Cần tiếp tục gỡ vướng xử lý nợ xấu

00:00 12/10/2020

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, hiện nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc về mặt pháp lý cần được tháo gỡ.

Các ngân hàng ráo riết rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo.

Trong cuối quý 3/2018, các ngân hàng thương mại đã liên tục rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo (TSĐB). Trong đó, Agribank và Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) mới đây đã đăng tải một loạt thông báo bán nợ, đấu giá, phát mãi TSBĐ cho các khoản nợ xấu tại ngân hàng. 

Theo thông báo, ngay trong tháng 9 này, Agribank sẽ có hơn 10 đợt tổ chức đấu giá TSBĐ, với tổng giá trị chào bán khởi điểm tới hơn 470 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều tài sản có giá trị lớn như: Agribank chi nhánh 3 đấu giá 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM với giá khởi điểm 96,23 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đấu giá ngày 8/9/2018.

Agribank AMC đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất là thửa đất số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội có diện tích 201,3 m2 cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 68,5 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đấu giá là ngày 17/9/2018. Ngoài ra, Agribank AMC đấu giá TSĐB của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu, máy móc, công trình,….với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đấu giá là ngày 6/9/2018. Đây đã là lần thứ 6 công ty này rao bán khối tài sản kể từ tháng 12/2017. 

Tiếp đó là VietinBank, sau khi mua lại toàn bộ khoản nợ tại VAMC, đã liên tục đăng thông báo đấu giá các khoản nợ xấu lớn. Trong đó, VietinBank Ba Đình đang bán toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Sông Đáy – Hồng Hà Dầu Khí để thu xử lý thu hồi nợ vay. Khoản nợ này tính đến hết ngày 16/8 có giá trị cả gốc và lãi lên tới 66,18 tỷ đồng. Khoản nợ có 5 TSBĐ bao gồm nhà xưởng, xe ô tô, máy móc, dây chuyền, hàng hóa tồn kho.  

VietinBank chi nhánh TP.Hà Nội bán khoản nợ gần 111 tỷ đồng có TSBĐ của Công ty CP Thương mại NEM. Khoản nợ được đảm bảo bằng toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang) của Công ty thương mại NEM, có giá trị ghi nhận đến ngày 30/6 là 33,9 tỷ đồng.

VietinBank Đông Hải Dương đấu giá TSBĐ để thu hồi nợ của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông, bao gồm nhà xưởng và máy móc thiết bị. Ngân hàng sẽ nhận hồ sơ đến ngày 30/9/2018 và lựa chọn theo nguyên tắc là người gửi đầy đủ hồ sơ hợp lệ và có giá chào mua cao nhất. Ngân hàng cũng không đưa ra giá chào bán khởi điểm...

Theo Báo cáo Tài chính đã kiểm toán, đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu tại VietinBank là 11.227 tỷ đồng, tăng 9,7% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,14% cuối năm 2017 lên mức 1,29%. Tinh đến ngày 30/6, VietinBank không còn nắm giữ trái phiếu đặc biệt nào do VAMC phát hành. Trước đó, cuối năm 2017, ngân hàng vẫn còn 2.472 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt tại VAMC, trong đó trích lập dự phòng 1.891 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Du- Phó chánh thanh tra giám sát NHNN, nếu tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý tổng cộng hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, đến 30/6 vừa qua, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Chỉ tính trong nửa đầu năm 2018 vừa qua, cũng đã có trên 58.000 tỷ nợ xấu được xử lý, trong đó chủ yếu là nợ do các TCTD tự xử lý, còn lại là bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác một phần nhỏ. Trong khi giai đoạn 2015-2017, việc xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua hoạt động bán nợ chiếm khoảng 38,64% tổng nợ xấu.

Liên quan đến vấn đề này, theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD đang là 2,09% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, giảm so với con số 2,46% hồi cuối năm 2016. Tổng nợ xấu bao gồm các các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 486.000 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng dư nợ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, đơn vị này đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp.

Ông Đông cho hay tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý. "Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tốc độ xử lý nợ xấu đã tăng lên đáng kể", ông Đông cho biết.

Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết, hiện nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc về mặt pháp lý cần tiếp tục điều chỉnh, như Điều 8 trong Nghị quyết 42 cũng có nội dung rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp TSĐB, nhưng trong hơn 2.000 vụ việc của các cấp tòa án và thi hành án chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút gọn này. Ngoài ra, các TSĐB là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc về phía hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mỗi địa phương lại có một cách hiểu và vận dụng, cách làm khác nhau...

Ông Đông cũng cho biết thêm, hiện nay nhu cầu bán nợ của các TCTD vào khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của VAMC mới chỉ là 2.000 tỷ đồng. Với mức vốn này công ty mới chỉ quay vòng mua được 3.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Theo Đề án 1058 thì năm 2018 VAMC sẽ được cấp vốn điều lệ tăng lên là 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 là 10.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua bán nợ thực tế của thị trường...

Hà Phương