Bức tranh xuất khẩu của Sóc Trăng: Tăng trưởng đột phá!

00:00 12/10/2020

Đại dịch Covid-19 đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Khó khăn là vậy, nhưng đáng mừng là hoạt động xuất khẩu của Sóc Trăng vẫn tạo được đà tăng trưởng đột phá. Hàng trăm ngàn tấn thủy sản, nông sản, hàng may mặc... vẫn liên tục được vận chuyển đến các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Trung Đông và các nước trong khối ASEAN từ đầu năm đến nay và cả trong những tháng tới.

Nếu như 8 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng chỉ đạt 560 triệu USD, trong đó, các mặt hàng chủ lực gồm thủy sản đạt 425 triệu USD (chiếm tỷ trọng 76%), gạo 63 triệu USD (chiếm tỷ trọng 11%); thì năm nay, ước 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 684 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó thủy sản ước đạt 484 triệu USD (chiếm tỷ trọng 71%), tăng 14% so với cùng kỳ, gạo ước đạt 114 triệu USD (chiếm tỷ trọng 23,5%), tăng 82% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong năm nay, ước 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trắng đạt trên 684 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ

Đây là kết quả khả quan, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung và vùng ĐBSCL giảm so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này là cơ sở để đưa ra dự báo xuất khẩu của Sóc Trăng năm nay sẽ đạt và vượt kế hoạch 900 triệu USD, giúp tạo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 11,2%/năm; trong đó, xuất khẩu  thủy sản tăng bình quân 7,7%/năm, riêng kim ngạch xuất khẩu gạo và hàng may mặc tăng trưởng cao, đạt mức tăng bình quân lần lượt là 51,6%/năm và 50%/năm.

Xuất khẩu thủy sản đạt được kết quả đáng mừng nêu trên là do Sóc Trăng đã từng bước chủ động được nguồn tôm nguyên liệu, bằng việc mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp, áp dụng ngày càng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mô hình tôm – lúa, qua đó quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ. Đặc biệt, kết quả này là do các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh nhạy, linh hoạt trong tìm kiếm thị trường, nỗ lực nâng cấp công nghệ và trình độ chế biến, không ngừng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang thay đổi hành vi tiêu dùng trên thế giới.

Xuất khẩu gạo năm nay thắng lớn do tăng lượng xuất hàng và tăng mạnh giá xuất. Với đà tăng trưởng này, ngành hàng chế biến, xuất khẩu gạo Sóc Trăng có thể phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng trồng lúa với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm.

Sóc Trăng hiện đang có hàng chục doanh nghiệp chế biến thủy sản (chủ yếu là tôm) và chế biến xay xát gạo. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản và gạo đã và đang mở rộng công suất thiết kế, trang thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao (kể cả quản lý, kỹ thuật), nhằm đáp ứng tình hình phát triển mới. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản như STAPIMEX, Sao Ta, Thủy sản sạch, Tài Kim Anh, Út Xi... đã và đang làm rất tốt các việc nâng tầm sản phẩm, quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Dĩ nhiên, không bằng lòng với những gì hiện có, Sóc Trăng hiện vẫn đang ra sức tạo những điều kiện thuận lợi nhất về chủ trương, chính sách, qua đó nỗ lực mời gọi, thu hút nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và có kế hoạch đầu tư các ngành chế biến, may mặc, da giầy... nhằm đa dạng hóa hơn nữa ngành hàng, giúp cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Định hướng đến năm 2025, Sóc Trăng phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu từ 1,2 đến 1,3 tỷ USD; trong đó chế biến thủy sản đạt trên 900 triệu USD, gạo từ 200 triệu USD, may mặc, da giầy và các nông thủy sản khác trên 100 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này, Sóc Trăng sẽ tăng cường hơn nữa công tác kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường trong và ngoài nước, tập trung cho thế mạnh sản xuất hàng tinh chế, nhất là mặt hàng tôm và gạo thơm ST25, đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ Logistic nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Định hướng đến năm 2025, Sóc Trăng phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu từ 1,2 đến 1,3 tỷ USD

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương nhận định, kết quả xuất khẩu của Sóc Trăng năm nay là đáng trân trọng từ sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, vì một mục tiêu chung là mang nhiều hơn nữa nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu.

Phương Lê