Các quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ đối phó với dịch COVID-19 mới

07:25 05/01/2021

Các trường hợp biến thể dễ lây lan hơn của Covid-19 được xác định lần đầu tiên ở Anh đã được xác nhận ở một số quốc gia khác, các chuyên gia dịch tễ lo ngại thế giới đang đứng trước nguy cơ đối phó với dịch COVID-19 mới.

Thế giới đang bước vào

Thế giới đang bước vào "trận chiến" chống dịch COVID-19 mới.

 

Mới đây, Ai Cập cho biết hiện tại nước này đang xuất hiện thêm 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau. Theo đó, các triệu chứng mới được các chuyên gia y tế nước này ghi nhận bao gồm tâm trạng bất ổn, mệt mỏi và suy nhược nghiêm trọng cũng như các triệu chứng về hô hấp.

Bên cạnh đó, hiện tượng nhiễm trùng thường không đi kèm với chứng mất ngủ và trên thực tế COVID-19 có nhiều khả năng gây kiệt sức, từ đó làm tăng cơn buồn ngủ của người bệnh. Thậm chí, có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận không có triệu chứng sốt – một dấu hiệu nhận biết thường thấy tại các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Như vậy, tính cho đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã xuất hiện thêm nhiều chủng virus SARS-CoV-2 đột biến được xác nhận. Trước đó, bên cạnh các chủng biến thể mới tại Anh và Nam Phi, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi ngày 24/12 tuyên bố phát hiện thêm một biến thể virus corona mới tại Nigeria.

Lực lượng khoa học chuyên trách Covid-19 của Thụy Sĩ kêu gọi thực hiện các biện pháp bổ sung và tiến hành thử nghiệm rộng rãi sau khi tại nước này ghi nhận những ca nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Thụy Sĩ đã ghi nhận ít nhất 3 trường hợp của biến thể từ Nam Phi và 6 trường hợp biến thể từ Anh. Tính đến ngày 3/1, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 452.296 ca mắc, trong đó có 7.729 ca không qua khỏi.

Đồng thời, biến thể mới của virusi SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh đang gây ra sự lây lan diện rộng khi hàng loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới này.

Các chuyên gia cảnh báo, việc các biến thể virus SARS-COV-2 liên tiếp xuất hiện là "quả bom hẹn giờ” do đặc tính dễ lây hơn chủng gốc. Đặc biệt, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy chủng đột biến này có khả năng kháng vắc xin hay không.

Như phân tích của bác sĩ Muge Cevik - chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học St. Andrews, sự gia tăng khả năng lây truyền giúp chủng virus mới bùng nổ rất nhanh, tương tự như các ca “siêu lây nhiễm” trước đây. Cứ mỗi người nhiễm có thể lây cho rất nhiều người khác theo cấp số nhân, trong khi mức độ nặng/nhẹ của bệnh (tức độc lực của virus) không tăng.

Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh đồng nghĩa với số ca nhiễm cũng sẽ lớn hơn. Điều này sẽ giáng một đòn nặng nề vào hệ thống y tế của các quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc châu Mỹ và châu Âu vốn đang phải oằn mình đối phó với dịch COVID-19.

Trước mắt, các quốc gia đã đồng loạt kích hoạt các biện pháp hạn chế với du khách đến từ Anh. Đối với các công dân trở về từ quốc gia này cũng được cách ly và làm xét nghiệm ngay lập tức để hạn chế sự lây lan của chủng virus mới. Đồng thời việc tiến hành tiêm vắc xin chống COVID-19 cũng được đẩy nhanh hơn. Một số nước như Ai Câp, Malaysia… dự kiến tiêm ngừa vắc xin cho các nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm dân có nguy cơ cao nhiễm virus ngay từ đầu năm.

Trong khi đó, các phương pháp nghiên cứu về chủng virus mới cũng được tiến hành gấp rút. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Mỹ hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng bộ gen được giải trình tự trong hai tuần tới để có thể hiểu rõ hơn về các đột biến mới và tìm ra cách thức ngăn chặn sự lây lan của virus.

TH