Chiều 15-9, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này về kế hoạch phục hồi sản xuất.
Hiện tại, có 421 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất theo hướng "3 tại chỗ". Và từ ngày 15-9, Long An đã bước vào giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế với một số yêu cầu trọng điểm như chỉ được sử dụng lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, ưu tiên người lao động địa phương, chỉ sử dụng tối đa 50% số lao động so với mức bình thường, chủ động y tế tại chỗ và chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh...
Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đưa ra các đề nghị như tạo điều kiện cho các lao động, chuyên gia đang ở TP.HCM và đã tiêm 2 mũi vắc xin có thể đi lại giữa TP.HCM và Long An để đi làm, việc tổ chức đưa đón công nhân còn quá khó khăn và cả e ngại về nội dung "chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch"…
Đối thoại với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Được cho biết, trong thời gian chống dịch vừa qua, tỉnh đã luôn chú ý tới việc phục hồi kinh tế nên đã tập trung ưu tiên vắc xin cho công nhân, người lao động rất sớm.
Hiện nay, tất cả người từ 18 tuổi trở lên tại Long An đều đã tiêm 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Và đã có hơn 10% người lao động của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Long An được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
"Để khắc phục hậu quả dịch bệnh thì chủ trương phục hồi sản xuất xuyên suốt của chúng ta vẫn phải là thận trọng từng bước, vì dịch bệnh vẫn còn rất nguy hiểm. Tính bền vững còn mong manh. Những băn khoăn của quý vị là đáng trân trọng, nhưng chúng ta cũng phải thận trọng để giữ những gì đã đạt được", ông Được nhấn mạnh.
Ông Được cho biết đã nói chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM và thống nhất sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc qua lại khu vực giáp ranh hai địa phương. Người lao động, chuyên gia từ TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nếu muốn tham gia vào quá trình sản xuất tại Long An thì trước mắt vẫn buộc phải lưu trú lại tại Long An để bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Ông Được cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động phải đặc biệt quan tâm đến việc tự chủ y tế, kiểm soát được người lao động của mình và phối hợp với địa phương ngay khi xảy ra sự cố về dịch bệnh để không lây lan dịch.
"Hiện tại Nhà nước tập trung xử lý dịch, nhưng trong tương lai sẽ phải đi theo xu hướng người dân và doanh nghiệp tự bảo vệ mình là chính. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp xử lý khi có F0, nhưng các doanh nghiệp phải chủ động không xảy ra lây lan dịch như có khu vực tạm thời dành cho F0, sắp xếp các dây chuyền độc lập để tránh thiệt hại khi phát hiện ca nhiễm… Tôi tin không ai thông minh hơn các doanh nghiệp trong việc này cả", ông Được nói thêm.
Riêng với băn khoăn của doanh nghiệp về việc "phải chịu trách nhiệm theo quy định khi xảy ra dịch bệnh", ông Được giải thích điều này chỉ xảy ra khi doanh nghiệp cố tình giấu khi phát hiện F0, cố tình để F0 lây lan ra cộng đồng, không phối hợp với Nhà nước trong việc tầm soát dịch bệnh.
P.L Tổng hợp