Các doanh nghiệp cần có thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy cho quá trình hồi phục

13:53 12/12/2021

Mặc dù Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực, thích ứng trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đổi mới cơ cấu, mô hình sản xuất, kinh doanh, quay trở lại hoạt động mạnh mẽ hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn cần có thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy cho quá trình hồi phục này được nhanh hơn, bền vững hơn.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Đại dịch COVID-19 thực sự là cuộc "sàng lọc đau đớn" đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để sớm phục hồi nền kinh tế, nhưng thời gian tới, Nhà nước vẫn cần tiếp tục có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh, sớm phát triển sản xuất.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, do yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô và khả năng của ngân sách Nhà nước, nên các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa tiền tệ mặc dù rất quan trọng nhưng cũng chỉ là hữu hạn so với khả năng hấp thu của nền kinh tế. Do đó, gói hỗ trợ quan trọng nhất cho cộng đồng doanh nghiệp lúc này chính là cải cách thể chế, cắt giảm mạnh mẽ về thủ tục hành chính.

 Các doanh nghiệp cần có thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy cho quá trình hồi phục.


Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: Hiện nay Quốc hội đã quyết định xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương, vậy đề nghị Quốc hội cũng sẽ có những cơ chế đặc thù về cải cách hành chính cho giai đoạn phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, cho phép Chính phủ "ứng xử" linh hoạt, được triển khai những biện pháp không có trong tiền lệ để có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tích hợp các thủ tục.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các doanh nghiệp quy mô nhỏ, dưới 100 lao động quan tâm nhiều đến các chính sách về khoa học công nghệ làm sao để họ có thể đổi mới mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại mong muốn các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ liên quan đến cung cấp lao động, tạo điều kiện về chính sách để họ tiếp cận thị trường nguồn nguyên liệu cũng như tiêu thụ hàng hóa tốt hơn trong thời gian tới.

Về phía các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp này rất lạc quan với dự báo tình hình năm 2022, tin tưởng vào sự linh hoạt điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam; đồng thời tin tưởng trong vòng 5 năm tới, nguồn tài nguyên, nguồn lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long đủ khả năng đáp ứng trình độ công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại khu vực này. Đại diện nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ mong muốn và cho rằng quan trọng nhất là cần đẩy mạnh thực hiện số hóa hoá liên quan đến các thủ tục hành chính, bà Hương chia sẻ.

Góp ý về giải pháp đối với từng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc cần thiết hỗ trợ, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian tới đại dịch có thể qua đi những vẫn còn những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong môi trường biến đổi, không có gì là cố định. Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần có mô hình quản trị, mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu, có khả năng quản trị rủi ro, có khả năng phòng ngừa và xử lý tốt các tranh chấp.

P.V