Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Doanh nghiệp Việt liệu có bị ‘vạ lây’?

00:00 12/10/2020

Mối căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể “cuốn” dòng FDI từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam mạnh hơn. Nhất là các doanh nghiệp muốn sản xuất hàng để bán cho thị trường Mỹ.

Chưa thấy tác động lớn trên hàng xuất khẩu chủ lực

Nếu như có ý kiến tin rằng cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ mang lại lợi thế nhất định cho một vài ngành hàng xuất khẩu thâm dụng lao động của Việt Nam thì với “người trong cuộc” - các nhà xuất khẩu thủy sản - dường như điều này chưa thể hiện rõ nét cho lắm, nhất là ở thời điểm cuộc căng thẳng trên mới chỉ bắt đầu ở một số mặt hàng công nghệ.

Dù không phủ nhận sức cầu từ Trung Quốc đối với hàng thủy sản Việt Nam có thể bị ảnh hưởng một khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường khổng lồ này giảm đi do bị liên đới từ các khó khăn của những khu vực kinh tế khác, nhưng ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vẫn tin rằng sức cầu nay tăng, mai giảm ở những thị trường khác nhau theo các biến động kinh tế là bình thường. Điều quan trọng là kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn đang hồi phục tốt và nhu cầu thế giới với sản phẩm thủy sản vẫn đều đặn tăng lên qua các năm. “Tôi chưa nghe doanh nghiệp trong Hiệp hội phản ánh có biến động gì từ phía các khách hàng lớn. Tôi cũng không nghĩ cuộc căng thẳng thương mại này sẽ đi quá xa vì lợi ích của cả đôi bên đều nằm trong đó”, ông Hòe suy đoán.

Tương tự, đâu đó với ngành công nghiệp phần mềm, những ảnh hưởng cũng chưa thực sự thành hình. Bởi cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mới nhắm chủ yếu đến “người anh em” là sản phẩm phần cứng. Bà Nguyễn Thị Điệp, Giám đốc Nhân sự Công ty Digi-Texx (tại Công viên Phần mềm Quang Trung - TPHCM) cho hay doanh nghiệp mình tạm thời có lợi khi tỷ giá tăng. Tuy nhiên, điều này sẽ không thực sự là lợi thế cho doanh nghiệp xét về lâu dài. Riêng suy đoán hàng Việt Nam sẽ bớt đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ thực sự cũng mới dừng lại ở… suy đoán!. “Các doanh nghiệp làm dịch vụ công nghệ thông tin chưa thực sự thấy rõ ảnh hưởng từ khía cạnh này”, bà Điệp nhấn mạnh.

Ở một lĩnh vực xuất khẩu “tỷ đô” khác là rau quả - “ngôi sao đang lên” của Việt Nam - bầu không khí sản xuất kinh doanh vẫn khá tấp nập, nhất là tại các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu riêng, có thể truy xuất được nguồn gốc, và đã nhiều năm làm ăn với thị trường Mỹ. Nhà xuất khẩu trái cây Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cho hay “hiện những doanh nghiệp như chúng tôi đã có đại diện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trực tiếp kiểm tra hàng tại Việt Nam trước khi xuất khẩu. Do đó trước mắt có thể không bị ảnh hưởng gì nhiều lắm”.

Thách thức nào trước “tin bão xa”?

Trong khi với những người đang bận mải cùng “cơm áo gạo tiền”, căng thẳng Mỹ - Trung có vẻ vẫn chỉ là “tin bão xa”, thì với một số doanh nghiệp và những người dẫn dắt các hiệp hội, chuẩn bị đối sách và chiến lược để thích nghi dần từ bây giờ cũng không phải là quá sớm.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nhìn chung giới doanh nghiệp rất quan tâm đến cuộc căng thẳng thương mại này. Trong đó, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị hàng công nghệ của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng trước tiên. Nhưng âu lo phổ biến lúc này là nhu cầu sụt giảm với hàng công nghệ Trung Quốc sẽ khiến nguồn cung hàng hóa ở nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ dư thừa theo. Và thị trường các nước láng giềng với Trung Quốc sẽ gặp áp lực trước tiên. “Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ nền sản xuất nội địa”, ông Dũng bày tỏ.

Ngoài ra, nhìn về dài hạn, mối căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể “cuốn” dòng FDI từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam mạnh hơn. Nhất là các doanh nghiệp muốn sản xuất hàng để bán cho thị trường Mỹ. Người đại diện HUBA cũng trầm ngâm cho rằng lúc này FDI vào ồ ạt chưa hẳn đáng mừng, ví như thông tin Samsung muốn đưa 200 doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam để làm ‘vệ tinh’ chẳng hạn. “Phải bình tĩnh chọn lọc những dự án không chỉ đảm bảo được các yếu tố về môi trường, việc làm, mà còn phải kết nối được với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đưa doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM thì nêu mối quan ngại xa hơn của giới doanh nghiệp về khả năng Việt Nam trở thành điểm trung chuyển cho hàng Trung Quốc tìm đường sang Mỹ. “Đây là lúc rất nhạy cảm với các nhà xuất khẩu như Việt Nam, bởi các nền kinh tế lớn chỉ cần ‘hắt hơi sổ mũi’ tí mình cũng đủ liểng xiểng”, ông Tuấn nói một cách hình ảnh.

Từ một góc nhìn khác - ông Tuấn cũng cho rằng công nghệ thông tin là một trong những mấu chốt thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin nói riêng và hạ tầng công nghệ số Việt Nam nói chung chắc chắn chịu ảnh hưởng không nhỏ nếu cuộc căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. “Một khi doanh nghiệp Việt phải rất chật vật để giữ ‘sân nhà’ trước nguồn hàng cạnh tranh từ Trung Quốc kéo sang thì chẳng ai còn hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện đầu tư cho chuyển đổi công nghệ sổ, đầu tư cho ứng dụng công nghệ 4.0”.

Vị lãnh đạo Hội Tin học TPHCM còn tin rằng mối lo lắng bao trùm hơn cả là tác động của cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên bức tranh chung của môi trường đầu tư tại Việt Nam như: Thị trường chứng khoán, tỷ giá… “Sắp tới lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành tập trung tại Hội nghị ở Cần Thơ. Và chúng tôi sẽ có kiến nghị chung lên Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong đó sẽ có cả nội dung liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”, ông Tuấn cho hay.

Từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Chủ tịch Phạm Hải Tùng tin rằng điều may mắn trong lúc này là kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng khá vững vàng. Vì vậy trước cuộc căng thẳng này, doanh nghiệp tại Việt Nam không chỉ có thách thức mà còn có cả cơ hội.

Ví dụ như cuộc cạnh tranh xuất khẩu hàng vào Mỹ sẽ “rộng cửa” hơn. Tuy nhiên, để có được chính sách kinh tế tốt nhất lúc này, rất cần các bộ ngành tổ chức tham vấn ý kiến doanh nghiệp, đưa các phân tích và cảnh báo đầy đủ nhất tới cộng đồng doanh nghiệp. “Ở tầm quốc gia, phải có chiến lược, sách lược nhất quán. Nếu để mỗi doanh nghiệp tự bơi, tự phát chống đỡ, mỗi người mỗi kiểu sẽ khó có thể tạo nên sức mạnh chung trước các thách thức”, ông Tùng nêu suy nghĩ.

Phương Hiền