Cải cách thủ tục hành chính - “gói cứu trợ” tốt nhất cho doanh nghiệp

22:43 02/06/2022

Ngày 2-6, Đoàn công tác của Thường trực HĐND đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trong buổi làm việc đoàn công tác của HĐND tỉnh và các doanh nghiệp đều khẳng định cải cách TTHC là “gói cứu trợ” tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Ông Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều DN phản ánh: Mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã rất quyết liệt trong việc cải cách TTHC nhưng đến các sở việc giải quyết còn rườm rà, tốn nhiều thời gian. Tình trạng trả lại hồ sơ mà không có giải thích, hướng dẫn cụ thể còn diễn ra. Việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh còn khó khăn, thủ tục phức tạp.

DN gặp khó khăn nhất khi tiến hành các thủ tục về đất đai, thủ tục quy hoạch xây dựng. Bất động sản là một ngành kinh doanh phải thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Lĩnh vực này hiện chịu sự tác động của 12 luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy… Chính vì sự phức tạp chồng chéo này dẫn đến tốc độ triển khai các dự án bất động sản bị hạn chế rất lớn làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển chung của tỉnh.Tình trạng một câu luật nhưng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, dẫn đến tùy tiện trong quá trình áp dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của DN.

Đại diện Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Xuân Lâm cho biết: Xưa nay, tỉnh Thanh Hóa đã cải cách rất nhiều về TTHC, song so với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội như hiện nay, cần phải cải cách nhiều hơn nữa. Bên cạnh những sở làm công tác TTHC rất tốt như sở Công thương lại có một số sở như Tài nguyên môi trường, Kế hoạch - Đầu tư còn rất nhiều điều đáng nói.

Điển hình như việc chuyển tiền thuê đất hàng năm thành 1 lần thuộc loại TTHC nhanh nhất nhưng cũng mất cả năm. Hay như thủ tục đổi tên công ty, bổ sung, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh rất rườm rà, phức tạp. TTHC mắc ở các sở rất nhiều vì sở là then chốt.

Ông Lâm nhấn mạnh: "Có những TTHC nộp sở và chờ 45 ngày sau chúng tôi mới được báo lại là thiếu, sai. Khi đó, chúng tôi lại phải trở lại quy trình từ đầu. Có thể khẳng định có những cán bộ công chức không thực sự giỏi về chuyên môn, làm không có trách nhiệm, không có tâm. Vì vậy tôi có kiến nghị, người nhận hồ sơ lĩnh vực nào phải có chuyên môn về lĩnh vực đó. Ví dụ hồ sơ về đất đai, doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn nộp trực tiếp cho người phụ trách đất đai. Tránh tình trạng, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt các vấn đề liên quan đến TTHC nhưng đến các sở, ban, ngành là “tắc nghẽn” theo kiểu “tỉnh mở sở thắt”.

Nhiều DN có ý kiến tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo cải cách TTHC, rút quy trình nhưng chưa đạt yêu cầu phát triển xã hội và mong muốn rút ngắn tối đa quy trình thực hiện dự án để doanh nghiệp yên tâm tập trung đầu tư. Bởi trên thực tế có dự án phải thực hiện trên dưới 100 quy trình thủ tục, phải mất 2-3 năm mới xong.

Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa nêu ý kiến: Nhà nước đã ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có mục đối với chủ doanh nghiệp là phụ nữ. Song từ khi luật ban hành đến nay, chúng tôi vẫn chưa có cơ quan, ban, ngành nào triển khai, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tiếp thu. Vì vậy rất mong trong thời gian tới những chủ doanh nghiệp là phụ nữ như chúng tôi sẽ được tiếp cận, được hỗ trợ về pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch Hội doanh nhân thành phố Thanh Hóa
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch Hội Doanh nhân thành phố Thanh Hóa phát biểu.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân thành phố Thanh Hóa cho rằng: Sự vướng mắc về TTHC còn xuất phát từ nguyên nhân kiến thức, trình độ của chủ doanh nghiệp về luật pháp chưa thấu đáo. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ trực tiếp từ các sở, ban, ngành nhằm nâng cao tri thức pháp luật cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập.

Hơn nữa, luật pháp còn chồng chéo, Thông tư, Nghị định hướng dẫn trái luật, không có sự thống nhất, đồng bộ. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến TTHC còn chậm. Khắc phục được những “điểm nghẽn” về TTHC phải từ cả 2 phía DN và chính quyền, và phải cùng chung một mục đích đó là vì sự phát triển chung của tỉnh, vì đời sống của người lao động và Nhân dân.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Tuấn phát biểu
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Tuấn nêu ý kiến về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập. 

Liên quan đến các TTHC về đất đai lãnh đạo Hội DN Bỉm Sơn, Hội DN Sầm Sơn đều nêu quan điểm: Lẽ ra việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai là để làm tốt hơn cho doanh nghiệp nhưng chủ yếu để hành doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp ở 2 địa phương này cho rằng ngày chưa có văn phòng đăng ký đất đai, họ làm thủ tục về đất đai chỉ ở một đầu mối, bây giờ lại phát sinh thêm thủ tục giấy tờ, thời gian.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nêu khó khăn về việc cấp thủ tục đánh giá tác động môi trường, thủ tục chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mất rất nhiều thời gian.

Ông Lê Minh Hải, phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Ông Lê Minh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Minh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến về sự chồng chéo, không thống nhất của các luật. Mỗi luật viết một kiểu, không trùng khớp. Đi kèm theo đó là những người thực hiện lại có những động cơ không trong sáng. Tất cả những điều này sẽ không giúp được cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa khẳng định, TTHC của chúng ta vẫn đang còn rất phức tạp và mức độ "nhũng nhiễu" của cán bộ còn rất nhiều, cải cách hành chính của ta có phần tiến bộ nhưng cũng có phần thụt lùi.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Thanh Hóa cho rằng: Hiện nay, DN vướng nhất thủ tục đất đai, bởi nó vô cùng lằng nhằng và liên quan đến rất nhiều sở, ban, ngành. Nếu làm thủ tục đất đai DN phải qua Sở Tài nguyên Môi trường ít nhất là 5 lần. Thế nhưng chỉ cần mắc 1 khâu thì bộ hồ sơ đó lại bị trôi đi hoặc phải làm lại từ đầu. TTHC bị vướng nhiều nhất là sở, ban, ngành. 

Những năm gần đây, ngày 21 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, thắc mắc. Thời gian gần đây việc Chủ tịch tỉnh tiếp DN ít đi là vì hầu như DN không có kiến nghị nữa. Điều đó không có nghĩa là DN đã yên ổn mà do DN không muốn kiến nghị nữa. Bởi cũng có những DN kiến nghị nhưng không giải quyết được, thậm chí nhiều DN còn rụt rè không muốn kiến nghị vì sợ “tai bay vạ gió” từ việc nêu ý kiến. 

Ông Hiệu nhấn mạnh: "Rất mong khi phát hiện ra cán bộ có sự nhũng nhiễu (hoặc có bằng chứng, hoặc có dấu hiệu mà dấu hiệu đó được nhiều DN phản ánh) thì phải có công tác xử lý cán bộ. Qua buổi làm việc hôm nay, rất mong Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiếp nhận để nêu ý kiến trong kỳ họp sắp tới".

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Tôi chịu trách nhiệm về những kiến nghị của DN để có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Nếu có điều gì đó ngại nói ra, tôi sẽ giữ bí mật hoàn toàn cho doanh nghiệp".

Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quang Hải đã trân trọng những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và tiếp thu những nội dung này để báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Hiền Minh