Bỏ công chức suốt đời: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ nói "giáo viên vùng cao cũng như thành thị"

00:00 12/10/2020

Một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời. Nhiều ĐBQH cũng đã bày tỏ quan điểm của mình xoay quanh dự thảo luật này.

 

Mới đây, ại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về một số điểm mới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đó, bộ trưởng Nội vụ trình bày những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nội dung này có 2 phương án thể hiện.

Phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).

Việc này sẽ giúp viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, tránh tâm lý ì trệ trong công việc. Đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục, phấn đấu nâng cao trình độ.

Phương án 2, giữ như quy định hiện hành, sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, để người lao động yên tâm làm việc. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án 1.

Xoay quanh đề xuất bỏ viên chức suốt đời, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người tỏ ý e ngại với đội ngũ giáo viên. Bởi, họ đi dạy cần biên chế thì mới có thể an tâm công tác, đặc biệt là với những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Vậy, bây giờ bỏ chế độ biên chế suốt đời có lo ngại về việc sẽ thiếu người làm?

Trước vấn đề này, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến của một số vị đại biểu bên hành lang Quốc hội.

Xem video: ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nói về đề xuất sẽ bỏ viên chức suốt đời

Là viên chức nhà nước thì đều bình đẳng như nhau

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá về việc sẽ bỏ viên chức suốt đời: “Để luật đi vào được đời sống và phát huy được vai trò của viên chức thì cũng không thuần tuý chỉ là quy định dựa trên pháp luật mà chúng ta quan tâm nhất ở khâu thực thi pháp luật sau này. Ở khâu thực thi sau này, chúng ta phải đảm bảo, đánh giá đúng năng lực của từng cán bộ, cùng với đó là những cơ chế để thải hồi cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.  

Các chế độ lương bổng cũng sẽ thực sự là động lực để thúc đẩy người viên chức nỗ lực. Nhưng, quan trọng hơn nữa là ở khâu tuyển dụng đầu vào, cũng nên chọn những người có thực lực, thực tài và thực sự tâm huyết, vì trên thực tế có những người lương không cao nhưng họ rất tâm huyết và ngược lại có những người lương cao nhưng làm việc không hết mình. Vì vậy, bên cạnh pháp luật thì ở khâu thực thi và các giải pháp rất đồng bộ cần phải tính toán rất cụ thể”. Chính sách - Bỏ công chức suốt đời: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ nói 'giáo viên vùng cao cũng như thành thị'

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Trước ý kiến cho rằng, việc bỏ biên chế suốt đời đặc biệt với đội ngũ giáo viên, ở vùng sâu, vùng xa sẽ gây bất lợi, họ sẽ không còn hứng thú để cống hiến. Nói về điều này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Đối với bất kỳ một ai, dù chỉ là làm hợp đồng, viên chức, viên chức suốt đời hay có thời hạn thì mọi người nếu đã làm việc thật tốt thì đừng bao giờ lo lắng. Không có lý do gì một cơ quan lại tìm cớ cho mình nghỉ khi mình làm việc thật tốt. Chỉ có những người có tư duy bám víu, không nỗ lực mới đặt ra vấn đề công chức hay viên chức suốt đời là điều mà mình theo đuổi.  

Tôi nghĩ rằng, rất cả mọi người khi đã làm việc thực sự thì đừng lo lắng việc sẽ bỏ đi viên chức suốt đời. Mà cái cần quan tâm đó là làm việc thật tốt, khi đã làm việc thật tốt thì không có lý do gì cơ quan để cho mình nghỉ. 

Tất nhiên, trên thực tế vì lý do cá nhân người chủ sử dụng lao động vẫn có thể tìm cớ cho người lao động nghỉ. Nhưng, chúng ta sẽ có một cơ chế pháp luật để bảo vệ, trong đó có trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Không thể để những người làm việc tốt mà phải nghỉ việc vì lý do họ không phải viên chức suốt đời.

Còn giáo viên không có lý do ở vùng sâu, vùng cao thì được hưởng chế độ viên chức suốt đời, các khu vực thành thị thì không được. Bởi, tôi cho rằng khi đã là viên chức nhà nước thì đều bình đẳng như nhau, chỉ có thể hưởng chế độ đặc thù do địa bàn, do cống hiến, khó khăn… Vì thế, tôi ủng hộ việc bỏ viên chức suốt đời, kèm theo đó là những quy định khác, giải pháp tổng thể để thực thi”.

Khắc phục tình trạng “vào dễ ra khó”

Chính sách - Bỏ công chức suốt đời: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ nói 'giáo viên vùng cao cũng như thành thị' (Hình 2).

ĐBHQ Nguyễn Thanh Hiền cho rằng việc bỏ viên chức suốt đời sẽ khắc phục tình trạng "vào dễ, ra khó".

Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên ĐBHQ Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ: “Trong luật cán bộ công chức viên chức hiện nay, có nhiều điểm mới và một trong những điểm mới mà tôi cũng như nhiều đại biểu quan tâm đó là thực hiện việc bỏ các quy định liên quan đến ký hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức.  

Tôi cho rằng, đây là điểm mới và chúng ta khắc phục được tình trạng lâu nay là “vào thì dễ, ra thì khó” hay là viên chức suốt đời. Như vậy, giúp cho các nhà quản lý đội ngũ viên chức dễ lựa chọn người công chức thực hiện tốt nhiệm vụ đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh trong đội ngũ viên chức phải luôn luôn phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tôi thấy, cũng cần quan tâm đến việc khi chúng ta thực hiện đến việc chuyển hợp đồng không thời hạn sang xác định thời hạn thì phải tính đến việc phù hợp với luật lao động”.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho rằng cần có cơ chế để ràng buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để không xảy ra việc sa thải người lao động “vô tội vạ” nếu tiến hành ký hợp động có thời hạn với viên chức tuyển dụng mới.

Cũng theo vị ĐB này, cần xác định rõ vị trí việc làm và bộ công cụ để đánh giá mức độ người lao động có hoàn thành công việc hay không, người chủ sử dụng lao động phải là người công tâm, chính trực, khách quan vì lợi ích của cơ quan chứ không cả nể, bao che.

Nhóm PV Quốc hội