Bí quyết thành công tỷ phú thời trang Ralph Lauren

11:24 31/05/2021

Ralph Lauren bắt đầu đế chế trị hàng tỷ USD của mình từ con số 0. Quá trình lập nghiệp của ông là một trong những câu chuyện thành công về “Giấc mơ Mỹ” mà mọi người thường nhắc đến. Chính là những kỹ năng độc đáo trong ngành thời trang của riêng ông. Lauren “thiết kế” thời trang giống như làm một bộ phim. Ông hình dung những thước phim cho các bộ sưu tập của mình trong đầu và nói lại ý tưởng với đội ngũ thiết kế, góp ý để cho ra đời những bộ trang phục tuyệt vời...

Xây dựng nên đế chế thời trang hùng mạnh bắt đầu từ cà vạt

Ralph Lauren sinh ngày 14/10/1939 tại The Bronx, New York (Mỹ), là con út trong bốn người con của một gia đình Do Thái đến từ Belarus. Nhà Ralph không giàu nhưng có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là Fradyl Koltar-Lifshitz, cha là họa sĩ vẽ tranh tường Frank Lifshitz. Mẹ của Ralph từng muốn con trai út của mình trở thành một giáo sĩ Do Thái, tuy nhiên cậu bé lại tự lập từ sớm và có ý chí phấn đấu riêng của mình.

Lớn lên, Ralph từng học cách thoát khỏi thực tế nghèo khổ của gia đình bằng cách đi xem phim và chìm đắm trong những câu truyện hư cấu. “Ralph Lauren thực sự rơi vào thế giới của những bộ phim thời đó. Ông nhìn thấy bản thân trong những tầm nhìn, mơ ước và cuộc sống của các nhân vật như Gary Cooper, Cary Grant. Và ông đem cả thế giới tưởng tượng đó vào kinh doanh thời trang“, theo Michael Gross, tác giả cuốn Genuine Authentic: The Real Life of Ralph Lauren.
Tỷ phú thời trang Ralph Lauren. Nguồn ảnh: Internet
Tỷ phú thời trang Ralph Lauren. Nguồn ảnh: Internet.

Cậu bé Do Thái thích làm đỏm và sớm có khiếu thời trang. Nhà nghèo, Ralph bèn nghĩ cách đi buôn để lấy tiền mua những bộ vest thật bảnh bao. Khi còn học trường MTA (giờ là Marsha Stern Talmudical Academy), ông nổi tiếng với việc bán cà vạt, nơ cài áo cho các bạn trong lớp. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông cho biết có khao khát làm giàu từ hồi cắp sách đến trường: "Ở thời điểm đó, những chiếc cà vạt được thiết kế chuyên nghiệp chỉ có giá hơn 5 USD/chiếc, nhưng cà vạt của tôi có thể bán được 15 USD”.

Bên cạnh đó, ông còn tranh thủ làm thêm vào kỳ nghỉ hè ở Catskills hay trong cửa hàng bách hóa tại New York. Ở tuổi 12, Ralph là đứa trẻ mặc quần áo "xịn" nhất so với những bạn cùng lớp, từ số tiền do chính mình kiếm được. Làm ra tiền, Ralph ước trở thành một người thật giàu có. Cậu từng viết ngay dưới quyển sách ảnh Clinton của mình là: Tôi muốn trở thành một triệu phú!

Khi 16 tuổi, Ralph Lifshitz đổi họ thành Lauren. Ông tâm sự với "nữ hoàng truyền hình Mỹ" Oprah Winfrey: "Tên của tôi có từ nhạy cảm trong đó nên khi còn nhỏ luôn bị những đứa trẻ khác đem ra giễu cợt. Đó là lý do vì sao tôi quyết định thay đổi. Sau này, có người nói tôi đổi tên để chối bỏ nguồn gốc Do Thái, tôi khẳng định là tuyệt đối không. Các anh chị em họ của tôi ở California cũng đã đổi họ thành Lawrence. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ phải chọn một cái họ đẹp hơn".

Ralph Lauren được xếp vào danh sách những tỷ phú không bằng đại học của thế giới bên cạnh những doanh nhân đình đám như Jack Ma của Alibaba, Jan Koum - CEO của WhatsApp hay Howard Schultz của Starbucks. Ralph từng học kinh doanh hai năm tại trường Đại học Baruch nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng và gia nhập quân đội từ năm 1962-1964. Sau khi xuất ngũ, ông làm nhân viên bán găng tay và thư ký cho hãng Brooks Brothers một thời gian ngắn, trước khi trở thành nhân viên bán hàng cho công ty cà vạt Rivetz.

