Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với ASEAN và Việt Nam

00:00 12/10/2020

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF ASEAN) 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội với chủ đề ASEAN 4.0: “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là chìa khóa để trả lời câu hỏi: CMCN 4.0 có ý nghĩa như thế nào đối với hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và ASEAN cần phải làm gì?

Với gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào 5 vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bao gồm: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại CMCN 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0. Những sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị lần này đã được các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao.

Cách mạng 4.0 tác động như thế nào đến Việt Nam và ASEAN?

Người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF - Giáo sư Klaus Schwab năm 2016 từng nói rằng, trong thời đại ngày nay, không phải là "cá lớn nuốt cá bé" mà là "cá bơi nhanh sẽ nuốt cá bơi chậm" rất đúng trong bối cảnh 4.0 bao trùm như hiện nay.

Trên cương vị chủ nhà Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), Việt Nam có trọng trách cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong CMCN 4.0 nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng này là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Cuộc cách mạng cũng tạo ra cơ hội để giới trẻ ASEAN có thể phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo, để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Những cơ hội CMCN 4.0 mang lại cho ASEAN là vô cùng lớn như tạo đột phá về năng suất trong ngành công nghiệp lớn gồm hóa chất, điện tử, dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm bền vững trên cơ sở CMCN 4.0, phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là xương sống của nền kinh tế ASEAN và khởi nguồn ý tưởng mới, đi tắt trong công cuộc công nghiệp  hóa...

Tuy nhiên, các thách thức ASEAN phải đối mặt là rất lớn. Điều nhận thấy rõ nhất là nguy cơ mất việc làm. Theo số liệu, 56% việc làm tại 5 nước ASEAN sẽ chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do đó, nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên  công xưởng châu Á truyền thống. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng có thể làm tăng khoảng cách thu nhập và tăng nguy cơ bất ổn xã hội.

Nói về sự kỳ vọng vào ASEAN và chính phủ Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0, Giáo sư Klaus Schwab cho biết: “Tôi nghĩ, để nhận thức được không chỉ sức mạnh mà các tiềm năng của cuộc CMCN 4.0 và để tạo ra những điều kiện cần thiết để thành công  trong cuộc cạnh tranh quốc tế để làm chủ được cách mạng 4.0 có nghĩa là tạo khí hậu mang tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân”.

“Chúng ta cần nhận thấy mối đe dọa của cuộc CMCN 4.0, nhiều công việc hiện nay sẽ biến mất. Chúng ta không nên bi quan mà nên lạc quan khi những công việc sẽ biến mất nhưng những công việc mới sẽ được tạo ra. Các chính phủ sẽ có các chính sách cần thiết để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang kỷ nguyên mới. Đó là mong muốn của tôi để tác động đến tư duy, không chỉ là tư duy của chính phủ mà đó là đối với mọi người đều là những thách thức lớn để chuẩn bị cho thời gian chuyển đổi, thay đổi, như cách chúng ta sản xuất, tiêu dùng, liên lạc và giải trí”, Giáo sư Klaus Schwab cho biết.

Còn theo bà Annie Koh - Giáo sư  Tài chính (Thực hành) - Giám đốc Học viện Thương mại Quốc tế, Đại học Quản lý Singapore, ASEAN cần nắm chắc được bốn chữ "I", trong đó có Identity - bản sắc; Innovation - sáng kiến, theo đó chú trọng tới những tiến bộ về công nghệ; Inclusive - bao trùm, nhấn mạnh tới việc sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số và intergration - sự hội nhập, cần chăm chỉ hơn, đi đầu về xã hội. “Nếu chúng ta có đủ "bốn chữ I" này, ASEAN có thể sẵn sàng đi về tương lai,"

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, CMCN 4.0 với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ, do đó các quốc gia đang phát triển như các nước  ASEAN có cơ hội phát triển nhanh, bền vững nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực...Tuy vậy, bên cạnh cơ hội phát triển, CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN. Trong làn sóng CMCN 4.0 sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ kỹ thuật, tương lai đang đặt ra nhiều thách thức cho ASEAN. CMCN 4.0 với sự phát triển của công nghệ đặt ra yêu cầu mới đối với các chính phủ và các doanh nghiệp trong khu vực. Đặc biệt, thời đại 4.0 cũng đem đến những cơ hội tuyệt vời nếu các nước thành viên có thể thích ứng linh hoạt và nhanh chóng. ASEAN có thể tận dụng công nghệ để thành công hơn nữa trong tương lai.

Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là xương sống của nền kinh tế khu vực ASEAN. Ví dụ ở Việt Nam và Thái Lan, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99% trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; số lượng lao động của các doanh nghiệp này chiếm hơn 70% tổng lực lượng lao động. Để phát huy hết các tiềm năng của SME, ASEAN cần đảm bảo các chính sác đưa ra phù hợp và tạo ra môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển…

Như vậy, ASEAN đang đứng trước những thời cơ to lớn để phát triển và thúc đẩy liên kết kinh tế nhờ toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sức lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0, đặc biệt là công nghệ số, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Đồng thời ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, mà phải kể đến là sự lan truyền không giới hạn của CMCN 4.0. Và đôi khi cuộc cách mạng này sẽ gây “đau đớn” hơn là “hạnh phúc”. Tác động của CMCN 4.0 sẽ đặt mỗi quốc gia và khu vực trước những bài toán khó về chính sách và các ưu tiên phát triển.

Doanh nghiệp Việt làm thế nào để tranh thủ cơ hội trong CMCN 4.0?

Cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia, một doanh nghiệp (DN) nào thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do CMCN 4.0 đem lại. Phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách. Ở phía các DN, đang có những bài toán cần giải đáp, những đơn đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ kết hợp với giới chuyên gia khoa học công nghệ để cùng cho ra được các sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống… DN cũng cần quen hơn với việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô thức quản trị, phương thức đầu tư công nghệ, quản lý rủi ro, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; và quan trọng là khả năng thích ứng với nền kinh tế số, chính quyền điện tử.

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà kinh tế trên thế giới, cuộc CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ đến các ngành: sản xuất tự động hóa, giao thông, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp và mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, CMCN 4.0 đang dần lộ rõ nhưng vẫn còn khá mới mẻ, bởi vậy các DN nên “chuyển mình” để không bị tụt hậu. CMCN 4.0 đòi hỏi chính phủ các nước chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách. Nhưng ngược lại, ở phía các DN, đang có những bài toán cần giải đáp. Chỉ ra những nhược điểm của DN trong nước hiện nay, đó là năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khiêm tốn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá: Các DN Việt Nam phần lớn là DNNVV, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh.

“Cần có những đơn đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ kết hợp với giới KHCN để cùng cho ra được các sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt lưu tâm đến việc đầu tư vào phát triển CNTT, tăng cường bộ máy tổ chức nhân sự, quản trị DN và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Cung nhấn mạnh.

“Hãy mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc CMCN 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành DN", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Hãng hàng không VietJet vừa lọt vào top 50 hãng hàng không thế giới theo Tạp chí Tài chính hàng không Airfnance chia sẻ.

Trong điều kiện các DN Việt Nam đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn yếu…, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để đáp ứng được các yếu tố trên, các DN cần phải có sự kết nối, liên minh với nhau để có thể cùng phát triển và nâng sức cạnh tranh.

Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản  xuất kinh doanh của DN công nghiệp, có tới 82% DN đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Trong khi nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn hơn, nhưng lại cần thay đổi nhất để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.

Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thanh toán cần thay đổi để thích ứng và nguồn lực ngành ngân hàng – tài chính phải thay đổi theo hướng tinh gọn, có kỹ năng số và tinh thông nghiệp vụ. Hay như trong nông nghiệp, nông thôn, đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương. Giá thành sản xuất nhiều loại nông sản cao hơn một số nước ASEAN và hơn nhiều so với các nước phát triển, do mức độ cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng kỹ thuật số, các công nghệ: sinh học, đèn LED, Nano… trong sản xuất còn thấp. “Nếu không liên kết sản xuất lớn, phát triển nông nghiệp giai đoạn tới sẽ không thể thành công được. Và chúng ta sẽ bị thua, mất thị trường 100 triệu dân ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Như vậy, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0, ASEAN đang phát huy tính tự cường, tìm hướng đi và giải pháp mới thích ứng và phát triển thịnh vượng.v

Chúng ta đang chứng kiến cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên những thành tựu của khoa học công nghệ. Đặc biệt, CMCN 4.0 rất quan trọng đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng này là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.

