Cách điện ảnh Hàn Quốc phục hồi nhanh giữa đại dịch

00:00 12/10/2020

Hàn Quốc thuộc nhóm quốc gia có nền điện ảnh phát triển hàng đầu châu Á. Thành tích có được là nhờ sự đầu tư bài bản và có chiều sâu của chính phủ.

Đại dịch Covid-19 bùng phát để lại hậu quả nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nền công nghiệp điện ảnh. Việc hạn chế tụ tập nơi đông người một mặt khiến các đoàn phim phải tạm dừng sản xuất, rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa. Mặt khác, dịch bệnh cũng tạo ra tâm lý ngần ngại nơi khán giả khi cân nhắc việc tới rạp xem phim.

Khi Hollywood, Bollywood và nhiều nền điện ảnh lớn mãi loay hoay với bài toán tìm thời điểm và kênh lý tưởng để phát hành phim mới, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã bước đầu hồi phục bằng chùm phim ăn khách công phá phòng vé châu Á.

Chiến lược đầu tư bài bản và có chiều sâu

Năm 2020, Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho làm nên lịch sử khi trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên chiến thắng tại Oscar. Parasite cũng là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải Phim xuất sắc.

Thành công là kết quả từ sự đầu tư bài bản và có chiều sâu của chính phủ và các công ty lớn vào ngành công nghiệp điện ảnh. Trong cuộc với phỏng vấn với Zing vào tháng 2, ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment, cho biết để bồi đắp nguồn nhân lực, Cục Điện ảnh Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

dien anh Han Quoc anh 2

Ông Jung Tae Sun, Tổng giám đốc CJ HK Entertainment. Ảnh: Bá Ngọc.

Đối tượng chính của các khóa học là đội ngũ hoạt động trong ngành điện ảnh, từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch tới nhân viên hậu trường… Bên cạnh đó, các cá nhân ưu tú cũng được tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi tại kinh đô điện ảnh Hollywood và các quốc gia có nền điện ảnh phát triển khác.

Cùng với chính sách hỗ trợ của chính phủ là sự đầu tư về vốn từ nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc cho ngành điện ảnh. Theo lời ông Jung, các tập đoàn kinh tế không ngần ngại đầu tư số tiền lớn để sản xuất các phim bom tấn hay tác phẩm có đề tài hay và cách tiếp cận mới mẻ.

Đây không chỉ là bài toán kinh doanh - đầu tư vào đâu và đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả. Sự đầu tư bài bản còn phản ánh tham vọng đưa điện ảnh Hàn Quốc sánh vai với các cường quốc điện ảnh lớn trên thế giới của các ông lớn ngành thương nghiệp.

Phim điện ảnh Hàn làm ra không chỉ trình chiếu phục vụ khán giả mà còn gửi đi tham dự cũng như tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ. Đây cũng là một cách để các nhà làm phim Hàn cọ xát và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.

Nhờ vậy, trong hai thập kỷ qua, từ một nền điện ảnh nổi tiếng với những phim tình cảm hài nhẹ nhàng, Hàn Quốc đã ghi dấu ấn với bạn bè năm châu bằng những tác phẩm đa dạng trong đề tài cũng như phong cách thể hiện.

Hồi phục nhanh trong hoàn cảnh Covid-19

Ảnh hưởng của Covid-19 tới điện ảnh Hàn Quốc là không thể phủ nhận. Theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc, chỉ có hơn 1,5 triệu vé xem phim được bán ra trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc vào tháng 5 - giảm 11,3 lần so với con số 17 triệu vé của tháng 1. Thế nhưng, đây vẫn là tín hiệu hồi phục so với 970.000 vé bán ra hồi tháng 4.

Hàn Quốc thuộc nhóm quốc gia có nền điện ảnh phục hồi với tốc độ nhanh giữa bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát. Từ nửa cuối tháng 6, rạp chiếu phim tại Hàn Quốc đã liên tiếp xuất hiện những kỷ lục phòng vé mới.

dien anh Han Quoc anh 3

Peninsula là bộ phim mang hy vọng "hồi sinh" phòng vé châu Á giữa mùa dịch. Ảnh: Lotte Entertainment.

Bộ phim sinh tồn đề tài xác sống #Alive có sự góp mặt của Yoo Ah In và Park Shin Hye đại thắng khi ra rạp từ 24/6. Theo thống kê của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, bộ phim thu hút 204.071 lượt khán giả tới rạp trong ngày đầu ra mắt.

#Alive cũng là phim có lượt người xem trong ngày chiếu đầu tiên cao thứ hai tại Hàn Quốc 6 tháng đầu năm 2020, chỉ thua The Man Standing Next của Lee Byung Hun.

Chưa đầy một tháng sau, Peninsula - hậu truyện của tác phẩm ăn khách Train to Busan - ra mắt. Theo Korea HeraldPeninsula bán được 350.000 vé trong ngày đầu ra mắt tại quê nhà, trở thành phim có lượng vé bán ra trong ngày khởi chiếu cao nhất tại Hàn Quốc trong năm 2020.

Điều đáng nói, vào thời điểm nhạy cảm khi đại dịch chưa được kiểm soát, Peninsula đã xô đổ kỷ lục về lượng vé bán ra trong ngày khởi chiếu mà phim của Lee Byung Hun từng đạt được hồi đầu năm khi mọi hoạt động vẫn ở trạng thái bình thường.

