Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản giảm vốn để trở thành “doanh nghiệp nhỏ và vừa”

09:24 10/03/2021

Theo tin tức từ trang Nikkei, Nhật Bản đã xuất hiện trường hợp các công ty lớn giảm vốn đăng ký và chuyển sang hình thức doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lý do dẫn đến hiện tượng này là do các doanh nghiệp hy vọng giảm thiểu được gánh nặng thuế trước mắt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tại Nhật Bản, nếu vốn đăng ký của công ty dưới 100 triệu Yên thì sẽ được xếp vào danh sách doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hệ thống thuế, đồng thời sẽ được hưởng thuế suất nộp thuế doanh nghiệp thấp và không thuộc quyền sở hữu của pháp nhân kể cả có thua lỗ. Báo cáo chỉ ra rằng trong những năm gần đây, xu hướng các công ty lớn của xứ sở Hoa Anh Đào giảm quy mô bằng cách giảm vốn đăng ký đã gây chú ý trên diện rộng. Thống kê của Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản cho thấy, vào năm 2011 cả nước có khoảng 33.000 công ty với số vốn đăng ký từ 100 triệu yên trở lên nhưng đến năm 2018, con số này giảm xuống đáng kể chỉ còn 30.000 doanh nghiệp. Cũng theo đó, công ty Nhật Bản Ojo và một số khác đã giảm vốn đăng ký từ 8,6 tỷ Yên xuống 100 triệu Yên vào tháng 8 năm 2020. Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hoạt động của các cơ sở kinh doanh tại nước này liên tục xuống dốc và nhiều trường hợp cho thấy từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2020 đã có công ty lỗ 1,7 tỷ Yên.

Kể từ đầu năm 2021, các chuỗi nhà hàng Izakaya Chimney hay những công ty du lịch như JTB, ANA Sales... đã liên tiếp thông báo giảm số vốn đăng kí xuống dưới 100 triệu Yên. Không chỉ ngành nhà hàng và du lịch áp dụng phương thức giảm vốn này mà xu hướng còn lan rộng tới các ngành khác ví dụ như vốn đăng ký của JOLED được hình thành từ việc hợp nhất mảng kinh doanh OLED của Panasonic và Sony, đã giảm từ 87,7 tỷ Yên xuống còn 100 triệu Yên. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Nhìn vào mặt tích cực, giảm vốn là một phần của chính sách vốn pháp định, là biện pháp hợp lý nhằm ngăn chặn thoát vốn. Ngoài việc dành một phần vốn đăng ký để bù lỗ, các công ty còn có thể xoay dòng vốn đầu tư vào những hạng mục khác ít ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh chưa lắng xuống, việc giảm vốn cũng có thể được coi là một động thái “bất lực” để đối phó với khủng hoảng. Thế nhưng cũng có những nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng trong khoảng thời gian trung và dài hạn tới đây, biện pháp giảm vốn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Theo báo cáo, Viện Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản điều tra tình hình thay đổi về tài sản, thu nhập hoạt động và số lượng nhân viên của các công ty trước và sau giảm vốn và thu được kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của các công ty này kém hơn so với các công ty không giảm vốn.

Tuy nhiên việc phân chia gánh nặng thuế nhờ giảm vốn đăng ký mà không tính đến khả năng sinh lời và các vấn đề khác đã trở thành kẽ hở của nền kinh tế. Nếu số lượng "các DNVVN khổng lồ" vẫn tiếp tục gia tăng, điều này có thể làm biến dạng kinh tế và xã hội sâu sắc.

TL