Các chuyên gia Việt Nam toàn cầu ủng hộ chiến lược tiêm chủng vaccine của Việt Nam

14:10 20/07/2021

AVSE Global - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, có trụ sở tại Paris, Pháp vừa tổ chức một hội thảo trực tuyến về đại dịch COVID-19. Nhiều ý kiến tại hội thảo đánh giá cao những giải pháp chống dịch tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong đó, đặc biệt nhiều ý kiến ủng hộ chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam.

 

Các chuyên gia ủng hộ chiến lược tiêm chủng vaccine của Việt Nam-1

Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo GS TS BS Đinh Xuân Anh Tuấn - thành viên Taskforce Hội chứng COVID mãn tính của Liên minh châu Âu: "Chúng ta chỉ có hai phương cách để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID. Thứ nhất là giãn cách xã hội và cách ly cho mỗi cá nhân hay phong tỏa cho một tập thể nếu cần. Thứ nhì là tiêm ngừa vaccine. Trong giai đoạn đầu của dịch COVID, biện pháp thứ nhất có thể đủ nhưng bước qua giai đoạn thứ nhì có nghĩa là giai đoạn hiện tại, ta cần phải làm cả hai. Vì thế nên có đủ số lượng vaccine là điều cực kỳ cần thiết và khẩn cấp. Trong chiều hướng này, chúng tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để giải quyết vấn đề khó khăn này. Việc phân định ưu tiên cho ai sẽ được tiêm vaccine trước là vấn đề cực kỳ quan trọng vào thời điểm này để tránh việc làm quá tải các bệnh viện Trung ương và các đơn vị chuyên môn sâu về hô hấp, về hồi sức".

"Đứng trên góc độ chuyên môn, các chuyên gia và nhà khoa học của AVSE Global đánh giá rất cao nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc mang về vaccine để tiêm cho người dân" - ThS. Nghiên cứu sinh Y tế công cộng Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ nói.

"Tiêm vaccine COVID cho người cao tuổi và người có bệnh nền là khá an toàn. Các phản ứng phụ, kể cả sốc phản vệ ở nhóm này không nhiều hơn so với các nhóm khác như người trẻ tuổi hay không có bệnh nền. Vì vậy, chúng ta, người dân cũng như các nhân viên y tế không nên e ngại khi tiêm vaccine cho người cao tuổi và người có bệnh nền" - TS. Bác sĩ Nguyễn Nhất Linh - chuyên gia dịch tễ tại WHO tại Thụy Sĩ cho hay.

Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.

Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược vaccine tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân. Để thực hiện được việc đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Sự ra đời của Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. 

Mục tiêu của Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine.

PV