Các nước làm gì để “giải cứu” các hãng hàng không trong khỏi cơn khủng hoảng?

00:00 12/10/2020

Với việc nhiều hãng hàng không đang phải đối mặt với viễn cảnh cắt giảm 95-100% hoạt động do lệnh cấm du lịch và lo ngại về virus corona, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã kêu gọi Chính phủ của họ hỗ trợ để duy trì sự tồn tại. Điều này đã được đáp ứng với một loạt các phản hồi, từ các khoản vay lớn, cho đến các gói cứu trợ lớn mà không cần hoàn trả.

Ngành hàng không – một bức tranh xám xịt

Nhà phân tích thị trường cao cấp Nigel Firth của Ask Traders cho biết: “Ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gần như toàn bộ đội tàu bay bỏ không và nhân viên bị sa thải để kiểm soát chi phí trong khi nhu cầu bay dường như là không”.

Số liệu gần đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy nhu cầu hành khách toàn cầu đã giảm 14% trong tháng 2 năm 2020 so với cùng thời điểm năm trước. Mức giảm mạnh nhất ​​kể từ vụ khủng bố 11/9, dự kiến ​​sẽ còn giảm sâu hơn nữa. 

Ảnh minh họa.

Như nhà phân tích Azza Chammem của hãng hàng không Scope giải thích, đây là kết quả của việc hạn chế đi lại nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Bà nói: “Các hãng hàng không đã phải tạm dừng ít nhất 70% đội bay của họ, và trong một số trường hợp là 100%. Các nhà sản xuất máy bay phải đối mặt với tác động kép của sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi viễn cảnh đơn đặt hàng máy bay bị hủy và nhu cầu trong tương lai giảm, điều này tác động trực tiếp đến các nhà cung cấp của họ”.

Việc dừng hoạt động và hủy chuyến bay xảy ra đang khiến các hãng hàng không phải trả giá đắt. Vào tháng 3, EasyJet đã ngừng hoạt động toàn bộ đội bay của mình cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, Delta Air Lines gần đây đã báo lỗ ròng 534 triệu USD trong 03 tháng đầu năm 2020. 

Ảnh minh họa.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến ​​doanh thu sẽ giảm 314 tỷ USD vào năm 2020, tương đương giảm 55% so với năm 2019. Trong khi đó, các sân bay trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Dữ liệu từ Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo ngành sẽ mất khoảng 67 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) thậm chí còn đưa ra dự báo tăm tối hơn: Năm nay sẽ trở thành “năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không”. Ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thua lỗ kỷ lục khoảng100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.

Theo nghiên cứu của IATA, một việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành có liên quan (dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...). Đại dịch COVID-19 và việc hàng không toàn cầu bị ảnh hưởng cũng khiến chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương toàn cầu bị đứt gẫy. Chính vì vậy ở các nước trên thế giới, các gói cứu trợ hàng không đã được đưa ra, không chỉ đảm bảo duy trì các mắt xích trong nền kinh tế được vận hành, mà còn đảm bảo duy trì việc làm cho hàng nghìn việc làm của ngành này cùng các ngành có liên quan.

Tính đến 10/6, số chuyến bay ở châu Âu đã giảm tới 80%.  Các sân bay châu Âu thất thu khoảng 29 tỷ Euro. Hàng không là ngành chịu thiệt hại nhiều nhất từ đại dịch. Mặt khác, trong thời điểm dịch bệnh, các hãng hàng không đều được các chính phủ huy động hồi hương công dân và vận chuyển vật tư y tế. Các chuyến bay hầu như chỉ có khách đi một chiều, chiều ngược lại gần như rỗng không, bay lỗ vốn. Vì vậy, Chính phủ các nước châu Âu nói riêng và ở các nước trên thế giới nói chung ngay lập tức đã có những tác động nhất định.

Cuộc giải cứu ngành hàng không

Đi đầu trong công cuộc này, tại Mỹ, Đạo luật CARES đã sớm được ban hành khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan và ảnh hưởng đến sự vận hành của lĩnh vực vận tải, đặc biệt là ngành hàng không. Đạo luật CARES của Hoa Kỳ là từ viết tắt của Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security.( Gói viện trợ, cứu trợ và an ninh quốc tế Corona). Đạo luật CARES cung cấp hỗ trợ kinh tế nhanh chóng và trực tiếp cho người lao động, gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đồng thời duy trì việc làm cho các ngành công nghiệp Mỹ.

