Bình Dương: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

11:58 01/11/2021

Thời gian qua, Bình Dương đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), từ đó có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương.

Nâng cao hiệu quả ứng phó và thích ứng BĐKH

Bình Dương có nền nhiệt độ trung bình năm từ 26-27,80C. Trong 30 năm (1980-2010), nhiệt độ trung bình năm ở Bình Dương có xu hướng tăng lên. Trong đó, nhiệt độ thấp nhất tăng 0,50C, nhiệt độ trung bình tăng 0,80C, nhiệt độ cao nhất tăng 1,20C. Nhiệt độ tại Bình Dương có xu hướng cao hơn về phía Nam của tỉnh - thuộc thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An. BĐKH tác động đáng kể đến các vấn đề xã hội tỉnh Bình Dương, đặc biệt là y tế, sức khỏe cộng động, nước sạch, vệ sinh môi trường… 

Kênh Ba Bò với dòng nước trong xanh thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Dương về “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”
Kênh Ba Bò với dòng nước trong xanh thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Dương về “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”. (Ảnh: Nguồn: Internet)

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được của Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh ở giai đoạn trước, xây dựng và cập nhật kế hoạch hành động thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Dương trong tình hình hiện nay, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển của tỉnh; nội dung ứng phó biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các chính sách, quy hoạch, chiến lược có liên quan của tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư, nâng cấp các công trình phòng ngừa, ứng phó với BĐKH trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh; nâng cao nhận thức, năng lực về ứng phó BĐKH; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong thích ứng BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn diện tích rừng hiện có, nâng cao tỉ lệ che phủ nhằm tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính. 

Bình Dương quyết tâm quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình xanh
Bình Dương quyết tâm quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình xanh. (Ảnh: Internet)

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ lồng ghép nội dung về BĐKH trong tất cả các chương trình, kế hoạch, chiến lược của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó tốt với BĐKH; bảo vệ, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên…

Tỉnh Bình Dương đã đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng cho các công trình, dự án bảo vệ môi trường; di dời gần 250 cơ sở ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư; xử lí dứt điểm 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát 24/24 thông qua hệ thống quan trắc tự động được 85% lượng nước thải công nghiệp.

Thực hiện Đề án Thành phố thông minh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT). Đầu tư lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động không khí, nước mặt, nước dưới đất và các nguồn thải trên địa bàn. Số hóa các dữ liệu, số liệu quản lí, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật trong công tác quản lí về TN&MT. 

Thành phố thông minh với độ bao phủ xanh đạt đến 80%
Thành phố thông minh với độ bao phủ xanh đạt đến 80%.

Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Dương kiểm soát chặt chẽ trong việc thăm dò, cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên; tăng cường công tác thanh - kiểm tra, xử lí vi phạm. Từng bước chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trái phép. Thực hiện tốt công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành về bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, vật liệu mới. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lí TN&MT, trong đó chú trọng đến các giải pháp phi công trình.

Để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay giảm rác thải nhựa, khí thải nhà kính; hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 với nhiều hoạt động thiết thực như: Treo băng - rôn, banner, phát tờ rơi tuyên truyền về Chiến dịch tại các tuyến đường trọng điểm của tỉnh; Chương trình “25 giây tắt máy xe”; dọn vệ sinh tại các tuyến đường, tuyến hẻm; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ dân tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết…

Với hàng loạt chính sách được đưa ra, mục tiêu của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2021 - 2025 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lí, hiệu quả và bền vững; kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái; góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh Bình Dương trở thành nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến phát sinh một lượng rất lớn chất thải nguy hại từ những sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống, xét nghiệm, điều trị Covid-19. Do đó, trọng tâm chiến dịch năm nay tập trung ở 2 nội dung "Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính" và "Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên".

Tăng cường công tác kiểm tra và xử lí vi phạm

Ngoài công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lí và sử dụng đất đai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, Sở TN&MT tập trung thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác giao, cho thuê đất theo hình thức đấu giá, kiểm soát chặt chẽ việc giao, thuê đất; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai; kiểm tra, xử lí dứt điểm những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, không đúng mục đích. 

Bình Dương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ô nhiễm môi trường
Bình Dương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục điều tra, thống kê, đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách quản lí; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước; tăng cường kiểm tra, xử lí vi phạm, chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trái phép; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước…

Theo báo cáo, thời gian qua, ngành TN&MT tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 5.700 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó xử phạt 1.945 đơn vị, với tổng số tiền trên 139 tỉ đồng. Đến nay, 100% cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành biện pháp khắc phục.

Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp xã hội trên địa bàn tỉnh
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước tại những khu tập trung nhiều doanh nghiệp và đông dân cư, đồng thời phối hợp với các địa bàn giáp ranh xử lí các vấn đề môi trường liên tỉnh.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025: 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được kiểm tra, xử lí; 99% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lí; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lí nước thải đạt quy chuẩn môi trường…

Hoàng Thu