, cài game, lắp ráp và sửa chữa máy vi tính. 

Doanh nhân Mai Triều Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mai Nguyên. Nguồn: Internet
Doanh nhân Mai Triều Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mai Nguyên. Nguồn: Internet.

Kinh doanh có lợi nhuận, ông đã dời cửa hàng sang đường Cách Mạng tháng 8, quận 3, TP.HCM với quy mô lớn hơn. Lúc này ông bán thêm một số phụ kiện như bàn phím, chuột và card màn hình. Có thể xem đây là một cửa hàng máy tính nhỏ. Để dễ hình dung, quy mô thời đó của Phong Vũ 10 thì của ông chỉ là 1.

Bên cạnh việc kinh doanh máy tính, ông có mở thêm một phòng game cho thuê theo giờ. Đồng thời, ông cũng nhận sửa chữa, nâng cấp các thiết bị máy tính và dạy kèm tại nhà cho những người muốn học về vi tính.

Bỏ thời gian đi nhiều, quan sát nhiều để vừa học hỏi, vừa tìm cơ hội nên khi tìm được những người bạn cùng chí hướng, ôngmạnh dạn liên kết để có thể bước ra thương trường.

Ba lần hùn hạp là ba lần ông mất trắng. “Bây giờ nhìn lại, mới thấy ngày đó mình nhiệt tình nhưng thiếu hẳn tầm nhìn, lại ít chịu nghe lời người lớn, chỉ thích làm điều mình nghĩ. Thất bại đến là tất yếu”, ông cười chia sẻ.

Cũng may thất bại liên tiếp không làm ông chùn bước. Trong lần hùn hạp cuối cùng, khi nhìn thấy bạn bè quyết định rũ bỏ, ông lại ngùn ngụt quyết tâm.

Về thuyết phục gia đình cho mượn giấy tờ nhà cầm cố để có vốn làm ăn, điều ông nhận được đầu tiên là sự lo lắng từ phía thân phụ. Kiên nhẫn trình bày con đường và ước mơ của mình, ông mới có được cái gật đầu.

Với số vốn này, vừa trả cổ phần cho bạn bè, vừa sửa chữa lại mặt bằng, cửa hàng điện thoại di động Mai Nguyên, một thương hiệu mới, ghi đậm dấu ấn và quyết tâm của ông chủ trẻ chính thức đi vào hoạt động.

Trong khi thương mại điện tử còn là một khái niệm xa lạ thì ông mạnh dạn lập web, giới thiệu sản phẩm. Sẵn kiến thức về công nghệ có được từ giảng đường, ông còn cung cấp dịch vụ tải phần mềm, các ứng dụng cơ bản cho điện thoại... miễn phí cho khách hàng. Trong bối cảnh những cửa hàng kinh doanh điện thoại di động còn nhỏ lẻ, nhờ những giá trị cộng thêm này mà cửa hàng thu hút được lượng khách lớn. 

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Mai Nguyên vươn vai từ cửa hàng lên thành một công ty theo chiều phát triển của thị trường. Lúc này, từ một cửa hàng bán cả hàng xách tay lẫn chính hãng, ông chấp nhận co cụm chỉ bán hành chính hãng để có thể kinh doanh bài bản. “Đó là một quyết định khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhưng tôi nghĩ dễ dãi kinh doanh thì chỉ thể tồn tại trong thời gian ngắn”, ông chia sẻ.

Vượt qua đợt sút giảm khách hàng do chuyển đổi phương thức kinh doanh, Mai Nguyên “hồi sức” thì cũng là lúc thị trường điện thoại di động bước vào đợt bùng phát. Những cái tên như Thế giới Di động, Phước Lập, Viễn Thông A... bành trướng với tốc độ phát triển cửa hàng mới chóng mặt.

Điều này dẫn đến một thực tế là các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ gần như “chết” hẳn. “Biết không thể theo nổi cuộc đua này, tôi phải chọn con đường riêng là... tránh gió to, sóng lớn”, Triều Nguyên nói.

Nhận thấy khả năng của mình không thể chạy đua trong việc mở các chuỗi cửa hàng như những ông lớn khác, phải có rất nhiều vốn, nguồn nhân sự lớn. Vì thế, ông phải chọn một con đường khác nếu muốn tồn tại.

Những năm 2008, cơn sốt đất và chứng khoán nở rộ, nhiều người kiếm tiền rất nhanh chóng. Vì thế, nhu cầu mua sắm các mẫu điện thoại siêu cao cấp tăng mạnh. Nhìn thấy được điều này, ông đã làm việc với các hãng di động như Vertu, Mobiado để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp.

Cũng chính tập khách hàng này đã giúp ông có suy nghĩ định vị hình ảnh hệ thống Mai Nguyên theo hướng "luxury". Không gian của các cửa hàng đều được làm lại với tone màu đen chủ đạo, sử dụng các cửa kính lớn tạo cảm giác sang trọng hơn. Ông muốn khi khách hàng đi mua điện thoại đắt tiền, chính hãng thì sẽ nghĩ ngay đến Mai Nguyên.

Việc kinh doanh các mẫu điện thoại siêu cao cấp dường như là nhiệm vụ bất khả thi với các chuỗi lớn. Họ không thể nào mua vài chục mẫu Vertu hay Mobiado để trưng bày ở vài chục cửa hàng. Còn nếu họ chọn ra 1 hoặc 2 cửa hàng để trưng bày thì nó không phù hợp với loại hình kinh doanh theo chuỗi. Vì thế, tôi chọn con đường ngách, ít cạnh tranh hơn - vị doanh nhân chia sẻ.

Tự thiết kệ bộ nhận diện thương hiệu cho mình, ông quyết định chọn cho Mai Nguyên bộ mặt sang trọng, cao cấp để tách mình khỏi số đông. Tổ chức cửa hàng bài bản, kinh doanh tốt, Mai Nguyên trở thành đại lý ủy quyền trực tiếp cho các thương hiệu Samsung, Nokia, HTC, Sony Ericsson, nhà phân phối FPT... và cả những thương hiệu cao cấp như Mobiado, Porsche Design, Bellperre.

Ông cho biết, định hình ở khu vực cao cấp nên những sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng gia công ở Trung Quốc anh đều phải từ chối. “Khách hàng đến với Mai Nguyên là những đối tượng chọn lọc, nếu ôm đồn, chạy theo số đông, tôi khó mà giữ chân được họ.

Tôi bán tất cả những dòng hàng, nhưng đó phải là hàng của các thương hiệu toàn cầu, có chất lượng”, ông chủ hệ thống đúc kết kinh nghiệm. 

Gia Minh (tổng hợp)