Bức tranh Kinh tế Việt Nam giữa đại dịch

22:15 06/06/2021

Khi chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, chúng ta cũng đã có được những con số lạc quan về các kết quả kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Vững vàng giữa đại dịch

Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. sản xuất công nghiệp tăng khá, đà tăng trưởng xuất khẩu được duy trì. Đây là những kết quả đáng chú ý. Do đó, khi viết về phiên họp này và về những con số đưa ra, theo báo Đại Đoàn Kết, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tỷ giá ổn định, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng ước tăng 9,9%, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55,8 nghìn doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua.

Tuy vậy, không có nghĩa là không có những hạn chế bất cập còn tồn tại được chỉ ra trong phiên họp này mà báo chí cũng đã phản ánh rõ nét. Ví dụ như còn những nơi lúng túng trong phòng chống dịch, chiến lược vaccine triển khai còn chậm, đầu tư công vẫn chậm và nhập siêu có biểu hiện tăng, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý nữa là, một trong những nguyên nhân của các hạn chế bất cập đó được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là do các cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức điều hành công việc, thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao. Một lần nữa, thông điệp về phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương lại được Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, cuộc họp đã đề cập tới nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng tới dịch bệnh.

Báo Lao động cho biết, chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện để ban hành nghị quyết về chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.

Mô hình phòng dịch sáng tạo: Làm việc và ăn ở tại chỗ

Kinh tế Việt Nam vững vàng giữa đại dịch - Ảnh 1.

Có 3.000 công nhân của Goertek ở lại nhà máy để duy trì sản xuất - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Việc bảo vệ sức khỏe công nhân tại các khu công nghiệp đang được đặt lên hàng đầu bởi nếu các khu công nghiệp phải dừng hoạt động thì sẽ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, mô hình làm việc ăn ở, tại chỗ đã được chính quyền Bắc Ninh và Bắc Giang tổ chức thực hiện để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh.

Sản lượng và giá trị nông sản xuất khẩu tăng mạnh

Điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế 5 tháng và tháng 5 là xuất khẩu nông sản. Theo tờ Nông nghiệp Việt Nam, cả sản lượng và giá trị nông sản xuất khẩu đều tăng mạnh.

Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng tăng giá trị xuất khẩu có sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, mây tre, cói thảm…

Đừng hiểu sai về vải thiều Lục Ngạn

Theo tờ Tuổi trẻ, vải thu hoạch sớm chỉ dành để xuất khẩu ở thị trường nước ngoài, người dân địa phương còn khó có thể mua thì lấy đâu ra mà giải cứu. Tỉnh Bắc Giang đã có các kịch bản tiêu thụ, lập tổ công tác tại cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai, kết nối với các tập đoàn phân phối và hệ thống bán lẻ… điều này thể hiện sự chủ động lớn trong việc kết nối tiêu thụ chứ không phải chờ giải cứu.

Hiện nay, mỗi ngày tỉnh Bắc Giang tiêu thụ khoảng 5.000 tấn vải, chủ yếu vẫn là vải sớm và có một ít sản lượng vải chính vụ. Năm nay, ảnh hưởng từ dịch COVID-19, ngay từ đầu vụ, thị trường trong nước đã được đẩy mạnh. Nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chuỗi bán lẻ đã tham gia đẩy mạnh tiêu thụ với sản lượng nhiều hơn, trong đó, chợ đầu mối tiêu thụ gần 20.000 tấn, siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 5.000 tấn.

Thị trường xuất khẩu vải thiều chủ yếu vẫn là Trung Quốc, một số sản lượng xuất sang Nhật Bản, Mỹ. Hiện nay, ngoài việc thu hoạch vải sớm, vải thiều chính vụ cũng đã bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản lượng vẫn ít.

PV