Blockchain giúp phòng ngừa tội phạm mạng trong mùa dịch

00:00 12/10/2020

Khi những kẻ tấn công mạng trở nên lộng hành hơn trong đại dịch, các doanh nghiệp châu Á tìm đến blockchain để gia tăng bảo mật dữ liệu và phát triển các hoạt động kinh doanh.

Theo hãng nghiên cứu The Business Research Company, thị trường blockchain toàn cầu dự kiến dù giảm còn 2,27 tỉ đô la trong năm nay, nhưng sẽ tăng vọt đến 15,88 tỉ đô la vào năm 2023 – tăng trưởng 96% mỗi năm.

Nihon Unisys cung cấp các giải pháp blockchain cho ngành dịch vụ ăn uống với các coupon công nghệ số. Ảnh: Nihon Unisys

Tăng bảo mật, chống giả mạo

Tomohiro Maruyama, nhà quản lý cấp cao của PwC Consulting, đề nghị các công ty tăng cường áp dụng công nghệ blockchain sau đại dịch. Ông cho rằng sự chuyển đổi số rộng rãi – mà đại dịch là một tác nhân thúc đẩy – đã khiến mọi người ứng dụng blockchain nhiều hơn để bảo vệ mình.

“Vi phạm bản quyền trực tuyến là một thách thức lớn đối với các công ty khi họ số hóa các hoạt động kinh doanh”, Maruyama nói với Nikkei Asian Review, khi đề cập đến tình trạng giả mạo các tài liệu số dễ hơn nhiều so với văn bản trên giấy. “Blockchain đang trở thành giải pháp để đối phó với các mối nguy này”.

Kenta Akutsu, CEO của công ty khởi nghiệp LasTrust ở Nhật Bản, cũng đồng tình với Maruyama. “Mặc dù các tệp PDF và JPG rất dễ làm giả, nhưng với công nghệ blockchain thì các tài liệu này sẽ được bảo mật và chống giả mạo tốt hơn”.

LasTrust đã cho ra mắt một dịch vụ blockchain vào tháng 9 này, chuyên cung cấp các chứng chỉ kỹ thuật số cho các trường đại học. Với tên gọi CloudCerts, dịch vụ này sẽ cung cấp các bảng điểm học tập và bằng tốt nghiệp dự kiến cho những sinh viên năm cuối đại học đang tìm kiếm việc làm.

Akutsu cho biết: “Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các trường đại học đều đã bắt đầu tìm cách kỹ thuật số hóa các hoạt động của mình. Nhưng dịch bệnh đã buộc họ phải chuyển đổi nhanh hơn”. Sự kiện chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 4 vừa qua cũng thúc đẩy nhanh chóng các nỗ lực này.

LasTrust cũng lên kế hoạch cung cấp dịch vụ tại Malaysia và Thái Lan, hai quốc gia rất coi trọng về thành tích học tập, nhưng hiện phải đấu tranh với nạn bằng giả. Thêm vào đó, công ty khởi nghiệp này cũng hy vọng sẽ chiếm được 50% thị trường chứng chỉ kỹ thuật số của Nhật Bản trong vòng bốn năm tới.

Đại dịch Covid-19 cũng buộc các công ty phải xem xét lại cách thức tổ chức các cuộc họp cổ đông, đồng thời tìm ra những cách bỏ phiếu an toàn và hiệu quả cho các nhà đầu tư. Công ty bitFlyer Holdings ngăn chặn việc nặc danh bằng một ứng dụng được phát triển trên công nghệ blockchain liên kết với hệ thống nhận dạng quốc gia My Number của Nhật Bản. Ứng dụng này sẽ cho phép các bên liên quan có thể bỏ phiếu một cách an toàn mà không cần phải có mặt tại các cuộc họp.

Công ty bitFlyer đã thử dùng ứng dụng này tại cuộc họp cổ đông của hãng vào tháng 6 vừa rồi. Họ dự định phát hành sản phẩm này vào mùa thu. Hãng hy vọng có thể phát hành ứng dụng này tại các quốc gia khác ở châu Á sau khi đáp ứng các quy định địa phương.

Các nhà hàng và doanh nghiệp khác tại Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng chào đón công nghệ blockchain. Họ cung cấp các coupon và điểm thưởng tích lũy kỹ thuật số để hồi phục phần doanh số biến mất khi lệnh phong tỏa ban hành.

