Cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí để đánh bật những thông tin sai lệch trên không gian mạng

17:15 09/03/2023

Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ về tình hình hoạt động tôn giáo tại Việt Nam và những thách thức đối với cơ quan quản lý: Cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí để đánh bật những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ
Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Cuốn sách chứa những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, tài liệu giúp bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, những ai quan tâm hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách, đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.

Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam.

Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo: Phong phú, đan xen lẫn nhau.

Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó có đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước. 

Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật, bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số; người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và người chấp hành án phạt tù.

Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết.

Ảnh minh họa
Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo đõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Theo ông Trọng, phía Mỹ đã dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, thông tin không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam do các đối tượng trong và ngoài nước cung cấp. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên các đoàn công tác của Mỹ không có điều kiện đến Việt Nam ghi nhận tình hình thực tế một cách khách quan.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thiết lập kênh chính thống, chủ động cung cấp thông tin xác thực cho phía Mỹ. Ở trong nước, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các ban ngành liên quan và các địa phương để giải quyết các vụ việc về tôn giáo, tín ngưỡng, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, đưa tin sai lệch. Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo lên tiếng về những đánh giá sai lầm trong hoạt động tôn giáo tại Việt Nam".

"Hy vọng với những nỗ lực và sự phối hợp đó thì những thông tin sai lệch sẽ từng bước được cải chính", ông Trọng cho biết.

Ông Trọng cũng thừa nhận phản ứng của đơn vị quản lý còn chậm so với tốc độ lan truyền của những hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội. "Nguyên nhân là chúng tôi thiếu nguồn lực. Ban Tôn giáo Chính phủ không mạnh về mảng truyền thông khi chỉ có một trung tâm thông tin rất nhỏ với vài nhân sự, vì vậy việc lan truyền các thông tin chính thống vẫn theo phương thức truyền thống, nghĩa là phải kiểm chứng, soạn thảo, chờ duyệt rồi mới công bố".

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa đồng bộ và đầy đủ, chưa có nghị định xử phạt dành riêng cho các hoạt động tôn giáo. Việc này chúng tôi đang đề xuất Chính phủ thông qua, bổ sung hành lang pháp lý.

"Trước sự phức tạp đó, chúng tôi rất cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí để tạo ra kênh thông tin khách quan, chính thống, góp phần đánh bật những thông tin sai lệch trên không gian mạng", ông Trong chia sẻ.

Hồng Thắm (T.h)