Cạnh tranh bình đẳng: “Nỗi niềm” của doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Cạnh tranh được xem là yếu tố cốt lõi, đảm bảo tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề quan trọng tại Việt Nam hiện nay là phải làm thế nào để thiết lập cho DN một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng và đúng nghĩa. Đây vẫn là trăn trở và nỗ lực cần hướng tới của các cơ quan quản lý và DN.

Các DN mong muốn thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, không bị trói buộc với những điều kiện kinh doanh.
Ảnh: Danh Lam.

Cạnh tranh chưa đúng nghĩa

Điểm đáng mừng là hiện nay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, DN đã được “cởi trói” trong nhiều hoạt động, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì thế, tại báo cáo kết quả điều tra DN năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy, với 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Chia sẻ về những thay đổi của môi trường kinh doanh tới hoạt động DN, theo ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khi đúc Cửu Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nam Định, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương đã tạo rất nhiều điều kiện cho DN phát triển ổn định và cạnh tranh lành mạnh. Đơn cử, trước kia, các DN trên địa bàn bức xúc vì việc phân phối điện không đồng đều, đến giờ cao điểm, khu vực này bị cắt điện nhiều hơn khu vực kia, gây ảnh hưởng đến sản xuất cũng như hiệu suất công việc. Khi DN có ý kiến kiến nghị lên chính quyền cũng như công ty điện lực, tình trạng này đã thay đổi, điện được hỗ trợ ổn định, đồng đều, với mức giá phù hợp giúp DN nâng cao năng suất sản xuất.

Nhiều DN cũng phản ánh không ít vấn đề của nền kinh tế như tiếp cận đất đai, điện năng, cấp phép xây dựng, thủ tục hành chính… đã được giảm bớt nhiều hơn trước. Ví dụ như vấn đề đất đai hiện nhiều địa phương đã để nhà nước và DN cùng làm, DN tự đàm phán với người dân, chính quyền không can thiệp, sau khi nhận được sự đồng ý thì chính quyền địa phương sẽ hợp lý hóa sổ đỏ… Điều này đã giúp ích rất nhiều để DN thu hẹp thời gian và chi phí đầu tư, nhanh chóng có cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, tại nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, thị trường vẫn thiếu tính cạnh tranh đúng nghĩa, tồn tại những vấn đề phi cạnh tranh làm “méo mó” thị trường. Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra, năm 2017, trung bình có trên 59% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức, nhiều DN lo lắng về những phiền hà trong tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Hơn nữa, các xu hướng đáng lo ngại được nêu ra là chỉ 50% DN cho biết có thể tiếp cận thông tin đấu thầu qua các kênh công khai; 70% DN cho biết cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh… Như vậy, cơ chế “xin - cho”, làm việc bằng “quan hệ” vẫn tồn tại, thậm chí còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ các DN nội mà DN nước ngoài cũng buộc phải “bắt chước” theo.

Bên cạnh đó, có chuyên gia còn cho rằng, các cơ quan nhà nước đang mắc bệnh “nghiện quản lý”, muốn quản lý DN bằng mệnh lệnh hành chính. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt “giấy phép con”, điều kiện kinh doanh. Những vấn đề này đều có bóng dáng lợi ích, buộc DN phải “xin” thì cơ quan quản lý mới “cho” để hoạt động. Vì thế, trong một vài năm qua, trước phản ánh về điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, mang tính áp đặt, vô lý… thì việc cắt giảm đã được Chính phủ chỉ đạo phải thực hiện bằng được, nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Tiêu biểu như Nghị định 160/2016/NĐ-CP về kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển yêu cầu DN phải có bộ phận hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác vận tải biển, bộ phận thực hiện công tác pháp chế… Các DN cho rằng, những điều kiện này đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN, khiến DN nếu tuân thủ thì mất đi tính cạnh tranh công bằng hoặc không thể cạnh tranh; nhưng nếu không tuân thủ lại bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Ưu đãi thiên lệch

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quy mô cải cách hành chính ở nước ta mới dừng lại chủ yếu ở việc xóa bỏ rào cản hành chính, chưa tạo được yếu tố góp phần cho tăng trưởng thật mạnh mẽ như xóa bỏ quy định về gây rủi ro cho kinh doanh, tăng bảo vệ sở hữu trí tuệ cho DN, xây dựng chính sách thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, lấy cạnh tranh làm nòng cốt… Vì thế, ông Hiếu cho rằng, các bộ, ngành cần tính tới các mục tiêu lâu dài, bằng việc đưa ra các chính sách cần thiết trong dài hạn, để thúc đẩy chính sách cạnh tranh quốc gia, bởi cạnh tranh là nền tảng và động lực cho phát triển.

Hiện nay, vấn đề nêu trên vẫn còn nhiều “lúng túng”, bởi các bộ, ngành đều muốn giữ lại “lợi ích” cho mình bên cạnh năng lực chuyên môn còn yếu kém, chưa nhận thức và biết cách cải thiện như thế nào cho hợp lý. Chính vì thế, Chính phủ đã nhiều lần ban hành các chỉ đạo, nghị quyết yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt vấn đề này và mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, nhiều địa phương đã lập ra các hoạt động như “Cà phê doanh nhân” để lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của DN, từ đó có những thay đổi phù hợp với thực tế, đảm bảo cạnh tranh công bằng; nhiều địa phương bên cạnh thu hút đầu tư FDI nhưng cũng dồn lực cho các DN trong nước phát triển, kiên quyết loại bỏ những dự án ảnh hưởng tới môi trường, hoạt động kém hiệu quả…

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Khanh cho rằng, vẫn còn có sự “ưu ái” về điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi trong kinh doanh giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa, DN nhà nước với DN tư nhân. Như về vốn, nguồn vốn hiện nay tập trung quá nhiều cho các DN nhà nước, trong khi DN tư nhân có số lượng lớn, nhưng hoặc là không thể tiếp cận được nguồn vốn, hoặc là phải vay vốn với lãi suất cao. Vì thế, ông Khanh đề nghị, để tạo sự công bằng, lãi suất cho vay nên giảm xuống; ngân hàng nên tạo điều kiện cho DN tư nhân vay vốn với thủ tục nhanh chóng, thuận lợi.

Như vậy, cạnh tranh là nền tảng của nền kinh tế thị trường; mức độ cạnh tranh càng lớn, cạnh tranh càng công bằng thì thể hiện mức độ phát triển thị trường càng cao. Vì thế, cạnh tranh cần được tạo điều kiện để phát triển, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ nhưng không trói buộc tự do kinh doanh, các cơ quan quản lý cần bỏ tư duy lo ngại vấn đề này sẽ làm giảm quyền lợi hay lợi ích bộ, ngành. Hơn nữa, các DN cũng cần nâng cao nhận thức, thoát tư duy cũ để nói “không” với tiêu cực, nói “không” với cách thức làm ăn chụp giật, để cùng chung tay tạo lập vị thế cạnh tranh công bằng với các DN cùng lĩnh vực, DN nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay.

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học và công nghệ Việt Nam: Cạnh tranh mang tính toàn cầu Các DN khởi nghiệp sáng tạo thường hoạt động với nền tảng dựa trên công nghệ thông tin, áp dụng tiến bộ của cuộc cách mạng 4.0, nên vấn đề cạnh tranh đã mang tính toàn cầu, không có biên giới với mọi đối thủ khắp nơi, khắp lĩnh vực. Vì thế, tư duy của những DN khởi nghiệp này cũng phải đổi mới, sáng tạo, không thể bị bó hẹp bằng các quy định cũ; điều này sẽ cản trở hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc (Korcham) tại Việt Nam: Môi trường kinh doanh đã tốt hơn Môi trường cạnh tranh tại Việt Nam hiện nay đã tương đối bình đẳng, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực tồn tại hạn chế. Ví dụ như việc tiếp cận đất đai, các DN nước ngoài không có “quan hệ”, thông tin như DN trong nước nên tiếp cận còn khó khăn, thậm chí chi phí bỏ ra cũng đắt hơn. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước đây, môi trường kinh doanh và cạnh tranh đã tốt hơn rất nhiều, nên Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút các DN nước ngoài, trong đó có rất nhiều DN Hàn Quốc tới đầu tư, hợp tác sản xuất.

Về một số ý kiến cho rằng có sự phân biệt, cạnh tranh không công bằng giữa DN nước ngoài, DN FDI với DN trong nước, tôi cho rằng đây là vấn đề chung của các nước trên thế giới. Bởi các cơ quan quản lý phải đưa ra những ưu đãi về thuế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, để các DN này cùng chung tay giúp nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế trong nước. Do đó, các DN trong nước nếu đủ sức thì có thể đứng lên cạnh tranh bình đẳng, nếu không thì nên hướng tới việc hợp tác, liên doanh với DN FDI. Hàn Quốc có thế mạnh về các lĩnh vực công nghệ cao, nhưng để phát triển được như ngày nay, các DN Hàn Quốc phải mất tới hàng chục năm với nhiều khó khăn; nên các DN Việt Nam nên tận dụng cơ hội từ sự phát triển của các DN Hàn Quốc để tìm cách liên doanh, hợp tác. Từ đó, các DN có thể tận dụng thế mạnh của nhau và cùng phát triển. 

Chi Mai (ghi)

Bình Nam