Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Đề xuất áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp

23:55 16/08/2022

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam kiến nghị: “Cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.

Ảnh minh họa
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam 

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam cho biết, thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế TTĐB. Đó là: Cơ cấu thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).

Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, bà Vân cho biết, trong 3 phương thức, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỉ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.  

Theo bà Vân, phương thức thuế tính theo tỷ lệ phần trăm có ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng cách tính thuế này không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng thì giá thành sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế.

Chính vì thế, bà Vân kiến nghị: “Cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.

Đồng thời, theo bà Vân, cần tăng thuế từ từ, có lộ trình dài hạn, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát.  “Nếu Việt Nam tăng thuế TTĐB gây sốc thì thuế TTĐB sẽ là gánh nặng và Việt Nam có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Malaysia, Anh, Đức khi tăng thuế TTĐB đột ngột, đột biến. Đó là nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, lấn át thuốc lá truyền thống, khiến ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và cũng có thể đẩy nhiều công ty thuốc lá vào chỗ đóng cửa, còn người lao động thất nghiệp”.

Lâm Nghi