Các thương mại thế giới tiếp tục trở thành động lực hậu đại dịch

10:18 18/12/2021

Bất chấp loạt gián đoạn ban đầu như hạn chế xuất khẩu, đứt quãng chuỗi cung ứng,... thương mại trở thành "cứu cánh" cho lĩnh vực thực phẩm và y tế.

Lực lượng y tế kiểm tra cảng vận chuyển ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc
Lực lượng y tế kiểm tra cảng vận chuyển ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Trong quý 2 năm 2020, khi phần lớn thế giới đang trong tình trạng bế tắc, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến quý đầu tiên năm 2021, khối lượng thương mại vượt qua mức trước đại dịch và đạt kỷ lục mới. Các hạn chế bảo hộ thương mại cùng nhiều gói hỗ trợ, kích thích thanh khoản trên quy mô lớn của nhiều chính phủ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nâng dự báo tăng trưởng thương hại hàng hóa toàn cầu vào năm 2021 lên 10,8% - tăng từ 8% trước đó và 4,7% vào năm 2022.

Chắc chắn rằng, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, thương mại là nguồn động lực lớn nhất. Bất chấp loạt gián đoạn ban đầu như hạn chế xuất khẩu, đứt quãng chuỗi cung ứng,... thương mại trở thành "cứu cánh" cho lĩnh vực thực phẩm và y tế. Năm 2020, ngay cả khi tổng giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 7,4%, chỉ riêng thương mại hàng hóa y tế tăng 16% và buôn bán thiết bị bảo hộ cá nhân gần 50%. Chuỗi cung ứng tập trung hỗ trợ, tăng cường sản xuất hàng hóa cấp thiết như khẩu trang bảo hộ từng khan hiếm hàng, đội giá lên cao giờ đây dồi dào nguồn hàng và giá cả phải chăng hơn. 

Cùng với tốc độ phát triển vắc xin kỷ lục, các chuỗi cung ứng đa quốc gia đã kết hợp với nhau để cung cấp đầu vào nguyên liệu sản xuất. Chẳng hạn, nguồn vắc xin Covid-19 của  Pfizer / BioNTech liên quan đến 19 quốc gia. WTO đã làm việc với các nhà sản xuất, công ty phân phối, tổ chức phi chính phủ và hàng loạt cơ quan quản lý để duy trì chuỗi cung ứng hoạt động cũng như thúc đẩy sản lượng vắc xin. Về lâu dài, thế giới ta cần đa dạng hóa việc sản xuất vắc xin toàn cầu để nguồn cung ứng có khả năng phục hồi và phân phối công bằng hơn.

Thương mại đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những thách thức lớn toàn cầu từ biến đổi khí hậu đến chuẩn bị bước tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu như nâng cao mức sống, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển bền vững, WTO cần thiết lập các quy tắc cải cách, cập nhật mới. Có thể thấy rõ ba xu hướng sẽ định hình thương mại trong tương lai. Thứ nhất, dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số mới ngày càng trở nên sâu rộng. 

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng Covid-19, thương mại dịch vụ (phần lớn được hỗ trợ kỹ thuật số) đã phát triển nhanh hơn nhiều so với thương mại hàng hóa. Từ năm 2010 đến 2019, xuất khẩu dịch vụ thương mại toàn cầu tăng 57%, trong khi xuất khẩu hàng hóa tăng 25%. Đối với nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thương mại điện tử là chìa khóa để không bị thụt lùi trong cuộc đua đổi mới. Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số sẽ củng cố sức mạnh mạng lưới Internet đến với tất cả người dân toàn cầu. Không những vậy, khuôn khổ quốc tế mới về dịch vụ và thương mại số hóa giúp nâng cao khả năng dự đoán, giảm chi phí quản lý, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Các cuộc đàm phán đa phương tại WTO về thương mại điện tử và hợp lý hóa các quy định trong nước về dịch vụ đã tiến triển nhanh chóng, mang lại những thỏa thuận quan trọng trong tầm tay.

Thứ hai, tương lai của thương mại phải "xanh" để ứng phó với các vấn đề của cộng đồng toàn cầu như tính bền vững của đại dương và biến đổi khí hậu. Nhiều chính phủ đã cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 và WTO có thể tối đa hóa tiềm năng thương mại nhằm đạt được mục tiêu nêu trên. Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Ủy ban Châu Âu ước tính rằng việc đạt tới 0 ròng vào giữa thế kỷ này có thể tiêu tốn khoảng 4,5% GDP toàn cầu.

Cần lưu ý, đầu tư vào công nghệ xanh có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tắc nghẽn nguồn cung nhưng với một nền thương mại cởi mở, có khả năng dự đoán trước giúp giảm áp lực "lạm phát xanh". Cụ thể, việc khôi phục các cuộc đàm phán tại WTO về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ giúp giảm chi phí để đạt được mức trung hòa carbon. Sáng kiến ​​cuối cùng như vậy đã bị gác lại vào năm 2016 vì chính trị lấn át lợi ích công cộng toàn cầu. Ngoài ra, các phương pháp tiếp cận đối với định giá carbon gần như chắc chắn sẽ trở thành nguyên nhân gây ra căng thẳng thương mại. Ngân hàng Thế giới đã xác định được 64 công cụ định giá carbon giao động từ dưới 6 đô la Mỹ / tấn đến 918 đô la Mỹ / tấn. 

Cuối cùng, thương mại phải trở nên bao trùm hơn. Điều này có nghĩa là cần mở rộng lợi ích cho các nền kinh tế kém phát triển hơn. Nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu hiện đang chuyển hoạt động sang các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Ethiopia để giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa rủi ro và gần gũi hơn với khách hàng. Chúng ta cần giúp các khu vực kém hòa nhập của châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh trở lại bản đồ chuỗi cung ứng thế giới. Thương mại có thể giúp ta đối mặt với mọi biến hóa khôn lường trong tương lai nhưng chắc chắn rằng thế giới cần các chính sách mang lại lợi ích cho con người. 

TL (theo SCMP)