“Bước đệm” để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới

00:00 12/10/2020

Cả Chính phủ và các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cùng xới xáo hàng loạt vấn đề để “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung”.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cải thiện điều kiện đầu tư và thương mại trong chuỗi giá trị chính là những “bước đệm” để các công ty Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018, nhiều kiến nghị quan trọng và thẳng thắn đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Chính phủ Việt Nam nhằm tác thành những “cuộc hôn nhân tốt đẹp” giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.

Tiếp cận chuỗi giá trị bằng con đường ngắn nhất

Nhiều kiến nghị quan trọng và thẳng thắn đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Chính phủ Việt Nam nhằm tác thành những “cuộc hôn nhân tốt đẹp” giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2018 là năm kỷ niệm 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT cũng đánh giá sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Để tăng cường sự liên kết đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH điện - điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc, một trong những công ty cũng tham gia chương trình hỗ trợ của Samsung chia sẻ rằng, dù thời gian khá ngắn nhưng công ty đã nỗ lực thực hiện những thay đổi cụ thể về sản xuất. Qua đó có thể thấy, nếu doanh nghiệp Việt có nội lực tốt, nhận được đơn hàng đủ lớn, có sự hỗ trợ thì có thể lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hạt nhân trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ không làm việc, hợp tác với nhà xuất khẩu trong nước nếu những doanh nghiệp này không tuân thủ về Luật thuế, hải quan của Việt Nam. Chính vì vậy, bà Orsolya Grove, đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại cho biết: “Đó là những yêu cầu về điều kiện lao động trong nhà máy, tác động của hoạt động sản xuất lên môi trường và thậm chí là tuân thủ về phòng chống tham nhũng”.

Tận dụng cơ hội, tăng trưởng cùng nhau

Trước thực tế này, theo TS Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới.

Các chuyên gia tại VBF đã “đúc rút” 5 “động năng” cho nền kinh tế Việt Nam đó chính là cải cách thể chế, thực hiện tốt FTAs, ứng dụng công nghệ 4.0, kết nối FDI và khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ có thêm các chương trình hỗ trợ kết nối. Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp FDI có thể bắt đầu với các quỹ hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, đóng góp bền vững nhất của FDI cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là làm sao kéo được doanh nghiệp Việt phát triển cùng với các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, ông Tomaso Adreatta, đồng Chủ tịch diễn đàn VBF cho rằng, các doanh nghiệp Việt phần lớn là quy mô nhỏ, cần cải thiện hơn các kỹ năng quản trị ở quy mô lớn hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, thực thi các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp phải có kỹ năng kết nối chặt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế vốn có, Việt Nam cần sớm cải thiện đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bài bản, có những kỹ năng sát yêu cầu thực tế, ý thức đầy đủ về các vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường… - ông chia sẻ.

"Trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTAs, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu như đã đề cập ở phần trên. Đó là yêu cầu rất cấp bách", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Ngọc Hà