Cần Thơ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt từ 9.400 - 11.000 USD vào năm 2030

09:40 19/08/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (GRDP) tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của thành phố Cần Thơ trong vòng 3 năm qua, đứng thứ hai so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số GRDP tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm là động lực để Cần Thơ đặt mục tiêu GRDP cao trong giai đoạn 2025-2030
Chỉ số GRDP tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm là động lực để Cần Thơ đặt mục tiêu GRDP cao trong giai đoạn 2025-2030. 

UBND thành phố Cần Thơ đề ra mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7-7,5%/năm trong giai đoạn 2025-2030, vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 9 đến 11,5%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân (GRDP/người) đến năm 2030 đạt từ 9.400 đến 11.000 USD.

Các mục tiêu cơ cấu kinh tế gồm: dịch vụ chiếm từ 56,5 đến 56,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm từ 34 đến 34,3%, nông nghiệp chiếm từ 3,4 đến 4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm từ 5 đến 5,6%. Tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 45 đến 50%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%...

Cần Thơ phấn đấu đến năm 2045 trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, thành phố Cần Thơ đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Đối với nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh và bền vững kinh tế, thành phố đã đề ra 16 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp, nổi bật nhất là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, xây dựng và vận hành tốt hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.

Phát triển công nghiệp xanh và tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn. Tạo điều kiện và hỗ trợ hình thành các cơ sở cung ứng dịch vụ logistics tập trung, đồng bộ về bến bãi, hệ thống kho, bảo quản, vận chuyển và cảng hàng không quy mô lớn, phương thức hoạt động tiên tiến…

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn hiện đại, làm tốt vai trò là trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật về sản xuất và chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các trang trại, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thành phố.

P.V (t/h)