Năm 1966, khi 26 tuổi, Ralph Lauren sáng tạo mẫu cà vạt bản rộng, màu sáng theo phong cách châu Âu sau khi nhìn thấy diễn viên Douglas Fairbanks Jr dùng. Nhưng ý tưởng của chàng trai bị công ty từ chối. Ralph Lauren quyết định tách ra và gây dựng cơ sở riêng.

Chưa từng học thiết kế nhưng Ralph tự tin cắt may với khả năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của mình. Từ những miếng vải vụn, chàng trai gốc Do Thái đã biến chúng thành cà vạt và bán cho các cửa hàng nhỏ ở New York. Một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp buôn bán cà vạt là khi Ralph tiếp cận được với Neiman Marcus, chủ thương hiệu bán lẻ hàng xa xỉ. Neiman đã mua của Ralph Lauren hơn 1.000 chiếc cà vạt.

Năm 1967, bằng số tiền 50.000 USD vay của một người anh, Ralph Lauren lập được công ty riêng của mình ở một phòng trong tòa nhà Empire State. Ông nói: "Đúng là có người cho tôi vay 50.000 USD để tôi khởi nghiệp. Nhưng không ai giao cho tôi vương quốc thời trang đã có sẵn”.

Với sự ủng hộ tài chính từ công ty sản xuất quần áo Norman Hilton, ông mở một cửa hàng cà vạt do mình thiết kế dưới nhãn hiệu "Polo". Đến năm 1971, nhà tạo mốt mở rộng thêm địa bàn kinh doanh của mình với một cửa hàng Polo khác trên đường Rodeo Drive ở Beverly Hills.

Vào năm 2010, đế chế thời trang của ông đã có 631 cửa hàng với 19.000 nhân viên trên toàn thế giới. Ngoài nhiều dòng trang phục nam và nữ, ông còn có dòng nước hoa, nội thất sang trọng. Ralph cũng là nhà thiết kế quen thuộc của đội tuyển Olympic Mỹ. 

Ralph Lauren đã xây dựng nên đế chế thời trang hùng mạnh bắt đầu từ một sản phẩm “nhỏ xíu” - cà vạt
Ralph Lauren đã xây dựng nên đế chế thời trang hùng mạnh bắt đầu từ một sản phẩm “nhỏ xíu” - cà vạt.

Bí quyết thành công của Ralph Lauren

Kiểm soát số phận của chính bạn

Xuất phát điểm nghèo khó, Ralph Lauren không bao giờ lấy đó làm điểm yếu chi phối con đường ông lựa chọn. Ông chủ cũ đã từng nói với Lauren: "Thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận Ralph Lauren." Mặc dù câu nói không có ý như vậy, ông vẫn coi đây như là một lời khen. Ông quyết định theo đuổi đam mê của riêng mình về một công ty thời trang và cuối cùng bắt đầu sản xuất những loại vải đầu tiên tạo nên chiếc áo Polo Ralph Lauren nổi tiếng.

Sống để mơ ước, mơ ước để sống

Có lẽ sự thành công của Lauren là nhờ trí tưởng tượng tuyệt vời của ông. Một trong những sở thích của Lauren là hình dung cuộc sống của mình như những ngôi sao điện ảnh; đưa mình vào thế giới của họ và tưởng tượng mình đang sống theo lối sống cao cấp đó. Chính tinh thần ấy giúp ông phát triển phong cách thời thượng mà thương hiệu Ralph Lauren hiện nay được biết đến. Ralph Lauren dám ước mơ về điều không thể, và bây giờ ông vẫn tiếp tục sống với giấc mơ ấy mỗi ngày.

Suy nghĩ tích cực

Ralph Lauren luôn duy trì thái độ tích cực với cuộc sống. Ông xem mỗi ngày như một cơ hội mới để thất bại hay thành công, và nhận ra rằng dù kết quả thế nào đi nữa, ông sẽ luôn rút ra được bài học kinh nghiệm. Tất cả chúng ta đều thất bại ở điểm này hay điểm khác. Cách chúng ta đối phó với thất bại quyết định rất nhiều thành công mà chúng ta có thể đạt được. Khi bạn thất bại, hãy ghi nhớ những gì bạn học được từ nó, và lần sau bạn sẽ thành công.

