Cần thái độ hay trình độ trong công việc?

10:19 17/12/2020

Thái độ của một người trong công việc thể hiện đạo đức nghề nghiệp và nền tảng của giáo dục của người đó. Dù có tài năng đến thế nào đi chăng nữa, nếu không có một thái độ làm việc đúng đắn, bạn cũng sẽ khó gặt hái được thành công.

Theo các chuyên gia, một người có thái độ tích cực biết cách ăn mừng những thành công nhỏ, điều đó sẽ tạo động lực tuyệt vời cho các thành công lớn hơn. Họ biết trân trọng những thành công nhỏ đạt được hằng ngày và sử dụng điều này để thúc đẩy bản thân tiến xa hơn nữa. Thực tế, những người có thái độ tuyệt vời sẽ thành công hơn trong việc dẫn dắt đội ngũ thành công. Một phần lý do là họ quan tâm đến tập thể hơn là chính bản thân họ. Bằng cách thúc đẩy tinh thần trách nhiệm hay thực hiện các cam kết, họ có thể khiến mọi người làm việc cùng nhau để hoàn thành một điều gì đó lớn lao hơn.  

Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO Công ty CP Công nghệ Giáo dục 789 (quận 1, TP HCM), cho biết nhiều nhân sự tự cho mình có trình độ cao, được đào tạo chuẩn quốc tế, chưa làm được gì nhưng lại thích thể hiện, có ý khinh thường đồng nghiệp và gây xào xáo nội bộ. Theo ông Thắng, họ có thể có chuyên môn cao nhưng trong môi trường doanh nghiệp (DN), cái quan trọng nhất vẫn là thái độ làm việc. DN nào cũng làm việc nhóm để hoàn thành các mục tiêu chung, nếu cái tôi của người giỏi không hòa nhập tốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cả guồng máy. "Tôi từng quản lý một nhân sự lập trình chỉ tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng lại là trưởng nhóm thiết kế lập trình. Bạn ấy có tinh thần ham học hỏi và rất cầu tiến nên có được vị trí và mức đãi ngộ xứng đáng. Quan trọng hơn là khi công ty gặp khó khăn, bạn ấy luôn là người truyền cảm hứng cho cả tập thể".

Bà Đinh Kim Nhung, Trưởng Bộ phận nguồn nhân lực Tập đoàn Masan, chia sẻ rằng khi tìm kiếm một ứng viên tiềm năng, nhiều người nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ "nghiêng" về các ứng viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng vượt trội. Tuy nhiên, các số liệu thống kê về tuyển dụng cho thấy nhà tuyển dụng thường ưu tiên các ứng viên có tính cách và thái độ phù hợp hơn là người có trình độ chuyên môn cao, bởi nhiều lý do.

Trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng rất khó để tìm thấy một ứng viên có thể thỏa mãn hết tất cả tiêu chí tuyển dụng. Do đó, nếu quá tập trung vào kỹ năng, nhà tuyển dụng sẽ không nhìn thấy một ứng viên lý tưởng, một người ham học hỏi, có đạo đức làm việc mạnh mẽ và có tư duy tích cực, có bản lĩnh, lạc quan và có trách nhiệm. Những yếu tố này nằm ở thái độ của ứng viên. Ngày nay, các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết đối với DN không ngừng phát triển, có nghĩa là chuyên môn ứng viên đang sử dụng có thể không phải là điều mà nhà tuyển dụng cần trong 3 hoặc 4 năm tới. Do đó, nhà tuyển dụng sẽ tập trung vào việc ứng viên có sẵn sàng theo kịp những tiến bộ mới, bất kể họ thành thạo vào thời điểm hiện tại hay không. "Có một thực tế hiện nay ở hầu hết các DN đều xảy ra, đó là việc "tám chuyện", chia phe cánh gây lãng phí thời gian chốn công sở. Đây như là một loại bệnh văn phòng vậy. Loại hành vi này ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm việc của nhân viên và dẫn đến năng suất thấp. Những người sở hữu thái độ tích cực sẽ không bị phân tâm bởi sự lôi kéo của những cuộc trò chuyện vô nghĩa" - bà Nhung nói. Cũng theo bà Nhung, trong nhiều trường hợp, thái độ tích cực của nhân viên có thể truyền sang những đồng nghiệp, khiến mọi người tập trung vào các hành vi đúng đắn và điều này giúp kết quả kinh doanh của DN tốt hơn.

Bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia cho rằng trình độ là phần ngọn được thể hiện ra bởi gốc rễ, còn thái độ nằm về phần đạo đức, nhân cách của một người. Thái độ phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh, yếu tố cấu tạo nên như nền giáo dục, kiến thức, học hỏi, tư duy, kinh nghiệm, nhận thức... Trình độ chuyên môn có thể dễ dàng học và tiếp nhận một cách bị động nhưng nền tảng văn hóa, tính cách lại khó thấy và cần có sự chủ động tiếp thu, trau dồi. Người thờ ơ với trách nhiệm công việc, không có thái độ tốt khi làm việc ngay lập tức sẽ bị đào thải. 

 “Một tổ chức không thể vận hành dựa trên sự vô kỷ luật. Một DN không thể lớn mạnh khi người làm quần quật, kẻ chây lười. Một hệ thống không thể chạy đều khi kẻ lơ là, người trách nhiệm. Nếu dung túng kẻ lơ là, ắt sẽ mất đi những con người trách nhiệm. Nói hay, đôi lúc không bằng làm tốt” - bà Vân nhấn mạnh.

Khi quan sát những người thành công, có thể thấy kỹ năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm không phải là những yếu tố gây ấn tượng nhất mà chính là thái độ của họ trong công việc. Vì vậy, cạnh tranh trong công việc bạn cần rèn luyện cho mình một thái độ làm việc thật đúng đắn, sáng tạo sẽ dẫn đến thành công. 

An Nguyên (t/h)