Ảnh minh họa.

Ngoài 10 tỷ USD ngân quỹ được phân bổ để cứu trợ kinh tế cho các sân bay đủ điều kiện của Hoa Kỳ, quỹ CARES bao gồm 29 tỷ đô la tài trợ cho các hãng hàng không để hỗ trợ biên chế. Trong đó, 25 tỷ đô la tài trợ này là dành cho các hãng vận tải hành khách, trong khi 4 tỷ đô la còn lại được dành cho các nhà khai thác hàng hóa.

Hiện tại ở Mỹ, 4 hãng hàng không lớn nước này đã đồng ý các điều khoản của gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD từ Chính phủ, nhằm đối phó với những tác động của COVID-19. Trong đó, American Airlines đã thông báo rằng họ đã được chấp thuận để nhận hỗ trợ tài chính 5,8 tỷ USD từ Đạo luật CARES của Chương trình Hỗ trợ Biên chế (PSP). Các quỹ được nhắm mục tiêu để hỗ trợ tiền lương và phúc lợi của các nhân viên. Có hai hình thức tài trợ hỗ trợ: loại thứ nhất là tài trợ trực tiếp 4,1 tỷ USD và thứ hai là khoản vay lãi suất thấp là 1,7 tỷ USD. Hãng hàng không Delta Air Lines cũng đã được phê duyệt với giá 5,4 tỷ USD được sử dụng để biên chế. Tương tự như American Airlines, 1,6 tỷ USD trong số tiền tài trợ này được chuyển giao dưới dạng một khoản vay lãi suất thấp không thế chấp trong 10 năm. Một hãng hàng không lớn kháclàUnited Airlines cũngxác nhận rằng họ dự kiến ​​sẽ nhận được tổng cộng khoảng 5 tỷ USD từ Chính phủ Liên bang thông qua Chương trình Hỗ trợ Biên chế. Trong gói cứu trợ này, 3,5 tỷ USD sẽ là khoản viện trợ trực tiếp và khoảng 1,5 tỷ USD sẽ là khoản vay lãi suất thấp. Hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng Southwest Airlines nhận đượctổng cộng 3,2 tỷ USD. Khoản tiền này bao gồm hơn 2,3 tỷ USD  hỗ trợ trả lương trực tiếp và khoản vay không có bảo đảm gần 1 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để có thể nhận được khoản vay này cũng đi kèm một số các điều kiện. Theo View from the Wing, các khoản trợ cấp trả lương yêu cầu các hãng hàng không phải tuân thủ hai điều kiện liên quan đến việc bố trí nhân viên là không sa thải nhân viên đến hết ngày 30/9 và không được giảm mức lương của họ. Để có thể tuân thủ quy tắc này, hãng hàng không United Airlines đã chuyển nhân viên của mình từ toàn thời gian sang bán thời gian, nhờ đó giảm chi tiêu cho nhân viên mà không giảm về mặt số lượng. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không của Mỹ đã thuyết phục một bộ phận lớn nhân viên của họ nghỉ việc tạm thời hoặc nghỉ hưu sớm để giảm bớt tình trạng đốt tiền quá nhiều.

Cũng tương tự như ở Mỹ, CCFF - Gói tài trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng của virus Corona của Vương quốc Anh được đánh giá khá tương đương với Đạo luật CARES của Hoa Kỳ. Được thực hiện bởi Ngân hàng Anh và Bộ Tài chính, CCFF là một cơ sở cho vay khẩn cấp để hỗ trợ các tập đoàn lớn nhất ở Anh.

Ảnh minh họa.

Theo Positive Money, gói này cung cấp quyền truy cập đặc quyền vào tiền ngân hàng trung ương mới được tạo ra, cho vay với lãi suất thấp. Tính đến cuối tháng 6, CCFF đã cấp các khoản vay cho 63 công ty với tổng giá trị là 18,596 tỷ bảng Anh. Trong đó, 3,075 tỷ bảng Anh (3,92 tỷ đô la) đã được chuyển vào lĩnh vực “vận chuyển và lưu trữ”, theo đó các hãng hàng không sẽ được nhận mức vay như sau: Hãng hàng không EasyJet sẽ nhận được 600 triệu bảng Anh tương đương 765,5 triệu đô la; Ryanair nhận được 600 triệu bảng tương đương với 765,5 triệu đô la, British Airways(thông qua IAG) nhận 300 triệu bảng Anhm (383 triệu đô la) và Wizz Airvới 300 triệu bảng Anh (383 triệu đô la). Và tất nhiên đây đều là những khoản vay phải hoàn trả.