Đừng mong chờ thành công tự tìm đến

Nhiều doanh nhân tương lai không tập trung vào việc kinh doanh thực tế và vin vào các lý do: “Tôi chưa lấy bằng MBA”, “Tôi chưa có một bản kế hoạch hoàn hảo” và “Đây chưa phải là thời điểm thích hợp”, tất cả chỉ là những cái bẫy tư duy khiến họ mắc kẹt. 

Mặc dù Lauren chỉ có một ý tưởng duy nhất cho một sản phẩm, nhưng ông biết rằng nó đáng để theo đuổi và rồi nó đã ghi tên ông vào lịch sử thời trang.

Trong cuốn kỷ yếu thời trung học của mình, Lauren đã viết rằng mục tiêu của ông là trở thành một triệu phú. Chỉ với tấm bằng tốt nghiệp trung học và một vài lớp kinh doanh, ông đã theo đuổi ước mơ của mình. Ngày nay, tài sản của ông ước tính khoảng 7 tỷ đô la.

Tầm nhìn đi trước, kiến thức theo sau

Khi Lauren bước vào lĩnh vực thời trang, cà vạt không có gì đáng để bàn đến. Chúng thậm chí không được coi là phụ kiện, mà chỉ là một thành phần đi kèm của quần áo. Lauren đã thay đổi tất cả điều đó với tầm nhìn của mình.

Khi Lauren bước vào lĩnh vực thời trang, cà vạt không có gì đáng để bàn đến

Thay vì chạy theo các tín hiệu thị trường hiện có, Lauren bán những chiếc cà vạt với ý tưởng và niềm tin của mình.

Lauren sau đó thú nhận với Vogue vào năm 1982 rằng ông thậm chí không biết cách sản xuất cà vạt. Rõ ràng là tầm nhìn của ông đi trước cả khi ông biết phải làm như thế nào. Ông nhận thấy người tiêu dùng của mình đang khao khát một xu hướng thời trang mới và cũng chính là lúc các cửa hàng bách hóa bắt đầu tích trữ những chiếc cà vạt Polo.

Bất cứ ai cũng có thể sao chép thành công, nhưng chỉ những doanh nhân thực sự thành công mới có thể rèn giũa con đường của riêng họ. Lauren chứng minh rằng bằng cách tập trung vào tầm nhìn của chính mình, bạn có thể đánh bại đám đông bắt chước. 

Làm thế nào để tìm được “sản phẩm độc đáo”?

Tập trung hoàn toàn vào một sản phẩm duy nhất có vẻ hơi rủi ro, nhưng đáng để thử. Đây là những kinh nghiệm của Lauren:

Tìm kiếm những điều còn thiếu trên thị trường: Trở thành người giỏi nhất có thể tốn kém, đầy thử thách và mất thời gian. Tìm cách để khác biệt hoặc đi ngược lại vấn đề và bạn sẽ có thời gian nổi bật dễ dàng hơn.

Khởi chạy, sau đó lặp lại: Người đồng sáng lập LinkedIn, Reid Hoffman, nổi tiếng với câu nói: “nếu bạn không cảm thấy bối rối trước phiên bản đầu tiên của sản phẩm, thì bạn đã ra mắt quá muộn”. Không ai có thể ghi điểm tuyệt đối ngay từ lần đầu nhưng thay vào đó, chúng ta có cơ hội để học và cải thiện nhiều hơn.

Lấy hành vi của người tiêu dùng làm chỉ dẫn: Thay vì làm ra một sản phẩm không ai muốn chỉ vì đó là lý tưởng của cá nhân bạn, hãy nhìn vào hành vi thực tế của những khách hàng tiềm năng. Nếu nhận được những phản hồi tích cực, quay lại bản kế hoạch và tiếp tục. Khi bạn bắt đầu nghe thấy “tôi có thể mua nó ngay bây giờ không” tức là mọi thứ đang hiệu quả.

Nhiều doanh nhân tin rằng, cần có tổ hợp lý tưởng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ra mắt thành công. Ralph Lauren đã chứng minh điều đó là sai. Không cần phải có một bộ sản phẩm hoàn chỉnh, một thương hiệu đầy lý tưởng hoặc một đội ngũ tài trợ phía sau. Điều quan trọng nhất là phải kiên định xây dựng thật tốt một sản phẩm, một sản phẩm mà khiến bạn phải vùng dậy mà xông ra thị trường.

TH