Cuộc cách mạng cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cách mạng công nghiệp có khả năng mang đến cho nhân loại tầm cao mới. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều tới giá trị con người. Chúng ta cần tạo ra một thế giới nhân văn hơn chứ không chỉ là những thay đổi về mặt máy móc, công nghệ. CMCN 4.0 không phải là nút bấm để biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc. Ở thời điểm CMCN 4.0 bùng nổ, mối đe dọa việc làm bị mất nên được thay thế bằng kỳ vọng nhiều việc làm mới hơn sẽ được tạo ra. Không nên duy trì tâm lý bi quan mà cần lạc quan nhìn vào những tiềm năng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần tạo ra những  chính sách cần thiết cho quá trình chuyển đổi. Mỗi quốc gia phải hiểu rõ những điều đang xảy ra xung quanh, huy động mọi nguồn lực để nắm bắt cơ hội, đối phó với thách thức. Quan trọng hơn phải làm chủ các công nghệ để con người không trở thành nô lệ của robot và máy móc.

CMCN 4.0 là những vấn đề quan trọng hướng tới tương lai. Các nước ASEAN cần quan tâm đến việc phải đảm bảo bình đẳng nam nữ và các nhóm dân số khác, đảm bảo họ được hưởng lợi trong kỷ nguyên công nghệ số, có cơ hội việc làm và nắm bắt những thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo.

ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực mỗi người dân trong năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới cho lực lượng lao động trong CMCN 4.0, giải quyết mọi vấn đề bất bình đẳng trong lao động, thúc đẩy bình đẳng giới trong cơ chế tiền lương và cơ hội việc làm.

Với CMCN 4.0, tất cả chúng ta đều tin rằng vận mệnh của ASEAN thuộc về những người trẻ tuổi. Chúng ta đã nói rất nhiều về công nghệ, về kỹ thuật số, nhưng hãy nói về bản sắc của ASEAN. Đó là một cộng đồng năng động có rất nhiều người trẻ tuổi. Người trẻ không nên hạn chế năng lực của mình. Thế hệ sinh viên hiện nay đều sinh ra từ những năm 2000, được hưởng cuộc sống thanh bình. Điều cần làm là phát huy năng lực, phát huy văn hóa cộng đồng ASEAN ngay từ đầu để tạo hệ sinh thái, tạo cộng đồng cho bản thân phát triển.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này, vì thế vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững và toàn diện tại khu vực là rất lớn.

CMCN 4.0 là nói về kinh tế số. Nền kinh tế số của ASEAN dù đang bùng nổ nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ở ASEAN tỷ trọng nền kinh tế số trong tổng GDP là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 16%, 5 nước đứng đầu EU là 20% và Mỹ là 23%". Về khu vực ASEAN, 10 quốc gia tổ hợp lại tạo thành một nền kinh tế số có quy mô lớn và còn nhiều tiềm năng, thậm chí còn có thể tăng trưởng khoảng 5 lần nữa. Chúng ta cần phải có luồng dữ liệu chảy giữa các quốc gia, hệ thống thanh toán giữa các quốc gia. Làm thế nào để đảm bảo con người chiến thắng máy móc. Chúng ta hãy nghĩ tới việc làm thế nào để ASEAN nắm bắt được toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực kinh tế số? Và giải pháp là phải tạo kĩ năng khai thác kinh tế số cho khu vực này. Google cam kết đến năm 2020 sẽ đào tạo kỹ năng cho 3 triệu chủ sở hữu và nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo họ có thể chuẩn bị tốt nhất để bước vào 4.0.

Đối với CMCN có nhiều hào hứng nhưng cũng có những lo lắng làm sao để thích nghi bởi người lao động có thể dễ dàng thất nghiệp nếu không có sự chuyển đổi thích hợp. Dù vậy tôi tin vào tương lai tươi sáng nếu chúng ta được chuẩn bị tốt. AI và robot có thể cướp việc làm truyền thống nhưng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra như kỹ sư công nghệ, lập trình viên... Bên cạnh đó cũng có rất nhiều startup thành công được sáng lập bởi những người rất trẻ. Người trẻ được trang bị các kỹ năng và hỗ trợ bởi các chính sách chính phủ sẽ trở thành chủ nhân của tương lai.

Để thích ứng với CMCN 4.0 thì người trẻ không chỉ đơn thuần là thích ứng. Bởi thích ứng chỉ là tuân theo, làm việc một cách bình thường. Chúng ta cần phải suy nghĩ khác đi. Hãy vượt ra khuôn khổ bình thường. Trong kỷ nguyên kỹ thuật, kỷ nguyên số thì phải tìm kiếm niềm đam mê. Có người muốn thành chính trị gia, có người muốn kinh  doanh. Khi đã xác định được cảm hứng, tham vọng thì phải luôn suy nghĩ trước một bước.

Thu Giang