Cách Gojek tái khởi động tại thị trường Đông Nam Á

00:00 12/10/2020

Startup "kỳ lân" Indonesia quyết định hợp nhất các thương hiệu tại Việt Nam và Thái Lan sau hai năm đặt chân ra thị trường nước ngoài.

Tuần trước, Gojek - ứng dụng xe công nghệ - ra mắt người dùng Việt Nam. Thông báo diễn ra sau khi GoViet tiết lộ kế hoạch hợp nhất với ứng dụng và thương hiệu công ty mẹ. Việc hợp nhất dịch vụ và nhận diện thương hiệu là kết quả của một giai đoạn đầy biến động của GoViet, ứng dụng từng làm bùng nổ thị trường gọi xe đầy hứa hẹn của Việt Nam năm 2018.

GoViet ban đầu là một đối tác Việt Nam của Gojek, cung cấp dịch vụ gọi xe và logistics, sau đó bổ sung dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán kỹ thuật số. Việc ra mắt GoViet hai năm trước, với đội ngũ quản lý hoàn chỉnh và xây dựng thương hiệu độc lập của riêng mình, là khởi đầu cho kế hoạch mở rộng ra quốc tế trị giá 500 triệu đôla của Gojek. Sau Việt Nam, Thái Lan trở thành thị trường độc lập thứ hai.

Một tài xế GoViet nghỉ ngơi bên đường. Ảnh: AFP.

Một tài xế GoViet nghỉ ngơi bên đường. Ảnh: AFP.

Thời điểm đó, nhà đồng sáng lập và CEO của Gojek, Nadiem Makarim chia sẻ trên Channel NewsAsia rằng công ty "đặt rất nhiều niềm tin vào sự tự quản của các trụ sở địa phương và để họ đưa ra các quyết định chiến lược sẽ đi đến đâu".

Sau đó, một vài nhà phân tích bày tỏ sự e ngại đối với mô hình đối tác tự quản này khi tiến vào các lãnh thổ mới, cho rằng việc thiếu một chiến lược gắn kết khu vực có thể khiến thương hiệu Gojek bị tổn hại hoặc mờ nhạt.

Lợi thế của GoViet khi đó là khai thác khoảng trống của thị trường khi Uber vừa rời đi. Tuy nhiên, đơn vị này cũng phải đối mặt với một đối thủ nặng ký là Grab, đơn vị thống trị 73% thị phần trong thị trường gọi xe lớn thứ 4 tại Đông Nam Á, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.

Dù đạt được 100 triệu chuyến xe chỉ trong 1 năm hoạt động, tăng trưởng 400% kể từ khi ra mắt, GoViet không thể phá vỡ sự thống trị của Grab tại Việt Nam. Ngoài ra đơn vị này cũng để vuột mất hai CEO giàu kinh nghiệm vào năm ngoái, sau khi họ hoàn thành mục tiêu mở rộng là duy trì tốc độ tăng trưởng, giữ chân hành khách và làm hài lòng khách hàng để giành thị phần khỏi Grab.

Gojek, startup giá trị nhất đến từ Indonesia, cuối cùng thất bại trong việc tiếp nhận đơn vị tự quản đầu tiên của mình và tiến hành thay thế các dịch vụ của GoViet bằng nền tảng ứng dụng "all-in-one" tương tự mô hình tại Indonesia.

Hiện tại, ứng dụng Gojek sẽ cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam quyền truy cập vào dịch vụ đặt xe máy GoBike, dịch vụ hậu cần GoSend và các tùy chọn giao đồ ăn GoFood.

GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam. Ảnh: GoViet.

GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam. Ảnh: GoViet.

Nhờ dấu ấn hai năm của GoViet tại thị trường Việt Nam, ứng dụng Gojek sẽ tiếp cận ngay hơn 150.000 khách hàng và ít nhất 80.000 cửa hàng ẩm thực tại Hà Nội và TP HCM, sẵn sàng phục vụ khách hàng tại đây.

Tại buổi công bố, đơn vị này cũng tiết lộ ứng dụng Gojek sẽ ra mắt tại Thái Lan trong những tuần tới. Giống như GoViet tại Việt Nam, sự gia nhập ban đầu của Gojek vào thị trường Thái Lan là ứng dụng Get độc lập, với đội ngũ sáng lập riêng, cung cấp dịch vụ xe ôm và giao đồ ăn tại các khu vực thành thị của Thái Lan.

Lúc này, dịch vụ này sẵn sàng đổi thương hiệu thành Gojek, vì startup có giá trị nhất của Indonesia đã sẵn sàng mang "siêu ứng dụng" của mình cạnh tranh tại các thị trường mới.

Giống như ứng dụng WeChat của Trung Quốc, Gojek là một nền tảng di động một cửa cung cấp hơn 20 dịch vụ (dự kiến sẽ gia tăng), liên kết hơn 170 triệu người dùng, 500.000 đối tác thương mại, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ, hơn hai triệu tài xế gọi xe và giao hàng trong hệ sinh thái.

"Việc hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu của chúng tôi trên khắp Đông Nam Á cho đến nay là dự án lớn nhất mà chúng tôi đã thực hiện tại Gojek, đồng thời là sự thay đổi đầy thách thức về mặt kỹ thuật với các nền tảng hiện có", đồng sáng lập Gojek, Andre Soelistyo chia sẻ trên LinkedIn.

Hoài Phong (Theo Tech Wire Asia)