Contents Panda hồi cuối tháng 7 đã thống kê doanh thu toàn cầu của Peninsula trong tuần đầu công chiếu là 20,82 triệu USD. Phim thu hút 3 triệu lượt khán giả tới rạp sau hai tuần. Theo thống kê của IMDb, con số doanh thu phòng vé toàn cầu của Peninsula hiện tại là 35,81 triệu USD với hơn 1 triệu USD từ thị trường Bắc Mỹ.

dien anh Han Quoc anh 4

Deliver Us From Devil là tác phẩm nội địa cán mốc 2 triệu người xem nhanh nhất mùa phim hè 2020 tại Hàn Quốc. Ảnh: CJ Entertaiment.

Từ 29/7, chuỗi chiến thắng của phim Hàn tại phòng vé giữa đại dịch tiếp nối với Steel Rain 2: Summit. Hậu truyện của bộ phim Hàn ăn khách Steel Rain đã soán ngôi Peninsula, trở thành tựa phim ăn khách nhất tại phòng vé nội địa chỉ sau hai tuần ra mắt.

Tới 4/8, Steel Rain 2: Summit bán được tổng cộng 1,02 triệu vé, thu về 7,03 triệu USD. Theo thống kê của IMDb, doanh thu phòng vé toàn cầu của bộ phim hiện tại là 12,33 triệu USD.

Cuối tháng 8, bộ phim Deliver Us From Devil với sự góp mặt của tài tử Hwang Jung Min gây ấn tượng với 26,5 triệu USD doanh thu sau 11 ngày ra mắt. Trước đó, từ 5/8 tới 8/8, bộ phim đã mang về cho nhà sản xuất 10,6 triệu USD từ tiền bán vé.

Ngày 22/8, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc thông báo Deliver Us From Devil đã thu hút 4 triệu lượt khán giả tới rạp thưởng thức. Bộ phim cũng vượt mặt Peninsula, trở thành tác phẩm nội địa cán mốc 2 triệu người xem nhanh nhất mùa phim hè 2020 tại Hàn Quốc.

Sự thật, không phải tất cả tác phẩm thuộc chùm phim Hàn thành công rực rỡ thời gian qua đều có chất lượng nghệ thuật cao. Điển hình, dù được mệnh danh là bom tấn giúp phòng vé “hồi sinh” giữa mùa dịch, Peninsula đã gây thất vọng cho giới phê bình và khán giả. Bom tấn bị nhận xét là cái xác không hồn với nội dung khiên cưỡng, nhân vật không ấn tượng và cốt truyện phi lý, nhạt nhòa.

Tới tháng 9, #Alive được phát hành trực tuyến trên nền tảng Netflix. Trái với kỳ vọng của khán giả, bom tấn từng thu hút hơn 204 nghìn khán giả trong ngày công chiếu là một tác phẩm dài dòng với nhiều tình tiết phi lý.

Nhờ đâu điện ảnh Hàn nhanh chóng hồi phục?

Dù chóng nở, sớm tàn, không thể phủ nhận cả #Alive và Peninsula đã thành công trong việc thổi làn gió mới vào tình hình đìu hiu của phòng vé Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung giữa đại dịch. Tung ra các tựa phim kinh phí lớn giữa lúc phòng vé đìu hiu khán giả là một quyết định liều lĩnh của các nhà phát hành.

Tuy nhiên, sự liều lĩnh lại trở thành quyết định thức thời. Không phải cạnh tranh vất vả với các tựa phim Hollywood, lại vừa vặn thỏa mãn “cơn khát” các sản phẩm giải trí của khán giả sau thời gian dài chôn chân trong nhà để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các tựa phim Hàn ra mắt từ tháng 6 tới tháng 8 đều nhanh chóng gặt hái thành công.

dien anh Han Quoc anh 5

Dù thành công ngày mới ra mắt, nhưng #Alive bị chê dở và nhạt khi phát hành trực tuyến. Ảnh: IMDb.

Đóng góp vào thành công chung của điện ảnh Hàn Quốc thời đại dịch không chỉ là sự thức thời của nhà phát hành hay lòng ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Thành công chung còn có sự đóng góp của những chính sách kịp thời của chính phủ trong việc tạo ra không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn cho khán giả và san sẻ gánh nặng kinh tế với nhà đầu tư và hệ thống rạp chiếu.

Ngày 15/3, Yonhap đưa tin Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc ban hành bộ quy định chi tiết áp dụng cho các rạp chiếu phim và khán giả giữa đại dịch Covid-19. Trước đó, hồi tháng 2, chính quyền Hàn Quốc cũng đưa ra những biện pháp kích cầu ngành công nghiệp điện ảnh.

Theo The Hollywood Reporter, trung tâm của các chính sách này là quyết định miễn giảm cho hệ thống các rạp chiếu phim lớn khoản tiền đóng góp vào quỹ phát triển điện ảnh Hàn Quốc.

Luật hiện hành yêu cầu các rạp chiếu phim trích 3% doanh thu bán vé để ủng hộ quỹ phát triển điện ảnh của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc. Trung bình, mỗi năm quỹ này nhận tổng số tiền đóng góp khoảng 45 triệu USD. Quyết định miễn trừ được áp dụng từ tháng 2.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ dành cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành. Cụ thể, sẽ có 20 bộ phim buộc phải hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành trong quý I vì dịch bệnh được chính phủ trợ cấp một phần kinh phí quảng bá.

Chính phủ cũng sẽ chọn ra 20 dự án phim khác buộc phải hoãn ghi hình vì dịch bệnh. Các đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất các phim này sẽ nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ khi quay trở lại sản xuất.

Ở cấp độ cá thể, khoảng 400 nhà làm phim bị mất việc hoặc không tìm được dự án mới do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được chính phủ tạo điều kiện để tham gia các khóa đào tạo việc làm miễn phí.

Anh Phan