Bộ LĐ TBXH đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 10 - 15%

16:43 30/03/2021

Theo dự thảo, Bộ này đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp. Cụ thể, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng dự kiến là 10%. Mức này nhằm để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Số người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.

Phương án 2 là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức 15%. Theo lý giải của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức tăng này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát.

Đồng thời, mức này để chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.

Bày tỏ quan điểm về 2 phương án đề xuất tăng lương hưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói với VnEconomy rằng, sẽ ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưu trí.

"Nhóm hưu trí có lương thấp này đa số là công nhân lao động trực tiếp. Do khi đi làm thu nhập đã thấp nên kéo theo tiền đóng bảo hiểm xã hội thấp, họ đã khó khăn rồi bây giờ về hưu lại tiếp tục khó khăn hơn. Do đó, tôi nghĩ một phương án có thể chậm hơn một chút nhưng tỷ lệ được hưởng cao hơn, có lợi hơn cho người hưu trí thì sẽ hợp lý", ông Quảng bày tỏ.

Cho rằng, trong đại dịch khó khăn này thì tâm lý muốn tăng lương là chính đáng, song theo ông Quảng, trên thực tế việc tăng lương hưu không phải là vấn đề có thể điều chỉnh liên tục được, mỗi lần điều chỉnh cần một khoảng thời gian nhất định để cân nhắc tính toán phương án nào sẽ có lợi hơn sau này.

Theo ông Quảng, phương án tăng lương hưu từ ngày 1/7/2021 là có tính đáp ứng kịp thời do khó khăn chung, nhưng tỷ lệ lại thấp. "Đúng là những người khó khăn thì tăng sớm được ngày nào đều rất quý. Nếu có điều kiện tăng từ 1/7 với tỷ lệ 15% là hợp lý nhất, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh hiện nay là hơi khó.

Còn nếu như điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 thì so với thời điểm 1/7 là chậm đi 6 tháng. Tuy nhiên, người lao động sẽ có thời gian tăng thêm mức hưởng. Về số đông, nếu tính toán chi phí kinh tế, chậm 6 tháng nhưng thời gian và tỷ lệ hưởng được tăng thêm thì quan điểm của tôi là ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưởng lương hưu", ông Quảng phân tích.

Trong khi đó, cũng bình luận về đề xuất này với VnEconomy, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lại bày tỏ quan điểm rằng, cả 2 thời điểm đề xuất tăng lương hưu đều chưa nên. Vị chuyên gia phân tích, mặc dù tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản kiểm soát được, nhưng nhìn trong bối cảnh chung hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động vẫn rất khó khăn.

"Đúng là nhóm hưởng lương hưu là những đối tượng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dù sao họ vẫn có nguồn thu nhập ổn định. Trong khi đó, hiện nay chúng ta đang phải thực hiện rất nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thuế, chậm đóng bảo hiểm xã hội, do đó nguồn tiền bổ sung vào quỹ lương hưu chắc chắn bị sụt giảm. Vì vậy, theo tôi là chưa nên tăng ở cả 2 thời điểm như dự thảo mà nên xem xét tăng vào ngày 1/7/2022 thì sẽ hợp lý hơn", bà Hương đề xuất. 

Đề xuất tăng lương hưu từ 10 - 15%: Sẽ cân nhắc phương án có lợi nhất - Ảnh 1.

Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh - Mạnh Dũng.

Cũng theo bà Hương, việc tăng lương hưu trong bối cảnh năm 2021 cộng với lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra lạm phát. Lúc này, việc tăng lương có khả năng gây ra hiệu ứng không tích cực đến những lĩnh vực khác, chẳng hạn kéo theo giá cả tăng, giá nhà, đất đai…đều có thể tăng lên trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mặc dù số người hưởng lương hưu không quá cao nhưng cũng phải trích từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước, áp lực chi phí là không tránh khỏi. Vì vậy, bà Hương cho rằng, song song với việc tiếp tục thực hiện rất nhiều biện pháp hỗ trợ khác, kết hợp "thắt lưng buộc bụng" sẽ là cần thiết hơn trong thời điểm này.

"Vì khó khăn, chúng ta phải giảm đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến nguồn thu của quỹ đã không dồi dào rồi. Nếu trong bối cảnh này mà lại chi nhiều hơn thì càng gây áp lực cho quỹ.

Đúng là số chi cho nhóm hưu trí có thể dù không quá lớn, nhưng về hiệu ứng của xã hội theo tôi là cần phải chú ý. Tính đoàn kết, đồng cam cộng khổ phải được nhấn mạnh hơn trong thời kỳ khó khăn, chúng ta không thể nghĩ cho một nhóm được, mặc dù nhóm hưu trí đời sống cũng vất vả", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này, do chưa thể lường trước diễn biến của dịch Covid-19, phương án đưa ra phải được tính toán rất kỹ, cân bằng lợi ích giữa các nhóm với nhau, nguồn tăng lương hưu cũng cần phải cân đối, song cho rằng sử dụng túi tiền hiệu quả để ưu tiên cứu trợ người lao động và nền kinh tế thì sẽ hợp lý hơn trong thời điểm hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng, tăng ở thời điểm tháng 7 năm nay hay đầu năm sau đều vẫn còn sớm vì năm 2021 kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng. Ngay cả tiền lương tối thiểu vùng, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đề xuất không tăng trong năm nay, khi kinh tế ổn định lúc đó mới tính đến chuyện tăng lương", vị chuyên gia nhấn mạnh.

PV