Bong bóng chứng khoán lại được bơm phồng?

00:00 12/10/2020

Sự hưng phấn thái quá và lượng thanh khoản dư thừa đang thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán, nhưng đà tăng này mong manh hơn bao giờ hết.

Thời Gian Giao Dịch Và Mở Cửa Thị Trường Chứng Khoán Mỹ Là Khi Nào?

Quả bong bóng mới

Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã phục hồi hơn 44% từ mức đáy trong tháng 3, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng hơn 43%, trong khi chỉ số Nasdaq bứt phá hơn 50%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngay cả thị trường Trung Quốc, vốn vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn do vấn đề Hồng Kông và đang bị lũ lụt hoành hành, chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải cũng đã phục hồi hơn 25% từ đáy.

Dù vậy, chứng khoán Mỹ mới là thị trường tăng cao nhất trong giai đoạn vừa qua, đến nỗi nhiều chuyên gia đầu tư kỳ cựu cho rằng "một quả bong bóng mới đang hình thành". Thật vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại, các đợt bùng phát dịch bệnh liên tiếp hoành hành, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chìm trong muôn vàn khó khăn, thế mà chứng khoán vẫn cứ vượt qua hết chướng ngại này đến chướng ngại khác, thì chắc là "có vấn đề".

Chỉ số Nasdaq liên tiếp lập các kỷ lục sau cú

Chỉ số Nasdaq liên tiếp lập các kỷ lục sau cú "sập hầm" trong tháng 3

Một số ý kiến cho rằng, các gói kích thích tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là động lực chính đẩy giá các loại tài sản, bao gồm kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, lên cao trong thời gian qua. Tiền rẻ bơm ra khắp nơi và lãi suất thấp kỷ lục đã thúc đẩy lượng thanh khoản mới này đổ vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong những tháng qua nhờ hưởng lợi từ các chính sách giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch. Nhóm cổ phiếu FAANG gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Tesla, Zoom đã tăng vọt trong thời gian qua, kéo chỉ số Nasdaq liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới.

Bên cạnh đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới tham gia thị trường lần đầu, vốn dễ dàng tiếp cận thị trường thông qua các ứng dụng miễn phí giao dịch, đã đổ xô mua cổ phiếu của những công ty gục ngã trước đại dịch Covid-19, với mong muốn làm giàu nhanh chóng mà bỏ qua các đánh giá rủi ro, cũng như không đoái hoài gì đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận hay lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nỗi lo vẫn thường trực

Điều ấy gây ra những lo ngại thật sự, khi sự hưng phấn thái quá và lượng thanh khoản dư thừa đang thúc đẩy đà tăng thị trường chứng khoán, thay vì là kết quả hoạt động hay tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, khiến đà tăng này mong manh hơn bao giờ hết. Với việc thị trường chứng khoán tăng không cân xứng với thực trạng nền kinh tế, nhiều khuyến nghị gần đây cho rằng các nhà đầu tư nhỏ nên tháo chạy trước khi mọi thứ sụp đổ. Ngay cả những huyền thoại Phố Wall như Stan Druckenmiller, David Tepper cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thị trường chứng khoán trong nhiều tháng qua.

Thực tế cho thấy dù giá các cổ phiếu liên tiếp leo dốc, nhưng chỉ số VIX - chỉ số đo lường nỗi lo ngại của thị trường chứng khoán, vẫn ở mức rất cao trong thời gian qua, diễn biến trái với nguyên lý thông thường. Mặc dù vẫn ở dưới mức đỉnh của tháng 3/2020, nhưng chỉ số VIX vẫn đang "nhấp nháy" tín hiệu cảnh báo đối với một thị trường vừa ghi nhận quý tốt nhất kể từ năm 1998. Chỉ số này vẫn ở mức 27, gần gấp đôi so với mức đáy tháng 2/2020. Trong năm 2019, chỉ số này đều dưới 30.

Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn đang đổ vốn vào các sản phẩm có thể phòng ngừa thua lỗ, đồng thời lượng tiền mặt đang đứng ngoài thị trường vẫn ở mức gần kỷ lục. Thống kê cho thấy các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ đã hút ròng 1.000 tỷ USD trong lúc thị trường biến động vì Covid-19 và đẩy tổng tài sản của các quỹ này lên gần 4.800 tỷ USD vào cuối tháng 5/2020. Cho đến nay, tổng tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ vẫn ở mức 4.650 tỷ USD.

Với những nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt phục hồi mạnh mẽ kéo dài từ cuối tháng 3 đến nay, việc tham gia vào thị trường vào lúc này rõ ràng là mạo hiểm. Và khi lượng tiền mới không còn tham gia, đà tăng sẽ chững lại, các nhà đầu tư lướt sóng cũng sẽ nhanh chóng chốt lời, kéo thị trường có thể rơi vào các đợt bán tháo.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư bán khống sẽ càng đẩy mạnh vị thế hòng tìm kiếm lợi nhuận từ sự biến động của thị trường. Thống kê từ IHS Markit cho thấy, tỷ lệ bán khống trên số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành của Quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust - một chỉ báo thô sơ về mức độ bán khống - hiện ở mức 5,1%, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang hoài nghi về đà tăng bền vững của thị trường.

Đáng lưu ý là với những nhà đầu tư đang đánh giá quá cao kế hoạch tung thêm tiền của Chính phủ Mỹ để kích thích tài khóa, không loại trừ khả năng sẽ thất vọng khi tình hình chính trị trước các đợt bầu cử tổng thống đang rối ren.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay cũng là một yếu tố tác động khó lường lên thị trường chứng khoán.

Khả Hân