Các CEO BigTech thừa nhận sai lầm quản lý, nhưng nạn nhân lại là hàng nghìn nhân viên

10:05 09/02/2023

Bốn hãng công nghệ lớn là Amazon, Meta, Alphabet và Microsoft cho biết phải bỏ ra tổng cộng 10 tỷ USD cho việc sa thải hàng loạt và cắt giảm chi tiêu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Lý do nào dẫn đến quyết định sa thải 

Các Giám đốc điều hành tại những công ty như Amazon, Microsoft, Salesforce và Meta đã đặt công ty của họ vào thế khó, đầu tư vào các dự án kinh doanh thua lỗ cũng như thực hiện hàng loạt các hướng đi sai lầm. Giờ đây, các nhân viên công nghệ đang phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định này.

Ngày 20/1, Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, cho biết họ phải sa thải nhân viên sau khi "xem xét nghiêm ngặt" cấu trúc và tổ chức nội bộ. Trong thời gian ông nắm quyền điều hành, Google cũng đã bị phạt hàng tỷ USD liên quan đến chống độc quyền, bị ChatGPT của OpenAI nhanh chân hơn trong việc thu hút người dùng.

Pichai, người kiếm được hơn 280 triệu USD trong năm 2019, nói sẽ "chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định". Ông nhắc đến việc các giám đốc cấp cao, trong đó có ông, sẽ bị cắt một phần khoản thưởng, sau đợt sa thải.

Tuy nhiên, theo Ed Zitron, CEO công ty quan hệ công chúng về kinh doanh và công nghệ đa quốc gia EZPR, "phần lớn nỗi đau từ những bước đi lầm lỡ của Pichai đổ thẳng lên vai 12.000 người bị cho thôi việc". Những nhân viên bị ảnh hưởng cũng chỉ nhận được thông tin qua email, kể cả những người có thành tích cao hoặc làm việc lâu năm.

“Pichai và các CEO công nghệ khác đáng lẽ không nên kiếm được 280 triệu USD, hay thậm chí một triệu USD một năm. Họ nên bị sa thải vì trình độ quản lý kém cỏi”, ông Zitron nhận xét.

, Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, cho biết họ phải sa thải nhân viên sau khi
Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, cho biết họ phải sa thải nhân viên sau khi "xem xét nghiêm ngặt" cấu trúc và tổ chức nội bộ.

Trong các thông báo sa thải, hầu hết công ty công nghệ đều đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế. Tại Amazon, việc cắt giảm nhân sự được cho là cần thiết vì "những khó khăn trong chuỗi cung ứng, lạm phát và năng suất lao động”.

Giám đốc điều hành Salesforce, ông Marc Benioff, đã lấy "suy thoái kinh tế” làm lý do khiến công ty phải cắt giảm 10% số lượng nhân viên. Workday cũng đã sa thải 3% nhân viên với lý do "môi trường kinh tế toàn cầu đang thách thức các công ty thuộc mọi quy mô".

Nhưng ông Zitron cho rằng trong nhiều trường hợp, nguồn gốc thực sự của những đợt sa thải hàng loạt này bắt nguồn từ quyết định thiếu suy nghĩ của các giám đốc điều hành.

Đơn cử là CEO Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg. Vị này đã đầu tư hàng tỷ USD vào dự án Metaverse, dẫn đến việc phải cắt giảm 11.000 việc làm tại công ty, hay Tobi Lutke tại Shopify, người đã sa thải 1.000 sau khi sự đặt cược vào tương lai của thương mại điện tử.

Hồi tháng 11 năm ngoái, khi cắt giảm 11.000 nhân viên, CEO Meta Mark Zuckerberg thừa nhận đã tính toán sai khi thương mại điện tử không tiếp tục tăng trưởng mà quay về mốc trước đại dịch.

"Tôi đã sai, và tôi xin chịu trách nhiệm về điều đó", ông nói.

Zitron nhận định trên Business Insider rằng kiểu nhận trách nhiệm này đang lan tràn khắp Thung lũng Silicon. CEO tại các công ty công nghệ đặt công ty của họ vào một lộ trình không bền vững, đầu tư hàng loạt dự án kinh doanh mới, tuyển dụng ồ ạt và kỳ vọng về sự bùng nổ công nghệ. Khi kỳ vọng đó bị phá vỡ, nhân viên phải chịu hậu quả.

"Bất kỳ giám đốc điều hành nào tham gia vào việc ra quyết định dẫn đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người mất việc nên là người rời vị trí", Zitron nêu quan điểm.

Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu này vẫn đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ, khiến việc những CEO lấy lý do khủng hoảng kinh tế nhằm sa thải nhân viên là không thuyết phục.

