Bức tranh Licogi tiếp tục “u ám”

00:00 12/10/2020

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Tổng Công ty Licogi (LIC) vừa công bố cho thấy hoạt động kinh doanh của Tổng công ty này lại tiếp tục bộc lộ những yếu kém.

Doanh thu trong quý II của Licogi đã giảm đến 35% so với cùng kì năm trước xuống còn 406 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 40 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ và không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động khác.

Hoạt động kinh doanh trượt dài khiến nỗi lo mất khả năng thanh toán ngày càng đậm nét.

Hoạt động kinh doanh trượt dài, khiến nỗi lo mất khả năng thanh toán của Licogi ngày càng đậm nét.

Ngoài ra, các "khoản chi khác" cũng góp phần làm lợi nhuận của Tổng công ty âm đến 29 tỷ đồng so với con số 28 tỷ đồng của quý II/2018.

Kinh doanh trượt dài

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của Licogi giảm 29% xuống mức 71 tỷ đồng. Công ty lỗ ròng 71 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. Bức tranh kinh doanh của Licogi tiếp tục thể hiện sự u ám ngay khi vừa gượng dậy trong năm 2018 với khoản lãi 29 tỷ đồng. Hiện Licogi đã lỗ luỹ kế 600 tỷ đồng, ngốn hết 2/3 vốn điều lệ.

Đáng ngại hơn, nợ phải trả của Licogi tiếp tục tăng lên mức cao mới 4.277 tỷ đồng, chiếm đến 95% tổng nguồn vốn. Đặc biệt là các khoản nợ vay ngắn hạn hơn 1.800 tỷ đồng tại các ngân hàng. Hoạt động kinh doanh trượt dài khiến nỗi lo mất khả năng thanh toán ngày càng đậm nét.

Tại ngày 30/6/2019, tài sản ngắn hạn trị giá 2.150 tỷ đồng của Licogi chủ yếu nằm ở mục khoản phải thu và hàng tồn kho. Tuy nhiên, các khoản thu này tới nay vẫn rất mơ hồ. Đầu năm 2019, sau khi phân tích các chỉ số tài chính của Licogi, Bộ Tài chính đánh giá Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 4 tháng.

Lý do mà Bộ Tài Chính đưa ra là tài sản ngắn hạn của tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, còn số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 30/6/2018 chỉ khoảng 40 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo kiểm toán năm 2018 của Licogi, đơn vị kiểm toán cũng nêu ra hàng loạt những chi tiết mà theo đơn vị kiểm toán là không thể thu thập được các căn cứ để xác định tính hiện hữu của các khoản phải thu và công nợ tại các đơn vị thành viên.

Chưa bảo toàn được vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Licogi-CTCP, trong đó kết luận doanh nghiệp này chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước.

Với công ty mẹ Licogi, tổng doanh thu năm 2017 đạt 450 tỷ đồng, giảm 88,4 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức giảm 16,4%. Cùng năm này, công ty mẹ lỗ sau thuế 102 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu đạt 157,6 tỷ đồng, giảm 33% so với 6 tháng đầu năm 2017. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 96,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 52,3%. Trong đó doanh thu bất động sản tiếp tục giảm mạnh từ 133,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 70,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỷ đồng. Tỉ suất ROE và ROA 6 tháng 2018 của công ty mẹ đạt lần lượt 0,51% và 0,09%.

Về phía toàn Tổng công ty, năm 2017, tổng doanh thu đạt 2.721 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức giảm 7%. Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2017 âm 58,7 tỷ đồng. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của toàn Tổng công ty đạt xấp xỉ 1.314 tỷ đồng, giảm 0,35% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 10 tỷ đồng. Tỉ suất ROE và ROA đạt lần lượt 1,41% và 0,08%.

Báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra, kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2017 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của công ty mẹ năm 2017 lần lượt là 0,83 và 0,56; của toàn Tổng công ty là 0,79 và 0,49. Kết quả trên cho thấy Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, doanh thu của Công ty mẹ và toàn Tổng công ty trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn tại Tổng công ty có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm cũng như có giải pháp khắc phục.

Nguyễn Việt