Cà Mau: Những bước đi thận trọng và thành quả sau 10 năm thực hiện "Cải cách hành chính"

23:01 12/11/2021

Qua 10 năm thực hiện Cải cách hành chính (CCHC), tỉnh Cà Mau đã đạt được những thành tựu đổi mới, tạo thành chuỗi hoạt động năng động, sáng tạo, khích lệ tiến đến thúc đẩy, nhân rộng sáng kiến mới ...

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Quốc Việt - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. 

Cà Mau đã đạt những kết quả nổi bật

Từ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh, đồng thời cụ thể hoá thành kế hoạch của từng giai đoạn và kế hoạch năm.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, kết nối liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã rút ngắn và đơn giản hoá nhiều thủ tục, thời gian cho Nhân dân và doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, kết nối liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã rút ngắn và đơn giản hoá nhiều thủ tục, thời gian cho Nhân dân và doanh nghiệp. Ảnh: Cà Mau online.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm từng giai đoạn. Với sự quan tâm, chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong cải cách. Ðiển hình ở 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính.

Giai đoạn 2011-2020, có trên 100 văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; 1.780 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới. Mặt khác, công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện thường xuyên, kết quả có trên 1.000 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.

Ðể hạn chế việc đi lại, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập và đưa Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2017, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cho 23 đơn vị cấp tỉnh (trong đó có 3 đơn vị ngành dọc) với trên 1.700 thủ tục.

Trung tâm Giải quyết thủ tục Hành chính công tỉnh Cà Mau. Ảnh: Internet
Trung tâm Giải quyết thủ tục Hành chính công tỉnh Cà Mau. Ảnh: Internet.

Không chỉ thế, Cà Mau mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến mới trong giải quyết TTHC như triển khai ứng dụng Zalo; thực hiện thí điểm việc tiếp nhận TTHC phi địa giới đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng và đăng ký kinh doanh (nghĩa là không phân biệt địa bàn, địa giới hành chính, bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào ở tỉnh muốn giải quyết TTHC tại nơi gần nhất, thuận tiện nhất đều có thể được tiếp nhận); thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC... Kết quả, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các đơn vị cấp tỉnh trung bình đạt 96,95%; cấp huyện đạt 93,09%; cấp xã đạt 98,61%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC đạt 90%.

Thời gian qua, tỉnh sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết thúc năm 2020, tỉnh có 101 phòng và 11 tổ chức hành chính trực thuộc sở và tương đương (giảm 20 phòng và 7 tổ chức hành chính so với năm 2011); 624 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 62 đơn vị so với năm 2011); tinh giản biên chế 1.423 công chức, viên chức.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã được nâng lên rõ nét. Tính đến ngày 31/12/2020, số lượng công chức bố trí đúng đề án vị trí việc làm đạt 95,72%, viên chức đạt 98,18%; đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn theo quy định 99,69%; cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100%.

Cà Mau mạnh dạn thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế được tỉnh triển khai thực hiện ở tất cả các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công theo quy định. Toàn tỉnh có 4 đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư (tăng 4 đơn vị so với năm 2011); 30 đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên (tăng 4 đơn vị so với năm 2011).

Ðặc biệt, Cà Mau đã ban hành và triển khai thực hiện Ðề án thí điểm xe ô-tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh, qua đó đã tập trung xe ô-tô và lái xe của các sở, ban, ngành tỉnh về Trung tâm Dịch vụ tài chính công, trực thuộc Sở Tài chính. Sau thời gian triển khai thực hiện, bước đầu giảm được chi phí, diện tích xây dựng nơi quản lý xe, khai thác tối đa công suất của xe, góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng tài sản công.

Mặt khác, 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh có hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao. Ðồng thời, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động.

Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, kết nối liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho trên 1.200 thủ tục. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong năm 2020, Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số vấn đề hạn chế cần nhìn nhận

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi và thành quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - ông Huỳnh Quốc Việt cũng cho biết một số vấn đề hạn chế cần nhìn nhận trong hoạt động CCHC tại địa phương hiện nay, như sau: 

Hạn chế lớn nhất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới trong quá trình thực hiện công tác CCHC; chậm xử lý những bất cập, hạn chế đã được phát hiện, chỉ đạo xử lý; công tác thông tin, báo cáo còn chậm và chưa đảm bảo chất lượng.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Giải quyết thủ tục Hành chính công tỉnh Cà Mau. Ảnh: Internet
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Giải quyết thủ tục Hành chính công tỉnh Cà Mau. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trình độ chuyên môn không phù hợp hoặc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tinh thần, trách nhiệm đối với công việc chưa cao; công tác đào tạo cán bộ, công chức còn chạy theo số lượng mà chưa chú trọng nhiều đến hiệu quả.

Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị được đổi mới, tuy nhiên vẫn còn trường hợp nể nang, hình thức nên chưa đánh giá đúng năng lực công tác, từ đó không có cơ sở đưa ra khỏi bộ máy những người yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hạn chế về trình độ, năng lực.

Từ những hạn chế, khó khăn nêu trên, dẫn đến Chỉ số cải CCHC của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng chưa nhiều, vị trí xếp hạng vẫn còn thấp (tỉnh xếp 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Về một số giải pháp chủ yếu trong công tác CCHC trong thời gian tới, ông Huỳnh Quốc Việt, cho biết: 

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020; đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Chỉ số CCHC của tỉnh Cà Mau liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây ...
Chỉ số CCHC của tỉnh Cà Mau liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây ... Ảnh: Kim Chung.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế của tỉnh, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện cải cách TTHC một cách quyết liệt, thực chất, nhanh nhất trong thời gian có thể thực hiện và chỉ tập trung vào một đầu mối, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh và các quy định, TTHC còn rườm rà, phức tạp, không cần thiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hoá, đơn giản hoá quy trình nghiệp vụ; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức, viên chức tại bộ phận một cửa các cấp; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Ðẩy mạnh phân cấp, tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác cán bộ.

Thứ sáu, ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tận dụng những cơ hội, đồng thời giảm thiểu những rủi ro, thách thức của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0.

Thứ bảy, tiếp tục nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước về CCHC. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CCHC; xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, tiêu cực, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.

"Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau đã thực hiện từng bước đi thận trọng, hiệu quả và đã tạo được một nền hành chính hiện đại như thế. Tôi tin rằng, bằng các giải pháp đã triển khai thực hiện và những nỗ lực, thành tựu đạt được sẽ là tiền đề để Cà Mau chuyển mình tích cực trong công tác cải cách, hướng đến nền hành chính phục vụ tận tâm", ông Việt tin tưởng và hy vọng ./.

PL (Theo Cà Mau online)