Cụ thể, lợi nhuận của Microsoft đã giảm 12% trong quý cuối cùng của năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng hãng vẫn thu về con số khổng lồ 16,4 tỷ USD. Lợi nhuận của Amazon cũng giảm 2,8 tỷ USD trong quý gần đây nhất.

Con số này tuy thấp hơn đỉnh điểm hoạt động mua sắm trực tuyến trong đại dịch, nó phù hợp với mức lợi nhuận trung bình trong lịch sử của Amazon. Tuy vậy, công ty vẫn sa thải hơn 18.000 nhân viên.

Lợi nhuận của Amazon cũng giảm 2,8 tỷ USD trong quý gần đây nhất.
Lợi nhuận của Amazon cũng giảm 2,8 tỷ USD trong quý gần đây nhất.

Hậu quả của việc sa thải ồ ạt

Dường như khi lợi nhuận của một công ty giảm đi, trách nhiệm này không hề rơi vào vai các Giám đốc điều hành mà bị đổ trực tiếp lên đầu những người lao động. 

Mặc dù việc sa thải nhân viên có thể bảo vệ danh tiếng của các Giám đốc điều hành và xoa dịu các nhà đầu tư, điều này lại gây tổn hại rất lớn cho người lao động. Những người lao động mất việc phải đối mặt với những tổn hại lâu dài về cả vật chất, sức khỏe và tinh thần.

Bốn hãng công nghệ lớn là Amazon, Meta, Alphabet và Microsoft cho biết phải bỏ ra tổng cộng 10 tỷ USD cho việc sa thải hàng loạt và cắt giảm chi tiêu. Meta nói đã chi 4,6 tỷ USD cho tái cấu trúc, trong đó phí đền bù thôi việc là 975 triệu USD. Đại diện Amazon cho hay công ty chi 640 triệu USD cho quá trình giảm 18.000 người. Mức đền bù cho nhân viên ở Google có thể là từ 1,9 tỷ đến 2,3 tỷ USD, còn Microsoft là 1,2 tỷ USD cho đợt sa thải lớn nhất với 10.000 người.

Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Stanford tháng 12/2022, việc cắt giảm nhân sự gây tác động tiêu cực tới năng suất, ngăn cản sự đổi mới và có thể dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận của một doanh nghiệp trong dài hạn. Sa thải khiến cuộc sống của những người ở lại cũng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi nhiều công ty cắt giảm phúc lợi.

Bốn hãng công nghệ lớn là Amazon, Meta, Alphabet và Microsoft cho biết phải bỏ ra tổng cộng 10 tỷ USD cho việc sa thải hàng loạt và cắt giảm chi tiêu
Bốn hãng công nghệ lớn là Amazon, Meta, Alphabet và Microsoft cho biết phải bỏ ra tổng cộng 10 tỷ USD cho việc sa thải hàng loạt và cắt giảm chi tiêu.

Nhân viên công nghệ Mỹ sẽ đi đâu

Chị Alberta Devor - kỹ sư phần mềm tại Google cho biết: "Rất nhiều đồng nghiệp của tôi không thể ngờ là có ngày hôm nay vì Google là một tập đoàn rất lớn với nhiều tiền. Những người bị sa thải cảm thấy họ bị phản bội. Chúng tôi cũng không biết tương lai sẽ như thế nào nữa". 

Vậy có điểm sáng nào trong bức tranh có phần ảm đạm trên? Theo một khảo sát của ZipRecruiter, khoảng 80% những người bị sa thải có thể tìm được công việc mới ngay trong vòng 3 tháng vì thị trường lao động của giới công nghệ vẫn rất màu mỡ.

Các công ty nhỏ và vừa ở thung lũng Silicon vẫn có thể tuyển dụng được những người vừa bị sa thải bởi các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là làn gió mới người ta kỳ vọng ở giới công nghệ năm 2023. Các tập đoàn từng được coi là những người khổng lồ, rồi cũng có lúc người khổng lồ vấp ngã. Thay vào đó, những lao động công nghệ bắt đầu bày tỏ sự hứng thú với những công ty nhỏ hơn và họ cũng thay đổi bán kính tìm việc của mình.

Làn sóng sa thải tại những gã khổng lồ công nghệ Mỹ mang lại cơ hội vàng cho các công ty khởi nghiệp (startup) cũng như các doanh nghiệp khác mong muốn thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Số lượng việc làm bị cắt giảm trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Mỹ trong năm 2022 đã tăng 13 lần so với năm trước đó nhưng nhu cầu các kỹ sư lành nghề vẫn rất cao, rất ít người trong diện bị sa thải gặp trở ngại khi tìm việc làm mới. 

Khi người lao động chuyển từ những gã khổng lồ công nghệ sang các công ty khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp phi công nghệ, kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin của họ thường giúp chủ sử dụng lao động mới cạnh tranh tốt hơn với các công ty đã khẳng định tên tuổi, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành. 

Hà Vy