Bí quyết “sống khỏe” và phát triển ngày càng thịnh vượng của các doanh nghiệp gia đình

09:47 21/11/2021

Bên cạnh những thách thức thường gặp với bất kỳ công ty nào, các công ty gia đình còn phải đối mặt với nhiều thử thách riêng biệt khác, từ sự bất hòa trong các mối quan hệ tình thân cho đến lên kế hoạch cho thế hệ kế thừa...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân thành công bây giờ đều là xuất thân từ những doanh nghiệp gia đình. Doanh nghiệp gia đình là loại hình doanh nghiệp mà người thành lập và gia đình họ sở hữu một lượng cổ phần đáng kể hoặc những người này đang nắm quyền quản lý và có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh doanh

Ở những quốc gia đang phát triển, nhiều công ty thành công cũng có nguồn gốc từ các doanh nghiệp gia đình, điển hình là Wal-Mart, Bertelsmann và Bombardier ở Bắc Mỹ và châu Âu; các “chaebol” (được biết đến là tài phiệt- hay các tập đoàn lớn ) ở Hàn Quốc và “grupo” ở châu Mỹ La Tinh.

Dưới đây là các bí quyết thành công của một số doanh nghiệp gia đình không chỉ “sống khỏe” trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh mà còn phát triển ngày càng thịnh vượng mà CNBC đã từng phỏng vấn:

Kết nối sớm với công việc kinh doanh của gia đình

Trong nhiều doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các thành viên cùng một gia đình, các thế hệ trẻ thường lớn lên trong môi trường kinh doanh, dù không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh cho đến nhiều năm sau đó.

Anderson Tanoto – Giám đốc của Royal Golden Eagle (một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghiệp sản xuất dựa vào tài nguyên tại châu Á – Thái Bình Dương, sở hữu 60.000 nhân viên trên toàn thế giới) cho biết, khi còn nhỏ, ông thường xuyên có mặt tại đồn điền của Công ty ở Indonesia. Vào những năm 1960, Royal Golden Eagle khởi đầu là một doanh nghiệp gỗ dán trước khi mở rộng sang lĩnh vực bột giấy và dầu cọ.

“Tôi trải qua 4 hoặc 5 mùa hè ở vùng núi Kerinci, tỉnh Riau và nhiều đồn điền khác ở Indonesia… Khi đó, tôi là một đứa trẻ được hòa mình vào thiên nhiên, đầu đội mũ bảo hộ lao động, bị choáng ngợp bởi các không gian rộng lớn, xung quanh là nhiều dòng sông, kênh rạch... Cảm giác thật thú vị!”, ông nói với CNBC.

Belinda Tanoto – chị gái của Anderson cho rằng, việc dành nhiều thời gian ở tuổi ấu thơ tại các đồn điền hoặc trên các cánh đồng đã giúp nhiều thành viên nhỏ tuổi có một kết nối cảm xúc mạnh mẽ với công việc kinh doanh của gia đình.

Duy trì doanh nghiệp với 100% sở hữu gia đình

Gia đình Perrin - chủ sở hữu Chateau de Beaucastel (doanh nghiệp sản xuất một trong những dòng rượu vang được đánh giá là ngon nhất nước Pháp) chọn cách giữ cho việc kinh doanh hoàn toàn thuộc sở hữu của gia đình.

“Chúng tôi sở hữu 100% Chateau de Beaucastel, vì thế, chưa bao giờ có cuộc thảo luận nào về việc để người ngoài sở hữu dù chỉ là 1% cổ phần”, Marc Perrin nói. Ông là một trong những thành viên thuộc thế hệ thứ 5 của gia đình tham gia vào công việc kinh doanh.

Được biết, lý do gia đình Perrin nắm giữ 100% doanh nghiệp này là vì họ muốn cung cấp một nền tảng cho các thế hệ tương lai. “Bạn không trồng một vườn nho cho bạn, mà là cho thế hệ kế thừa. Nói cách khác, điều quan trọng chúng tôi ý thức được là, công việc chúng tôi đang làm không phải làm cho bản thân mình, mà là cho thế hệ tiếp theo”, Francois Perrin nói.

Đặt ra những giới hạn

Dù việc giữ cho các thành viên luôn gần gũi với nhau có thể là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp gia đình, riêng doanh nghiệp cà phê Ý Illy thì lại thiết lập một quy tắc đảm bảo cho các thành viên cùng một gia đình không bao giờ làm việc hoặc báo cáo trực tiếp cho một thành viên khác.

“Chúng tôi có những quy tắc rất nghiêm ngặt, chẳng hạn, không được có nhiều hơn một người trong cùng một gia đình làm việc chung công ty hoặc chung khu vực”, Daria Illy – thành viên thuộc thế hệ thứ tư của đại gia đình Illy, chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm mới cho biết.

“Chắc chắn bạn sẽ không thể tìm thấy 2 anh em ruột đang làm việc trong cùng một bộ phận, và chắc chắn họ cũng không thuộc trách nhiệm quản lý của một thành viên khác trong gia đình”, bà nói thêm.

Vượt qua các mâu thuẫn

Dù có xu hướng giữ cho việc quản lý kinh doanh luôn thuộc nội bộ gia đình, các thành viên trong doanh nghiệp gia đình không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm.

Nhà thiết kế thời trang Ấn Độ Ritu Kumar thừa nhận từng có nhiều bất đồng với con trai Amrish – CEO của Hãng thời trang Ritu Kumar. Rita Kumar nổi tiếng bởi các thiết kế sang trọng, thể hiện được sự khéo léo và chuyên nghiệp của người Ấn, chinh phục nhiều khách hàng quen thuộc giới thượng lưu, từ ngôi sao Bollywood Aishwarya Rai đến Công nương Diana.

Hiện tại, Amrish đang cố gắng giúp Công ty phục vụ hiệu quả hơn cho các khách hàng hiện đại – một nhiệm vụ khá khó khăn, như ông từng thừa nhận. “Có một sự thay đổi ở cấp độ thế hệ, kèm theo đó là sự gia tăng về quy mô và phạm vi của Công ty. Việc này có thể mang đến một số bất ổn”, Amrish chia sẻ.

Tuy nhiên, với một số bất đồng đôi khi xảy ra, Ritu Kumar vẫn đánh giá cao đóng góp của con trai cho công việc kinh doanh. “Có vẻ như Amrish đang đưa Công ty ra tầm quốc tế, điều này có thể sẽ tốt”, bà nói.

My An (tổng hợp)