Các thương hiệu xa xỉ ứng phó với Covid-19

00:00 12/10/2020

Góp tiền mặt, tận dụng nhà xưởng để sản xuất nước rửa tay, khẩu trang, đồ bảo hộ cho bệnh viện… là cách các thương hiệu lớn ứng phó với Covid-19.

Đại dịch Covid-19 lan nhanh toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, thương mại, du lịch, giải trí... Hầu hết cửa hàng xa xỉ đều phải đóng cửa để hạn chế lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khó khăn, nhiều thương hiệu có bước chuyển mình, trở thành hậu phương vững chắc cho tuyến đầu chống dịch. Trang Luxury London đánh giá đóng góp của các hãng thời trang xa xỉ có vai trò quan trọng thời dịch.

Tập đoàn LVMH

Chưa đầy 72 giờ sau khi chính phủ Pháp kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ chống dịch, tập đoàn LVMH đã sử dụng xưởng điều chế nước hoa cho Christian Dior, Givenchy và Guerlain để sản xuất nước rửa tay sát khuẩn.

Hiện LVMH tặng đến 12 tấn gel rửa tay cho 39 bệnh viện ở Paris. Thương hiệu cũng đặt 40 triệu khẩu trang từ Trung Quốc để gửi tặng nhân viên y tế Pháp. Trước đó vào tháng 1, "gã khổng lồ" ngành xa xỉ phẩm quyên góp 1,9 triệu bảng Anh cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc khi dịch bùng phát tại nước này. 

Những chai nước rửa tay ra đời trên dây chuyền sản xuất hiện đại của tập đoàn LVMH. Ảnh: LVMH.

Những chai nước rửa tay ra đời trên dây chuyền sản xuất hiện đại của tập đoàn LVMH. Ảnh: LVMH.

Bulgari

Ngoài hỗ trợ mua kính hiển vi 3D cho bệnh viện Spallanzani (Italy), hãng kim hoàn Bulgari tuyên bố hợp tác với nhà sản xuất nước hoa ICR để cung cấp hàng trăm nghìn khối nước rửa tay khử trùng. Các chai dung tích 75 ml, có thể tái chế, được phân phối cho nhiều cơ sở y tế thông qua Hệ thống bảo vệ dân sự Italy (Protezione Civilile).

Ferrari

Hãng xe sang dự kiến biến trụ sở Maranello của mình thành nhà máy lắp ráp máy thở, giúp tăng sản lượng từ 150 đến 500 máy mỗi tuần. Exor - công ty mẹ của Ferrari và Fiat Chrysler đang thảo luận với Siare Engineering (nhà cung cấp máy thở lớn nhất Italy) tham gia vào khâu sản xuất hợp lý nhất.

Prada

Nhà mốt Italy đã tài trợ sáu đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) tại ba bệnh viện lớn nhất Milan gồm: San Raffaele, Sacco và Bệnh viện Nhi đồng Vittore Buzzi. Ngày 18/3, thương hiệu này bắt tay sản xuất 80.000 áo bệnh viện, 110.000 khẩu trang y tế làm bằng vải propylene.

Hugo Boss

Ngày 26/3, Hugo Boss thông báo chuyển cơ sở may mặc tại trụ sở ở Metzingen (Đức) thành nơi sản xuất khẩu trang cotton, có thể giặt và tái sử dụng ít nhất 50 lần. Hãng dự kiến hoàn thành 180.000 chiếc để tặng viện dưỡng lão, sở cứu hỏa và đồn cảnh sát khắp nước Đức.

Những chiếc khẩu trang may từ vải cotton cao cấp đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Hugo Boss.

Những chiếc khẩu trang may từ vải cotton cao cấp đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Hugo Boss.

Burberry

Thương hiệu cam kết sử dụng mạng lưới cung ứng toàn cầu của mình để theo dõi việc cung cấp 100.000 khẩu trang y tế cho NHS - tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Anh. Hãng đang điều phối xưởng may trenchcoat ở Yorkshire để sản xuất đồ bảo hộ y tế và khẩu trang cho bệnh nhân.

Nhà mốt còn tài trợ Đại học Oxford nghiên cứu vaccine, dự kiến thử nghiệm trên người tháng này. Hãng cũng chuyển khoản tiền lớn (không tiết lộ con số cụ thể) đến hai tổ chức từ thiện FareShare và The Felix Project nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm thực phẩm tại một số khu vực của Anh.

Tập đoàn Kering

"Ông lớn" giới thời trang huy động công nhân tại xưởng của Balenciaga và Saint Laurent sản xuất mặt nạ bảo vệ. Hai thương hiệu Bottega Veneta, Gucci - cũng thuộc tập đoàn này - quyên góp hàng triệu Euro hỗ trợ dịch vụ y tế của Pháp. CEO cùng nhà thiết kế nhãn hàng con cũng góp tiền dưới danh nghĩa cá nhân.

Automobili Lamborghini 

Đầu tháng tư, hãng siêu xe những "chú bò vàng" tham gia cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách sản xuất khẩu trang và tấm chắn nhựa bảo vệ tại nhà máy Sant’Agata Bolognese. Mỗi ngày hãng hoàn thành 1.000 khẩu trang, toàn bộ chuyển đến bệnh viện ở thành phố Bologna (Italy).

Giorgio Armani

Tất cả nhà máy ở Italy chuyển sang sản xuất quần áo y tế dùng một lần, sau đó tặng cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nhà thiết kế Giorgio Armani (86 tuổi) cũng quyên góp 2 triệu Eurocho bệnh viện tại Milan, thành phố Bergamo, Piacenza và Versilia ở vùng Tuscany.

Đồ bảo hộ dùng một lần có ý nghĩa lớn với đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Giorgio Armani.

Đồ bảo hộ dùng một lần có ý nghĩa lớn với đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Giorgio Armani.

Turnbull & Asser

Turnbull & Asser có lịch sử lâu đời, từng sản xuất quân trang cho quân đội Anh trong Thế chiến I, là nhà may riêng của cựu thủ tướng Anh - Winston Churchill trong Thế chiến II, hiện cung cấp phục trang cho tổ chức NHS (Anh).

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, cơ sở cắt may áo sơ mi cho Hoàng gia Anh tại thành phố Gloucester đã thuê máy móc, mua vật liệu trong nước để chế tác quần áo bảo hộ y tế. Đợt đầu, hãng sản xuất 4.000 bộ, chủ yếu hỗ trợ nhân viên chủ chốt của NHS và những người chống dịch tuyến đầu dễ bị lây nhiễm. 

Ralph Lauren

Hãng Ralph Lauren góp 10 triệu USD cho quỹ Covid-19 Solidarity Response thuộc WHO, quỹ Emergency Assistance Foundation và quỹ Pink Pony Fund. Thương hiệu cũng gửi khoản tiền lớn cho quỹ CFDA/Vogue Fashion Fund, hỗ trợ các nhà thiết kế thời trang thiệt hại kinh tế vì dịch. Hiện nhà mốt triển khai sản xuất 250.000 khẩu trang và 25.000 áo choàng cách ly cho nhân viên y tế.

Net-A-Porter

Là tập đoàn thương mại điện tử chuyên bán hàng xa xỉ trực tuyến - loại hình kinh doanh được khuyến khích trong thời điểm "giãn cách xã hội", nhưng Net-A-Porter quyết định đóng cửa tạm thời các nhà máy. Nguyên nhân là xe tải giao hàng được tổ chức từ thiện Age UK (London) trưng dụng để vận chuyển gói y tế, thực phẩm cho những người dễ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tuệ Khương (Theo Luxury London)