Nihon Unisys đang tìm cách phát triển và lấp đầy thị trường ngách này, thông qua việc hợp tác với nhà điều hành huy động vốn cộng đồng Glocal Crowdfunding để cung cấp các phiếu giảm giá kỹ thuật số cho hơn 600 doanh nghiệp. Phần lớn số này thuộc ngành dịch vụ ăn uống ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu ở phía Nam Nhật Bản.
Công nghệ blockchain rất phù hợp cho việc này, vì có thể ngăn chặn việc tái sử dụng trái phép của các phiếu thưởng và đồng thời loại bỏ việc trao đổi hay mua bán các loại phiếu giấy vốn có thể tăng nguy cơ lây nhiễm.

Tình trạng lừa đảo gia tăng trong mùa dịch khiến người dân quan tâm hơn đến an toàn dự liệu cá nhân. Các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng tỏ uy tín của mình trong việc bảo vệ an toàn kho dữ liệu này.

“Khi các doanh nghiệp bắt đầu tiến hành số hóa, giành được tin tưởng của người tiêu dùng là rất quan trọng”, giám đốc điều hành Tomonori Makino của Nihon Unisys, phát biểu. “Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và phản hồi phù hợp với các dữ liệu giao dịch để có thể giành niềm tin của người tiêu dùng”.

Tạo hiệu quả và sự khác biệt

Chuỗi cà phê Blue Korintji thu mua cà phê có truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ các đồn điền quanh Vườn quốc gia Kerinci Seblat. Ảnh: Nikkei

Công nghệ blockchain cũng đang được nhiều nước châu Á áp dụng khi dịch Covid-19 khiến tình hình ngày càng bất định. Chẳng hạn, ngành bảo hiểm của Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng blockchain để tăng tốc độ giải quyết các vụ bồi hoàn và tránh tiếp xúc thực tế giữa đại diện và khách hàng.

Hồi tháng 2, nền tảng bảo hiểm trực tuyến Xiang Hu Bao thuộc gã khổng lồ Alibaba giới thiệu dịch vụ bảo hiểm chi trả đến 100.000 nhân dân tệ, tương đương 3,4 tỉ đồng, khi khách hàng bị thiệt mạng vì Covid-19.

“Thông thường, gian lận và thiếu minh bạch khiến các sàn bảo hiểm liên quan hỗ trợ không được tốt cho khách hàng mua bảo hiểm. Tuy nhiên, nhờ vào công nghệ blockchain của ứng dụng thanh toán Alipay, chúng tôi có thể xử lý đến 1 triệu giao dịch mỗi ngày mà vẫn bảo đảm chính xác và minh bạch”, hãng bảo hiểm tuyên bố.

Agrocorp International có trụ sở tại Singapore cũng ký thỏa thuận hợp tác với hãng Cargill của Mỹ, startup về blockchain Dltledgers của Singapore và một số hãng dịch vụ vận chuyển khác để giám sát các chuỗi cung ứng nông nghiệp đang bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Từ tháng 4 đến nay, Agrocorp tập trung chủ yếu vào các giao dịch blockchain của lúa mì từ Bắc Mỹ đến Đông Nam Á.

Hãng này cho biết giao dịch thông qua công nghệ blockchain sẽ chỉ mất tối đa năm ngày để giải quyết, trong khi giao dịch truyền thống bằng giấy tờ mất đến tận một tháng.

Còn tại chuỗi cà phê Blue Korintji Coffee của Indonesia, khách chỉ cần dùng smartphone quét mã barcode thì có truy được trang trại sản xuất cà phê, loại cà phê mình đang uống và cả quá trình sản xuất và vận chuyển từ trang trại đến quán. Blue Korintji sử dụng công nghệ blockchain do startup Emurgo của Singapore cung cấp.

Nhà sáng lập Budi Isman nói rằng công nghệ mới giúp chuỗi cà phê này khác biệt với các hệ thống quán cà phê khác ở Indonesia. Thị trường tiêu thụ cà phê ở Indonesia đã tăng gấp bốn lần trong 30 năm qua, nhưng việc cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.

Ricky Hồ - Lê Hiếu

Tags: