Cảnh giác với hạ tầng công nghệ “made in China”?

00:00 12/10/2020

Làn sóng “tẩy chay” các thiết bị của Huawei đang lan rộng trên thế giới, vậy Việt Nam cần có đối sách gì khi mà Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Quốc gia phản ứng mạnh mẽ đối với các thiết bị công nghệ của Trung Quốc là Mỹ. Từ lâu quốc gia này đã tỏ ra quan ngại trước các thiết bị công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc, do lo ngại các thiết bị này có cài đặt các phần mềm thu thập tình báo. Điển hình cho việc này là trong tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh cấm các sản phẩm công nghệ Huawei và ZTE được sử dụng trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu Mỹ.

p/Trả đũa cho Huawei, người dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay iPhone

Trả đũa cho Huawei, người dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay iPhone

Lệnh cấm bao gồm việc sử dụng thành phần hoặc dịch vụ công nghệ "thiết yếu" và "quan trọng" của Huawei và ZTE cho các hệ thống máy tính mà chính quyền Mỹ sử dụng. Một số thành phần từ các công ty này vẫn được phép, miễn là chúng không thể được sử dụng để định tuyến hoặc theo dõi dữ liệu.

Không dừng lại ở đó, hiện nay các nước trong nhóm đồng minh với Mỹ hiện cũng đã có những động thái “cấm cửa” đối với Huawei, ví dụ như Canada, New Zealand, Australia, Anh, và mới đây là Nhật Bản.

Còn tại Việt Nam, hiện tại, các nhà mạng viễn thông Việt Nam đều có sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng của Huawei hay của ZTE. Số thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE ồ ạt vào Việt Nam đến giờ vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể. Vì thế, bao nhiêu phần trăm thiết bị trên toàn hệ thống mạng của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang sử dụng của Huawei và ZTE là một câu hỏi được đặt ra.

Và việc hạ tầng mạng Việt Nam phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc đã đặt ra nhiều nguy cơ, nhiều chuyên gia đã từng lo ngại trước những vấn đề an ninh quốc gia như việc nghe lén, giám sát, theo dõi, hoặc thậm chí bị đánh sập trong trường hợp xấu.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa có bất kỳ bằng chứng xác thực nào về việc các thiết bị của Huawei hay ZTE vi phạm các vấn đề an ninh quốc gia.

Vì vậy, theo các chuyên gia về bảo mật thông tin, cách tốt nhất để đề phòng các trường hợp xấu xảy ra, chúng ta nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có định hướng, đưa ra các quy chuẩn trong việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng, để doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thực hiện.

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về an ninh mạng, tuy nhiên theo Sách trắng Domain5, việc cấm các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc sẽ ít tác động đến việc bảo vệ các mạng viễn thông trên thế giới vì các mối đe dọa có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong chuỗi cung ứng quốc tế.