Tại Đức, Chính phủ nước này mới đây đã mua cổ phần của hãng hàng không  Lufthansa như một phần của gói giải cứu trị giá 9 tỷ euro (9,77 tỷ USD). Theo đó, Lufthansan phải chấp nhận thỏa thuận để chính phủ Đức nắm giữ 20% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất. Lufthansan Group cũng sẽ phải nhường lại một số quyền khai thác tại các sân bay trọng điểm của hãng như Munich và Frankfurt.

Cũng giống như Lufthansa, để hãng hàng không Air France- KLM có thể nhận được gói cứu trợ trị giá 10,4 tỷ EUR từ chính phủ Pháp và chính phủ Hà Lan, dưới hình thức gói vay trực tiếp và bảo lãnh vay, KLM phải giảm số lượng chuyến bay đêm từ trung tâm chính của đất nước tại Schiphol và lượng khí thải CO2 của xuống 50% vào năm 2030. Air France sẽ phải cắt các chuyến bay ngắn để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt, cũng như đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 còn 50% vào năm 2024. Như vậy, khi đưa ra gói cứu trợ này, chính phủ Pháp sẽ có thể phần nào đó cân bằng lợi ích giữa ngành hàng không và ngành đường sắt, cũng như buộc hãng hàng không Quốc gia phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến trách nhiệm với môi trường.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng đã đề xuất cho các hãng hàng không được chậm thuế 2 năm và ngay lập tức, Ủy ban châu Âu đã đồng ý. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính cho toàn bộ ngành vận tải, đặc biệt là các hãng hàng không. Với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên sẽ tìm giải pháp cứu các công ty lớn trong lĩnh vực vận tải khỏi bị phá sản” - Ông Oleg Butkovic - Đại diện Croatia, Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu cho biết.

Chính phủ Italia lại lựa chọn một giải pháp khác để đảm bảo hoạt động hàng không. Đầu tháng 3, Italia phát hiện ca nhiễm virus coronavirus và lây lan rộng rãi, quốc gia này đã thiết lập tình trạng kiểm dịch nghiêm ngặt khiến doanh thu hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Đối mặt với viễn cảnh phá sản, Chính phủ Ý đã quyết định nắm toàn quyền sở hữu hãng hàng không này thông qua khoản đầu tư 650 triệu USD có hiệu lực vào tháng Sáu.

Nhà phân tích Azza Chammem nói: “Theo quan điểm, khi một hãng hàng không gặp khó khăn lâu dài như Alitalia, quốc hữu hóa có thể là kịch bản tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ về khả năng hoạt động lâu dài của hãng hàng không. Ở châu Âu, các Chính phủ từ lâu đã tìm cách giảm thiểu sự tiếp xúc của họ với một ngành công nghiệp mang tính chu kỳ và cạnh tranh như vậy. Chính phủ sẽ ưu tiên quy định cho tư nhân quyền sở hữu hãng hàng không và sân bay, giải phóng quỹ đầu tư và chi tiêu Chính phủ ở những nơi khác”.

Veronique de Rugy, thành viên nghiên cứu cấp cao từ tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason tin rằng, việc quốc hữu hóa các hãng vận tải có thể gây hại nhiều hơn là có lợi: “Chính việc tư nhân hóa và bãi bỏ quy định của ngành hàng không đã dẫn đến sự bùng nổ về du lịch”, cô nói, “giúp tất cả mọi người có thể tiếp cận và mang lại dịch vụ tốt hơn, giá thấp hơn, chất lượng cao hơn, an toàn hơn ”.

Ở tầm vĩ mô hơn, Ủy ban châu Âu quyết định cho phép chính phủ các nước châu Âu rót tiền trợ cấp trực tiếp cho các hãng hàng không, cho chậm thuế hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh vay, cho vay ưu đãi và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Theo ước tính, trong năm nay, ngành vận tải hàng không châu Âu sẽ mất 44% doanh thu. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, chưa biết khi nào hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không và sân bay quốc tế mới trở lại bình thường.

Bước đi của các nước châu Á

Tại Singapore, hãng hàng không Singapore Airlines đang huy động được khoảng 6,3 tỷ USD thông qua việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Hãng này cũng đã cắt giảm 30% lương của đội ngũ quản lý từ ngày 01/04/2020 và đang đàm phán với các nhà sản xuất máy bay để điều chỉnh lịch giao hàng và thanh toán.

Ảnh minh họa.

Nhà đầu tư Singapore Temasek Holdings và những người khác sẽ bơm tới 13,27 tỷ USD vào Singapore Airlines (SIA) trong chiến dịch giải cứu hàng không lớn nhất thế giới đối với một hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. SIA cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn từ các vấn đề về quyền để tăng cường nhu cầu vốn và chi phí hoạt động

Ở Thái Lan, tháng 5 vừa qua, Hãng hàng không Quốc gia Thái Lan được Chính phủ cho phép tái cơ cấu để tránh nguy cơ phá sản vì món nợ trị giá 200 tỷ baht (khoảng 6,4 tỷ USD), trong số đó có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức. 

Theo Bloomberg, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn đề xuất tái cơ cấu hãng hàng không Thai Airways International dưới sự giám sát của Tòa án Phá sản Trung ương. Như vậy, hãng hàng không quốc gia Thái Lan sẽ tránh được nguy cơ phá sản. Bộ Tài chính nước này đã bán hết 3,17% cổ phần cho quỹ Vayupak 1, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của Thai Airways từ 51% xuống 48% và khiến hãng mất tư cách doanh nghiệp Nhà nước.

Tại HongKong, mới đây, Cathay Pacific xác nhận chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ thực hiện kế hoạch tái cấp vốn trị giá 5 tỷ USD để giúp hãng vượt qua khủng hoảng do COVID-19. Các biện pháp được chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện bao gồm: Phát hành cổ phần ưu đãi, cấp các khoản vay bắc cầu và bổ nhiệm 02 quan sát viên vào Hội đồng quản trị của Cathay Pacific. Đây được coi là sự trợ giúp vô cùng cần thiết trong bối cảnh lượng hành khách của Cathay Pacific sụt giảm mạnh và hầu hết máy bay phải ngừng hoạt động do đại dịch.

Cathay Pacific cho biết hãng cũng có kế hoạch tiếp tục cắt giảm lương của các quản lý và triển khai sáng kiến tự nguyện nghỉ việc không lương lần thứ hai đối với nhân viên. Trước đại dịch, Cathay Pacific là một trong những hàng hàng không quốc tế lớn nhất của châu Á và lớn thứ năm về vận tải hàng hóa trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã khiến lượng hành khách giảm mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ HongKong cũng sẽ mua 500.000 vé máy bay trực tiếp từ các hãng hàng không của thành phố. Đây là động thái góp phần kích cầu trị giá hàng tỷ đô la Hồng Kông cho lĩnh vực hàng không đang bị tê liệt.

Lựa chọn nào giải cứu nào hiệu quả nhất?

Nhà phân tích thị trường cao cấp Nigel Firth của Ask Traders nói rằng lựa chọn cứu trợ tốt nhất sẽ phụ thuộc vào thời điểm lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ. Trong ngắn hạn, gói hỗ trợ lý tưởng sẽ phải bao gồm “hoãn thuế, giảm chi phí quản lý và tập trung vào việc bảo vệ người lao động”, mặc dù các biện pháp nên được xem xét lại là việc dừng hoạt động đi lại sẽ được gia hạn trong những tháng tới.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, như nhà phân tích Azza Chammem của hãng hàng không Scope lập luận rằng hình thức hỗ trợ chính của Chính phủ nên có “các kế hoạch làm việc ngắn hạn và các chính sách tương tự để hỗ trợ tiền lương và tiền công của nhân viên hàng không duy trì việc làm”. Bà cho biết thêm rằng mặc dù nhiều hãng hàng không bước vào cuộc khủng hoảng với “bảng cân đối kế toán đã đầy áp lực” nhưng cũng có thể có phạm vi giải phóng các khoản đảm bảo nợ. Chỉ cần tăng đòn bẩy hoặc liên quan đến các điều kiện như đảm bảo việc làm hoặc làm giảm tính độc lập của hãng hàng không. Nếu một gói cứu trợ được chọn, điều này phải tuân theo các điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm việc cấm “mua lại cổ phiếu và chia cổ tức trong ít nhất một năm sau khi các khoản vay đã được hoàn trả, như Hoa Kỳ đang xem xét”.

Ly Ly – Ngọc Thái