Các chủ doanh nghiệp có cần quản trị bản thân?

00:00 12/10/2020

Đặt niềm tin một cách gần như mù quáng vào con người, thứ mà không nhiều doanh chủ tại Việt Nam dám làm.

Nhiều quy tắc quản trị quý giá nhất là trong việc phát triển lãnh đạo và đội ngũ được đúc kết lại trong 2 cuốn sách "Work Rules – Quy tắc của Google" và "Lãnh đạo giỏi hỏi câu hỏi hay" vừa được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP. HCM (CSED) giới thiệu trong Ngày sách doanh nhân cuối tuần qua tại TP. HCM.

 Ông Trần Xuân Hải – CEO Công ty Missionizer

Mạnh dạn đặt niềm tin vào con người

Với ông Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missionizer, “Work Rules – Quy tắc của Google” là một trong những quyển sách giúp ích cho ông khá nhiều trong việc tuyển dụng và giữ nhân tài. Mặc dù nó chỉ dày 430 trang, song ông đã phải dành tới 2 tháng để đọc chúng do thường xuyên phải suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ.

Điều mà ông Hải ấn tượng nhất sau khi đọc hết cuốn sách này chính là cách Google tuyển dụng nhân sự: Đặt niềm tin một cách gần như mù quáng vào con người, thứ mà không nhiều doanh chủ tại Việt Nam dám làm.

Tại Google, nhân viên được phép chạm vào mã nguồn (source code) của doanh nghiệp này ngay trong vài ngày đầu tiên đi làm. Vì sao họ lại tự tin như thế? Đầu tiên, Google làm công việc tuyển dụng rất kỹ càng, họ có hệ thống lọc "sâu mọt" cũng như hệ thống bảo vệ bản thân. Ví dụ: nếu nhân viên nào dám "phản bội" mang mã nguồn ra bên ngoài, họ sẽ bị hệ thống luật và quy chế của Google "chém 800 khúc"!

Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu cả hai thứ đó: chúng ta vừa tuyển dụng ẩu lại có hệ thống bảo vệ không đáng tin. Thế nên, các doanh nghiệp Việt thường "đẻ" ra thêm người để giám sát và ông Hải gọi bộ phận này là "hệ thống cảnh sát trong doanh nghiệp" – mô hình khiến công ty tốn thêm thời gian, nhân lực, chi phí không cần thiết.

Một trong những sai lầm phổ biến khi tuyển nhân sự tại Việt Nam là không kiên định với mục tiêu ban đầu, CEO Missionizer phân tích.

Một cuộc phỏng vấn tuyển dụng thường kéo dài từ 30 - 60 phút, nhưng ngay từ trong 5 phút đầu tiên, người tuyển dụng đã quyết định tuyển hay không tuyển ứng viên đó và nếu tuyển, những phút còn lại họ dùng để chứng minh quyết định của mình là đúng, mà quên mất những tiêu chuẩn mình đưa ra cho ứng viên trước khi tiến hành phỏng vấn. Kết quả của kiểu phỏng vấn cảm tính này thường là phải tuyển lại người khác.

Rõ ràng, không phải con người không đáng tin mà tại hệ thống tuyển dụng nhân sự của chúng ta kém. Khi một người thân tín của chúng ta ôm bí quyết kinh doanh gia nhập công ty đối thủ hoặc mở công ty riêng, thì đầu tiên lỗi thuộc về chúng ta khi không nhìn người chuẩn và có đủ hệ thống bảo vệ bản thân”, ông Hải kết luận.

Tự hỏi mình những câu hỏi đúng

Chiếm tới 2/3 nội dung cuốn sách “Lãnh đạo giỏi hỏi câu hỏi hay” dành cho quản lý cấp trung muốn trở thành lãnh đạo giỏi: không dạy họ cách đi hỏi cấp dưới mà là tự hỏi bản thân. Vậy muốn trở thành một nhà quản lý/lãnh đạo giỏi, chúng ta nên đặt cho mình những câu hỏi hay nào?

Theo bà Nông Vương Phi – Nhà sáng lập kiêm CEO của Phi&P, sẽ có rất nhiều câu hỏi mà các doanh chủ cần đặt ra và tìm câu trả lời như: Tôi có đang đầu tư vào bản thân mình? Tôi nên đến đâu chơi, kết bạn/học/ăn trưa với ai? Tôi có thực sự quan tâm đến người khác? Tôi có vững vàng với vai trò của một nhà lãnh đạo? Tôi có đang tạo ra giá trị cho tổ chức của mình không? Tôi có đang trong vùng thế mạnh của mình hay không? Tôi có quan tâm đến ngày hôm nay và ngày mai hay không?...

Bà Nông Vương Phi – Nhà sáng lập kiêm CEO của Phi&P

Mọi chuyện với mỗi người bình thường đã là không dễ dàng, với các doanh chủ thì lại càng phức tạp hơn nhiều lần, do đó, thông qua những câu hỏi tự vấn sẽ là cách giúp chúng ta khiến bản thân tốt hơn.

Tuy nhiên, phát triển bản thân có thể đảm bảo bạn trở thành quản lý tốt chứ chưa chắc có thể trở thành lãnh đạo tốt. Muốn trở thành lãnh đạo giỏi, phải đào sâu khả năng lãnh đạo của bản thân bằng những câu hỏi đúng, ví dụ: tôi phải làm gì để dẫn dắt bản thân thành công? Làm lãnh đạo nghĩa là làm gì? Tôi phải làm gì khi lãnh đạo người khác?…

Lãnh đạo có nghĩa là sự ảnh hưởng, là khả năng thuyết phục người khác theo sự dẫn dắt của mình. Sẽ có hai kiểu người sẽ đi theo chúng ta: người trung tín và người đi theo. Người trung tín sẽ trung thành ngay cả khi chúng ta gặp khó khăn, còn người đi theo không thế, do đó, cần phải biết đầu tư đúng người.

Làm lãnh đạo là phải làm gương, chỉ khi chúng ta đủ tốt mới có người đi theo. Một nhà lãnh đạo vừa có thể dẫn dắt vừa có thể phục vụ cùng một lúc, các nhà lãnh đạo giỏi thường là những người phục vụ tốt. Làm lãnh đạo không phải để nắm quyền lực mà là trách nhiệm và đặc ân”, bà Phi nhấn mạnh.

Theo Theleader